Xóa lò gạch thủ công ở Quốc Oai: Tồn tại dai dẳng, vì sao?

Câu chuyện xóa lò gạch thủ công ở huyện Quốc Oai nói chung và xã Hòa Thạch nói riêng không phải đến bây giờ mới được đề cập. Chủ chương xóa bỏ với từng bước hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực như đường xá hỏng hóc, bầu không khí ô nhiễm… đã có song cho đến nay lò gạch trên địa bàn vẫn nhả khói. Bao giờ lò thôi 'đỏ lửa', và vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết gẫy góc vẫn là nỗi mong mỏi của không ít người dân nơi đây.

Đâu là nguyên nhân?

Có mặt tại địa bàn xã Hòa Thạch vào những ngày cuối tháng 3, theo ghi nhận của phóng viên dù chỉ nằm cách nhà dân vài trăm mét song không ít lò gạch vẫn trong trạng thái hoạt động, ống khói ngun ngút màu trắng đang xả ra môi trường. Xung quanh lò, hàng ngàn viên gạch thành phẩm được xếp thành nhiều dãy chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Lò gạch thủ công hoạt động tại xã Hòa Thạch gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: P.T)

Lò gạch thủ công hoạt động tại xã Hòa Thạch gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: P.T)

Theo phản ánh của người dân, những lò gạch này đã hoạt động từ nhiều năm nay. Mỗi lần đốt lò, những cột khói trắng lại bốc lên nghi ngút khiến không khí quanh vùng trở nên ngột ngạt. Đặc biệt, hoạt động của các xe đầu ngang, ba bánh chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng, gạch, đất... phục vụ cho việc sản xuất của các lò gạch trên đã và đang khiến đê Khoang Ông ô nhiễm và xuống cấp.

Qua quan sát, tuyến đê này dài khoảng 1,5km bề mặt đê rộng từ 4 - 5m, được xem là trục đường dân sinh giúp nối thông xã Hòa Thạch với các địa phương khác trong huyện như Thạch Thán, Phú Cát… có tầm quan trọng là vậy song trục giao thông này cho đến nay vẫn tồn tại những vệt bánh xe lằn sâu, bề mặt mấp mô.

Cùng với chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Hà Nội đã lên lộ trình rõ ràng từ nay đến năm 2020 sẽ “xóa” hoàn toàn lò gạch nung đang tồn tại trên địa bàn.

Nhiều địa phương hiện đã không còn bóng dáng các lò gạch nung như: Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm. Song cũng có số ít huyện còn tồn tại lò gạch nung hoạt động. Được biết, cũng như các địa phương trên cả nước công tác này còn khá nhiều khó khăn bởi hiện vật liệu thay thế cho gạch nung chưa phát triển nhiều.

Người dân vẫn giữ thói quen bao lâu nay là sử dụng gạch nung cho các công trình nhà ở, đặc biệt ở ngoại thành và vùng nông thôn. Ngoài ra, không ít lò gạch đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, việc xóa bỏ ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của họ.

Chưa kể, khắp trục giao thông này luôn ngập trong bụi bẩn vì cát, đá rơi vãi do các xe chở đất, gạch mỗi khi lưu thông qua không che chắn cẩn thận. Duy có một điểm đáng ghi nhận là đê Khoang Ông đang được chính quyền địa phương đẩy mạnh duy tu, sửa chữa. Nhờ vậy, những điểm nứt nẻ, có nguy cơ sạt trượt, xuống cấp… nay ít nhiều đã được khắc phục.

Với vô vàn những bất cập song vì sao những lò gạch vẫn “hành” dân vẫn tồn tại? Lý giải điều này, theo Đỗ Văn Cục - Trưởng thôn Hòa Trúc (xã Hòa Thạch), cốt yếu nằm ở bài toán môi trường và kinh tế. Cụ thể, thôn có hơn 2.500 nhân khẩu, là một trong những điểm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các lò gạch.

