Xóa nỗi lo bữa ăn mùa thi cho học sinh vùng cao
Một chính sách ý nghĩa, nhân văn lĩnh vực giáo dục vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 21, khóa XV, giúp tháo gỡ trăn trở kéo dài nhiều năm của thầy và trò các trường THPT vùng khó. Thay vì phải lo toan bữa ăn trong cả tháng 6 - thời gian ôn thi tốt nghiệp, từ năm tới, học sinh cuối cấp hệ nội trú, bán trú tỉnh ta sẽ được hỗ trợ toàn diện, để các em vững tâm bước vào kỳ thi quan trọng.
Đó là nội dung Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc nội trú, học sinh bán trú, học viên bán trú năm cuối cấp THPT và cơ sở giáo dục để ôn thi tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Vừa “đèn sách” vừa lo bữa ăn
Đối với nhiều địa phương, tháng 6 là khoảng thời gian các sĩ tử tập trung tối đa cho việc ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất của 12 năm đèn sách. Nhưng với không ít trường THPT tỉnh ta, đây lại là giai đoạn đầy lo toan và trăn trở. Thường thì năm học kết thúc vào cuối tháng 5, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm diễn ra vào cuối tháng 6, nên các chính sách cho giáo viên, học sinh (không phải trường nội trú) không được áp dụng. Học sinh bán trú nhiều trường ôn tập trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Đảm bảo ăn uống cho học sinh (diện bán trú) ôn thi tốt nghiệp trong thời gian tháng 6 là nỗi trăn trở của nhiều trường THPT trong tỉnh. Trong ảnh: Học sinh cuối cấp Trường THPT Phan Đình Giót được kết nối hỗ trợ bữa ăn.
Trường THCS - THPT Tả Sìn Thàng nằm ở “vùng lõm” khó khăn bậc nhất huyện Tủa Chùa cũ, nay thuộc xã Sín Chải. Với địa bàn vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, phần lớn học sinh là con em hộ nghèo, mỗi mùa ôn thi là gánh nặng tự túc của học sinh và nỗi lo của nhà trường. Tháng 6 hàng năm, để duy trì việc ăn ở sinh hoạt và ôn tập cho khoảng 70 - 100 học sinh cuối cấp/khóa, nhà trường phải xoay xở đủ cách.
Cô Hoàng Thị Dung, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: "Số lượng gạo được Nhà nước hỗ trợ ăn theo chế độ trong năm học của các em học sinh bán trú cuối cấp còn dư, được dành cho các em nấu ăn trong tháng 6 ôn thi tốt nghiệp. Cuối năm học, nhà trường đã phải lên kế hoạch hỗ trợ học sinh sinh hoạt, học tập trong giai đoạn "nước rút", theo đó thành lập tổ kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ bữa ăn cho các em. Tuy nhiên số lượng huy động được không nhiều, một tuần chỉ có thể bổ sung được cho các em 2 – 3 buổi, với những đồ thiết yếu như nước lọc, bánh, trứng, sữa”.
Hoàn cảnh còn khó khăn, không có nguồn hỗ trợ ổn định nên bữa ăn của một số em không đảm bảo, chỉ có rau, cơm trắng hoặc mì tôm. Các em tự nấu ăn theo nhóm hoặc cá nhân, vừa ôn thi, vừa tự xoay sở từng bữa. Chỉ đến 3 ngày thi chính thức, các em mới được tạm gác việc bếp núc, tập trung cho thi cử, bởi lẽ những ngày này thầy cô, đoàn thanh niên cùng một số phụ huynh xắn tay vào nấu nướng, lo từng bữa ăn để các em yên tâm dự thi, chi phí do nhà trường tiếp tục đứng ra kêu gọi và phụ huynh đóng góp thêm.

"Nếu có chế độ hỗ trợ trong thời gian ôn thi, các em sẽ được ăn 3 bữa/ngày, có thịt, có dinh dưỡng hơn, đảm bảo sức khỏe cho kỳ thi... Nhà trường cũng như học sinh và phụ huynh đều rất mong mỏi chính sách này được hiện thực hóa" – Hiệu trưởng Hoàng Thị Dung nói thêm.
Nỗi lòng của các thầy cô Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều trường THPT có học sinh bán trú trên khắp địa bàn tỉnh. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý ôn thi của học sinh mà còn tạo ra một sự bất bình đẳng vô hình trong cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh vùng khó.
Niềm vui chung cho giáo dục vùng khó
Từ thực tế đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho giai đoạn ôn thi tốt nghiệp. Nghị quyết mang giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn. Chính sách này ra đời sẽ trực tiếp giải quyết những khó khăn cố hữu, mang lại sự ổn định và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em học sinh.
Theo nội dung Nghị quyết, học sinh bán trú, học viên bán trú cuối cấp THPT sẽ được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng/học sinh/tháng; hỗ trợ tiền ở (trong trường hợp cơ sở giáo dục không thể bố trí chỗ ở cho học sinh) 360.000 đồng/tháng/học sinh; hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh. Cơ sở giáo dục có tổ chức ăn ở tập trung cho học sinh cũng được hỗ trợ điện, nước, kinh phí phục vụ nấu ăn, kinh phí thực hiện quản lý học sinh. Thời gian hỗ trợ 1 tháng sau khi kết thúc năm học.
Hay tin nghị quyết trên được thông qua, thầy và trò Trường THPT Mường Nhà (xã Mường Nhà) vô cùng phấn khởi. Thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng Nhà trường không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Tốt quá rồi, từ năm học tới, phụ huynh bớt gánh nặng, học sinh yên tâm ôn luyện, thầy cô cũng tập trung hoàn toàn vào việc hướng dẫn, ôn thi cho các em; không phải lo lắng chi phí ăn của các sĩ tử nữa. Đây là một chính sách tuyệt vời, đúng và sát với nguyện vọng thực tế của các trường; mức hỗ trợ phù hợp, đảm bảo bữa ăn chất lượng cho học sinh”.

Từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của trường và đóng góp của phụ huynh, Đoàn Thanh niên Trường THPT Mường Nhà tham gia đảm bảm bữa ăn trong 3 ngày thi cho sĩ tử nhà trường.
Được biết những năm qua, tại Trường THPT Mường Nhà để sĩ tử yên tâm ôn thi giai đoạn nước rút, dưới sự chủ trì, hỗ trợ của nhà trường, phụ huynh đồng thuận đóng góp để thuê người nấu ăn cho con em mình 2 bữa/ngày với mức tổng chi phí 15.000 đồng/bữa, còn bữa sáng các em tự túc. Cùng với đó Nhà trường cũng kết nối, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, mạnh thường quân để bổ sung bánh, sữa, đồ dùng... cho học sinh. Tuy nhiên việc huy động đóng góp của phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn.
Từ mùa thi tới, chính sách được áp dụng, hình ảnh thầy cô phải "chạy vạy" lo từng bữa ăn, học sinh phải tự túc trong giai đoạn căng thẳng nhất sẽ không còn. Thay vào đó, các em sẽ được đảm bảo về dinh dưỡng với 3 bữa ăn mỗi ngày, có thêm thời gian và tâm trí để tập trung hoàn toàn vào việc ôn luyện. Điều này không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần quý giá, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của tỉnh nhà đến sự nghiệp "trồng người" trên địa bàn.
Giá trị của Nghị quyết không chỉ dừng lại ở việc cải thiện bữa ăn. Nó còn góp phần ổn định công tác tổ chức ôn thi của các nhà trường. Về lâu dài, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, mở ra nhiều hơn những cánh cửa vào đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương.