Xóa mặc cảm, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nạn nhân bom mìn

'Suốt thời gian dài làm việc gì cũng khó khăn, không sử dụng được nhiều đồ dùng, sinh hoạt cá nhân bị ảnh hưởng, tôi trở thành gánh nặng cho gia đình nên buồn lắm. Bây giờ được dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hỗ trợ làm cánh tay giả, tôi đã làm được nhiều việc hơn, cuộc sống được cải thiện, mặc cảm của bản thân đã được xóa đi'.

Trên đây là chia sẻ xúc động của anh Đinh Thá, bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), một nạn nhân bị tai nạn do bom mìn.

Kỹ thuật viên của dự án lắp cánh tay giả cho anh Đinh Thá, người Arem thuộc dân tộc thiểu số Chứt, tại bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Kỹ thuật viên của dự án lắp cánh tay giả cho anh Đinh Thá, người Arem thuộc dân tộc thiểu số Chứt, tại bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ; Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp khảo sát, đánh giá những khó khăn của các nạn nhân bị tai nạn do bom mìn tại Quảng Bình.

Sau quá trình khảo sát, đánh giá, cuối tháng 3/2020, nhóm chuyên gia đã tiến hành lắp đặt hai cánh tay điện cho anh Đinh Thá và anh Trần Đình Thêu.

Anh Đinh Thá là người Arem thuộc dân tộc thiểu số Chứt, bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Bản làng nơi anh Thá sinh sống nằm cách thành phố Đồng Hới khoảng 140 km, điều kiện điện lưới và giao thông liên lạc còn khó khăn. Năm 2007, khi đi làm nương anh đã phát hiện một đầu đạn. Do thiếu hiểu biết về bom mìn, anh đã gò khiến đầu đạn phát nổ. Anh vĩnh viễn mất đi nửa cánh tay trái. Đang là lao động chủ lực của gia đình, tai nạn đã khiến cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Mọi gánh nặng đều đặt lên vai người vợ, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn, anh Đinh Thá lúc đó rất chán nản.

Được sự động viên của vợ và các con, khi tình trạng sức khỏe được cải thiện, anh Thá làm thêm nghề đan giỏ tre kiếm thêm thu nhập phụ giúp vợ nuôi các con. Thế nhưng, việc đan lát cũng không dễ dàng gì, dù cố gắng, mỗi ngày anh cũng chỉ đan được 1 chiếc giỏ, cho thu nhập khiêm tốn nên cuộc sống vẫn hết sức khó khăn.

May mắn, anh Thá là một trong 2 người được hỗ trợ lắp cánh tay giả. Giờ đây anh Thá có thể làm được những việc đơn giản như cầm, nắm, sử dụng các đồ dùng hàng ngày, thậm chí anh còn có thể làm được các việc nặng mà trước đây không thể làm.

Anh Đinh Thá, người Arem thuộc dân tộc thiểu số Chứt, tại bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có thể lao động nhờ được lắp cánh tay giả.

“Có cánh tay mới này tôi thấy tự tin hẳn, cuộc sống được cải thiện hơn rất nhiều. Bây giờ tôi có thể xách được 2 - 3 can nước, cầm xẻng xúc cát và làm tốt nhiều việc khác. Cánh tay đã giúp tôi cải thiện cuộc sống, xóa đi những mặc cảm của bản thân”, anh Thá xúc động chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ với anh Thá là anh Trần Đình Thêu (trú tại thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Trước khi xảy ra tai nạn, anh Thêu cũng là lao động chính nuôi sống của cả gia đình. Tháng 8/2012, trong khi đánh cá, anh Thêu vô tình đụng phải một quả đạn phát nổ. Vụ tai nạn đã khiến anh bị mất một cánh tay trái, một mắt giảm 70% thị lực.

Sau vụ tai nạn, vợ chồng anh đã li hôn, người vợ nuôi 2 con, còn anh sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ do nhà nước hỗ trợ. Mất một cánh tay, mắt mờ nên mọi sinh hoạt của anh đều bị ảnh hưởng. Đi đâu anh cũng cảm thấy mặc cảm nên hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà, làm đôi việc lặt vặt và nhờ người thân, hàng xóm giúp đỡ.

Sau khi được hỗ trợ lắp đặt cánh tay điện, anh Trần Đình Thêu đã chủ động được nhiều hoạt động, thậm chí anh có thể làm vườn như những người bình thường.

Kỹ thuật viên của dự án lắp cánh tay giả cho anh Trần Đình Thêu, thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Là người trực tiếp lắp đặt các cánh tay chức năng cho các nạn nhân, anh Lê Tấn Việt Linh kỹ thuật viên của dự án cho biết, tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu công việc của mỗi nạn nhân, nhóm chuyên gia sẽ tiến hành thiết kế, lắp đặt tay cho phù hợp. Ở những nơi xa xôi, không có điện thì sử dụng tay cơ sẽ phù hợp hơn cho công việc lao động, đi rừng, phụ giúp sinh hoạt hàng ngày, dễ dàng sử dụng. Còn tay điện dùng pin dành cho người lao động nhẹ, công việc văn phòng sẽ hợp lý hơn.

Anh Trần Đình Thêu, thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có thể làm những công việc đơn giản nhờ được lắp cánh tay điện.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình Trịnh Đình Dương cho biết: Hậu quả của chiến tranh đến nay vẫn còn hiện hữu. Hiện tại, Quảng Bình có khoảng 4.500 người là nạn nhân bom mìn, trong đó rất nhiều đối tượng có nhu cầu lắp chân tay giả. Họ là đối tượng thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn nhất trong đời sống sinh hoạt, nếu được hỗ trợ thì sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống. Họ sẽ có cơ hội phục hồi chức năng, thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất để tạo ra thu nhập giúp đỡ gia đình, đồng thời hỗ trợ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau theo nhóm. Bên cạnh đó, cánh tay mới cũng cũng giúp họ tự tin hơn, cuộc sống sẽ ý nghĩa, hạnh phúc hơn. Dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả nạn nhân bom mìn sau chiến tranh mang tính nhân văn sâu sắc và được chính quyền, nhân dân đồng thuận...

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/xoa-mac-cam-mang-lai-cuoc-song-tot-dep-hon-cho-nan-nhan-bom-min-20200404092547815.htm