Trước kia, khoảng cách từ các lò gạch đến nhà người dân chỉ còn vẹn 100 - 200m, hơn nữa công nghệ lạc hậu, nền các lò gạch không được đổ bê tông khiến mỗi lần xe vận chuyển đi lại là kéo theo bụi phát tán ra khu dân cư. Nhà dân và cây xanh trong vùng luôn phủ kín bởi lớp bụi đất vàng khè. Chưa hết, có thời điểm nơi tập kết đất cũng không có mái che khiến mỗi khi trời chuyển gió Bắc là bụi thổi trực tiếp vào nhà dân, khiến cho cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khốn khổ.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là những lò gạch trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo Trưởng thôn Hòa Trúc, hiện nay sau nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, hiện tượng ô nhiễm do lò gạch xả thải đã giảm dần. Các lò gạch đã được đầu tư công nghệ hiện đại hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Theo dự kiến, đến khoảng tháng 6/2019 sẽ xóa bỏ tất cả các lò gạch thủ công trên địa bàn. Trong năm nay các lò gạch sẽ bị dẹp bỏ hết” - ông Đỗ Văn Cục chia sẻ.

Chuyển đổi hợp lý

Theo tìm hiểu, lộ trình xóa bỏ vĩnh viễn lò sản xuất gạch nung bằng công nghệ lạc hậu, lò vòng từ lâu đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cụ thể, ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, giao Bộ Xây dựng lập kế hoạch xây dựng lộ trình và chấm dứt gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò vòng.

Mới đây, ngày 10/9/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8616/VPCP-CN về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung gửi Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước những chỉ đạo quyết liệt trên, công tác xóa lò gạch thủ công cũng đang được triển khai đồng bộ trên toàn bộ các địa phương thuộc Hà Nội. Theo đó, Hà Nội cũng đã lên lộ trình rõ ràng đến năm 2020 sẽ “xóa” hoàn toàn lò gạch nung đang tồn tại trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương trên cả nước công tác này còn khá nhiều khó khăn bởi hiện vật liệu thay thế cho gạch nung chưa phát triển nhiều. Người dân vẫn giữ thói quen bao lâu nay là sử dụng gạch nung cho các công trình nhà ở, đặc biệt ở ngoại thành và vùng nông thôn. Ngoài ra, không ít lò gạch đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, việc xóa bỏ ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của họ.

Trở lại câu chuyện xóa lò gạch thủ công ở xã Hòa Thạch. Được biết, việc cân đối giữa bài toàn kinh tế và môi trường đã khiến không ít lần chính quyền địa phương phải đau đầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch gút mắc vấn đề đang từng bước được tháo gỡ. Cụ thể, hiện UBND xã đang xây dựng lộ trình để xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn. Sau khi các lò gạch được dẹp bỏ, khu vực trên sẽ chuyển đổi sang thành khu chăn nuôi tập trung.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai dẹp bỏ lò gạch còn vướng mắc, ông Nguyễn Hồng Thuận cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quốc Oai về việc chấm dứt hoạt động của những lò gạch tư nhân trên địa bàn trước ngày 31/12/2018, UBND xã đã đôn đốc chỉ đạo và yêu cầu các chủ lò gạch nghiêm túc chấp hành.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên đến hiện tại vẫn còn 3 lò gạch đang hoạt động. UBND xã đã yêu cầu các cơ sở dừng tất cả các hoạt động, không được phép nhập thêm nguyên vật liệu vào. Dự kiến thời gian tới sẽ chấm dứt triệt để.

Về vấn đề xe quá tải trọng khiến một số trục giao thông và đê trên địa bàn xuống cấp, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết, UBND xã cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị các chủ lò gạch không sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê. Đồng thời báo cáo Thanh tra giao thông và Công an huyện Quốc Oai để phối hợp tăng cường, kiểm tra, xử lý. “Vừa qua, UBND xã đã tiến hành xây dựng một mố để ngăn cản xe quá khổ, quá tải, nhờ vậy hiện tượng trên cũng đã giảm” - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết thêm.

Rõ ràng, việc xóa bỏ lò gạch thủ công trong khu dân cư, nhất là những nơi có nhiều hộ dân sinh sống là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách. Đề nghị các cấp, ngành liên quan tiếp tục có những động thái vào cuộc tích cực để sớm trả lại môi trường sống yên lành cho người dân.

Luyện Đinh – Thảo Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xoa-lo-gach-thu-cong-o-quoc-oai-ton-tai-dai-dang-vi-sao-89484.html