Xóa đói giảm nghèo bằng cây dược liệu

Quản Bạ, cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nơi có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, là điều kiện thuận lợi để cho đồng bào các dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp, phát triển cây đặc sản, nhất là cây dược liệu.

 Công nhân làm cỏ trên vùng trồng dược liệu của gia đình anh Nghì. Ảnh: VGP/Minh Nhung

Công nhân làm cỏ trên vùng trồng dược liệu của gia đình anh Nghì. Ảnh: VGP/Minh Nhung

Làm giàu nhờ cây dược liệu

Là một trong những người tiên phong trồng cây dược liệu của tỉnh Hà Giang, anh Vàng Thìn Nghì (dân tộc Bố Y, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) cho biết, từ năm 2000, khi Viện Dược liệu đưa giống cây trồng lên Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng, anh đã ấp ủ ý định trồng và phát triển loại cây này.

Là nhân viên bảo vệ của Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng, anh Nghì đã âm thầm học hỏi các kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây dược liệu… Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, anh Nghì quyết định nghỉ việc để dồn hết tâm sức thực hiện mơ ước của mình.

Do đồng vốn ít ỏi, cùng việc không nắm được đầu ra và cách nhân giống, khi mới bắt tay vào việc, anh Nghì gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm và khát vọng làm giàu, anh đã quyết định vay vốn từ nhiều nguồn để phát triển vườn dược liệu.

Nhờ quyết định của tỉnh Hà Giang về việc tạo điều kiện cho đồng bào được vay vốn và hỗ trợ lãi suất, anh Nghì đã vay được 1,5 tỷ đồng từ các nguồn để đầu tư và nhân rộng sản xuất. Với diện tích trồng dược liệu ban đầu chỉ vỏn vẹn 1-2 ha, đến nay, diện tích trồng cây dược liệu của gia đình anh đã lên tới 15 ha. Trừ tất cả chi phí và thuê nhân công, mỗi năm anh Nghì thu lãi được hơn một tỷ đồng.

Sau hơn chục năm trồng cây dược liệu, nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu, anh Nghì đã tự tạo ra được nguồn giống tại chỗ, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Tuy chưa kết nối được với các doanh nghiệp lớn, nhưng sản phẩm dược liệu của anh đã vươn ra các thị trường lớn như Hà Nội, Bắc Ninh… Anh Nghì quyết tâm trong thời gian tới sẽ nhân giống thành công 5 loại dược liệu mới, đều là những vị thuốc quý của Việt Nam như: Xuyên khung, bạch chỉ, tục đoan, cát cánh và hoàng cầm.

Năm 2018, anh Nghì sẽ xây dựng khu sơ chế, bào chế ngay tại vùng sản xuất dược liệu của địa phương. Đặc biệt, anh cùng với các hộ gia đình trồng dược liệu tiêu biểu của tỉnh Hà Giang đã đề xuất với tỉnh cho thành lập một doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh chuyên nghiên cứu về cây dược liệu - đây sẽ là điều kiện thuận lợi và tạo sức bật cho việc phát triển cây dược liệu của tỉnh Hà Giang.

Theo chia sẻ của anh Nghì, trên cùng một diện tích, trồng dược liệu sẽ cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác từ 5-10 lần. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn động viên, khuyến khích và giúp đỡ những người dân xung quanh muốn học hỏi theo mô hình của anh. Đến nay anh đã vận động được 3 hộ trồng cây dược liệu, mỗi hộ trồng được khoảng 1 ha.

Cây dược liệu: Mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển nông nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu của tỉnh Hà Giang là chuyển đổi mạnh về tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng, huyện Quản Bạ xác định phát triển cây dược liệu là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM và đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 209/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Quản Bạ đã tích cực phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, với mục tiêu cao nhất của huyện là xóa đói giảm nghèo.

Để làm được điều đó thì phải phát triển nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy huyện đã lựa chọn các cây, con là thế mạnh của vùng, trong đó, với cây trồng, huyện tập trung vào 3 loại chính là cây ngô, hồng không hạt và cây dược liệu.

Hiện nay, huyện Quản Bạ có tổng diện tích dược liệu chăm sóc và trồng mới là 2.670 ha với một số sản phẩm dược liệu thô có giá trị như thảo quả, đương quy, đan sâm, đẳng sâm... bên cạnh là một số loại đã được chiết xuất thành phẩm nổi bật như: Cao Atiso, cao mạnh gân cốt (chiết xuất từ 35 loại lá thuốc tự nhiên), cao hà thủ tô, cao đương quy...

Hiện nay huyện Quản Bạ đã hình thành nhiều HTX dược liệu, liên hiệp HTX chế biến dược liệu và hình thành được chuỗi giá trị khép kín từ khâu trồng, sơ chế, đến chiết xuất sản phẩm cuối cùng, cũng như thành lập các kênh phân phối sản phẩm, trong đó có 5 HTX chủ chốt là HTX Cộng đồng Nặm Đăm, HTX dược liệu Thanh Long, HTX Tùng Vài Phìn, HTX Nà Chang và HTX Bình Dương. Năm HTX này đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Dược liệu cao nguyên, nhằm thực hiện tốt hơn khâu quảng bá, giới thiệu và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, đến nay huyện Quản Bạ đã hình thành được vùng nguyên liệu dược liệu cho các doanh nghiệp tại Hà Nội và một số địa phương khác.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, mặc dù cây dược liệu mới phát triển mạnh tại huyện từ 4, 5 năm trở lại đây, nhưng có thể thấy rõ rệt hiệu quả mà cây trồng này mang lại. Thế mạnh của dược liệu Quản Bạ là cây được trồng trong vùng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên hoạt tính của cây dược liệu Quản Bạ được đánh giá cao hơn vùng khác.

Việc đẩy mạnh phát triển cây dược liệu cùng những cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của vùng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp của huyện. Hy vọng đến năm 2020, Quản Bạ sẽ trở thành huyện đạt chuẩn NTM như mục tiêu đã đề ra.

Minh Nhung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/xoa-doi-giam-ngheo-bang-cay-duoc-lieu/322903.vgp