Xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi: Giảm tải chi phí và nhân sự quản lý nợ

Trước tình hình nợ thuế không có khả năng thu hồi đang gây khó khăn cho công tác quản lý và làm mất cân đối ngân sách, việc xóa nợ thuế đã được quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với những quy định cụ thể, nhất là liên quan đến thẩm quyền xóa nợ.

Nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua từng tháng, từng năm. Ảnh: Thùy Linh.

Nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua từng tháng, từng năm. Ảnh: Thùy Linh.

Lãng phí chi phí quản lý và nhân lực

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 46,4 nghìn tỷ đồng. Số nợ này chiếm tỷ trọng 54,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2018. Cụ thể: Các khoản thuế, phí là 19.890 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,5% tổng số tiền thuế nợ); các khoản nợ liên quan về đất là 10.184 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12% tổng số tiền thuế nợ); các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 16.417 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 19,4% tổng số tiền thuế nợ). Đáng chú ý, cũng tính đến tháng 5, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 38.137 tỷ đồng, chiếm tới 45,1% tổng số nợ thuế.

Với những con số trên, có thể thấy rằng, nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua từng tháng, từng năm gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối với cán cân thu ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã có những quy định riêng về việc khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Góp ý về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa cho rằng, quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Lê Quang Hùng lấy ví dụ, tổng nợ không có khả năng thu tại Chi cục Thuế Đống Đa đến thời điểm 30/4/2019 là 673,8 tỷ đồng của 17.591 doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, chiếm 54% so với tổng nợ của Chi cục.

“Đây là số nợ không thể thu được, vì chủ yếu các khoản nợ này tồn tại từ khi thành lập ngành Thuế thuộc đối tượng là người nộp thuế đã chết, hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh; người nộp thuế chờ giải thể; người nộp thuế mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...”, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa thông tin.

Điều đáng nói, theo ông Hùng, mặc dù không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp (khoảng 6 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh mới/tháng tại Chi cục Thuế Đống Đa) đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo. Do đó, nợ thuế không có khả năng thu hồi suốt thời gian qua đã tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tại dự thảo Luật lần này sẽ làm giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế.

Không lập Hội đồng xem xét xóa nợ thuế

Để giải quyết thách thức của bài toán nợ thuế không có khả năng thu hồi, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã có một chương riêng về nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong đó, những quy định cụ thể về đối tượng, trường hợp khoanh nợ, xóa nợ đã được cơ quan soạn thảo quy định khá chi tiết, cụ thể và nhận được phản hồi tích cực của dư luận. Riêng đối với bài toán thanh tra, giám sát quy trình xóa nợ, một số ý kiến cho rằng cần thành lập Hội đồng làm nhiệm vụ tư vấn, rà soát, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Trước ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xóa nợ tiền thuế là trách nhiệm cá nhân theo thẩm quyền được phân cấp và thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, việc thành lập Hội đồng này sẽ khó quy trách nhiệm cho tổ chức hay cá nhân khi quyết định xóa nợ và tăng thủ tục hành chính. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất không bổ sung quy định về việc thành lập Hội đồng xóa nợ thuế trong dự thảo Luật.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ những trường hợp cụ thể được xóa nợ thuế và thẩm quyền xóa nợ thuế. Điều này có nghĩa, để xóa nợ thuế thì người có thẩm quyền xóa nợ phải xem xét đầy đủ hồ sơ xóa nợ thuế để xác định chính xác xem có đúng đối tượng được xóa nợ không để ra quyết định xóa nợ và chịu trách nhiệm về quyết định xóa nợ của mình. Để phục vụ cho việc ra quyết định xóa nợ của người có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) có bộ máy giúp việc để tổng hợp và giải trình. Do vậy, điều này hoàn toàn có thể đảm bảo việc xóa nợ chặt chẽ và đúng luật.

"Việc thành lập Hội đồng xem xét xóa nợ thuế sẽ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết và tốn kém thời gian, công sức, gây tăng chi phí quản lý và chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Thêm vào đó, nếu sử dụng cơ chế Hội đồng như vậy thì sẽ khó xác định rõ trách nhiệm cá nhân khi có sai sót về quyết định xóa nợ", PGS.TS Lê Xuân Trường nêu ý kiến.

Về xóa nợ thuế, tại nội dung dự thảo Luật Quản lý thuế trước đây có quy định người có thẩm quyền xóa nợ là Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này có phần chưa khách quan. Do vậy, tại Dự thảo mới nhất có quy định thẩm quyền xóa nợ thuế ở địa phương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Còn riêng đối với trường hợp thẩm quyền xóa nợ thuế của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, có ý kiến cho rằng vẫn chưa khách quan, do thuế là ngành dọc cho nên cần xem xét lại.

Về điều kiện để xóa nợ thuế, dự thảo có quy định theo 4 khoản nhưng tựu chung lại có 2 mục: một mục đối với doanh nghiệp và hợp tác xã; mục còn lại là hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các khoản xóa nợ 5 tỷ đồng, 10 tỷ đồng, 15 tỷ đồng đều tập trung bên phần hộ kinh doanh cá thể, còn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lại không thấy nhắc đến thẩm quyền các mức xóa nợ của Chủ tịch tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng và Thủ tướng. Đồng thời, dự thảo cũng chỉ quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền quyết định xóa nợ sau khi có doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Nếu theo mục này thì Chủ tịch tỉnh được quyền quyết hết đối với doanh nghiệp bị phá sản được xóa nợ. Nhưng số tiền nhiều nhất không phải tập trung 5-10 tỷ đồng trong hộ kinh doanh mà tập trung nhiều trong doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với hộ kinh doanh được xóa sau 10 năm nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thấy nói thời hạn bao nhiêu năm xóa hay đủ điều kiện phá sản là xóa ngay. Những nội dung này cần được làm rõ hơn.

(Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến tại phiên Quốc hội thảo luận báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 24/5)

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/xoa-no-thue-khong-co-kha-nang-thu-hoi-giam-tai-chi-phi-va-nhan-su-quan-ly-no-105967.html