Xoa dịu nỗi đau da cam

Toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 3,3 ngàn gia đình có từ 2-5 nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) có đến 3 người con là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hiện gia đình ông Lịch được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động để được nhận quà trợ cấp hằng tháng. Ảnh: Kim Nguyên

Gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) có đến 3 người con là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hiện gia đình ông Lịch được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động để được nhận quà trợ cấp hằng tháng. Ảnh: Kim Nguyên

Ngoài chịu nỗi đau tinh thần, thể xác, những gia đình này hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy mà các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh cùng chính quyền địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc.

* Nỗi đau nhân lên…

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, nếu gia đình có 1 người con là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, anh chị em còn lại khỏe mạnh có thể chăm sóc cho nạn nhân để cha mẹ đi làm kiếm tiền. Nhưng nếu cả cha mẹ và con đều là nạn nhân hay có trường hợp cả 3, 4 hoặc 5 thành viên trong gia đình đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì sự sống đều phải trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, quan tâm của cộng đồng. Đó là chưa nói đến sự bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày vì thiếu người chăm sóc.

Toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó có 2,2 ngàn gia đình có 1 nạn nhân; 2,7 ngàn gia đình có 2 nạn nhân; 412 gia đình có 3 nạn nhân; 82 gia đình có 4 nạn nhân; 21 gia đình có 5 nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác vận động xã hội hóa đã có hơn 7,9 ngàn suất quà trị giá gần 3,5 tỷ đồng được trao tặng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Gia đình ông Đào Văn Phố (ngụ xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) có 5 thành viên thì cả 5 đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Phố cho hay, ông từng tham gia kháng chiến và được xác định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 61%. Khi ông kết hôn rồi sinh con, cả 4 người con đều mắc di chứng của chất độc da cam/dioxin.

“Trước đây, ngoài bản thân tôi có khả năng tự lo cho mình, tất cả sinh hoạt của 4 đứa con đều trông chờ vào vợ tôi. Khi vợ tôi qua đời, các con tôi thiếu người chăm sóc vì các cháu không thể tự lo cho bản thân được. Tôi không dám đi đâu xa nhà vì các con còn chờ mình về chăm lo. Không lời nào có thể diễn tả hết nỗi khổ về thể xác lẫn tinh thần, thiếu thốn về vật chất của gia đình tôi khi rơi vào hoàn cảnh này”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) có đến 3 người con là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Lịch cho hay, ông năm nay đã 96 tuổi nhưng phải chăm sóc cho 3 người con đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Người lớn nhất năm nay đã 56 tuổi, còn người nhỏ cũng đã 51 tuổi và đều bị khuyết tật, mắc nhiều bệnh. “Không biết sức già của tôi còn trụ được bao lâu. Khi tôi qua đời 3 đứa nó sẽ sống ra sao. Đây là điều tôi luôn lo nghĩ” - ông Lịch bộc bạch.

* Xoa dịu nỗi đau

Theo bà Đào Nguyên, tổng số người bị hậu quả của chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh còn sống đến thời điểm hiện tại là 8.843 người. Trong đó, có 1.918 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 613 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác được xếp nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và được Nhà nước trợ cấp hằng tháng cho chính họ và người nuôi dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) và em gái mình là bà Nguyễn Thị Thê - là 2 trong số 3 nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong một gia đình nhận quà do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin H.Định Quán trao tặng. Ảnh: Văn Truyên

Để san sẻ và nâng cao mức sống cho chất độc da cam/dioxin, thân nhân của họ, năm 2017, UBND tỉnh ban hành quy định mức trợ cấp xã hội, mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo đó, tùy hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà mức trợ cấp xã hội từ 300-900 ngàn đồng/người/tháng. Mức trợ cấp này của tỉnh cao hơn mức quy định của Trung ương (mức trợ cấp của Trung ương từ 30-480 ngàn đồng/tháng/người). Đồng thời, tỉnh cũng quy định việc trợ cấp cho đối tượng nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, việc cấp mai táng phí khi đối tượng bảo trợ xã hội qua đời, kinh phí sửa chữa nhà ở cho các đối tượng bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám và điều trị phục hồi chức năng, cấp dụng cụ hỗ trợ vận động…

Nhờ đó mà cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam/dioxin cơ bản được đảm bảo. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) cho hay, mỗi tháng 3 nạn nhân chất độc da cam/dioxin của gia đình ông được nhận 600 ngàn đồng/người. Số tiền này là nguồn sống chính của gia đình bên cạnh việc bán vé số dạo của ông. Ngoài ra, do có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên mỗi khi đau bệnh, 3 anh em ông bớt lo rất nhiều.

Riêng với nạn nhân là người hoạt động kháng chiến và con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được Nhà nước quan tâm hơn về chế độ trợ cấp. Ông Nguyễn Văn Hoàn (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) cho hay, do là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên nên mỗi tháng ông được Nhà nước trợ cấp 2,7 triệu đồng. Riêng con ông là con của người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% nên được nhận trợ cấp hằng tháng là 1,7 triệu đồng. Số tiền này là nguồn chi phí cố định trong cuộc sống của gia đình ông Hoàn.

Ngoài trợ cấp chung của Nhà nước, với những gia đình có nhiều nạn nhân mà hoàn cảnh quá khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn vận động các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện trợ cấp hằng tháng. Đến nay, có 356 gia đình nạn nhân được nhận trợ cấp thường xuyên theo tháng với số tiền từ 300-500 ngàn đồng. Đồng thời, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng vận động nguồn lực xã hội hóa tại chỗ để trợ cấp tiếp cho những trường hợp này. Song song đó, mỗi dịp lễ, Tết, những gia đình có đông nạn nhân chất độc da cam/dioxin là địa chỉ ưu tiên hàng đầu để các cấp hội tặng quà.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202011/xoa-diu-noi-dau-da-cam-3029293/