Xóa bỏ 'văn hóa cắp ô': Đâu phải chuyện 'một sớm một chiều'

Trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ với bộ máy công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, sáng tạo, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới vấn đề này.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Mới đây, Hội đồng Thi đua – khen thưởng Trung ương đã tổ chức phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ‘phải xóa bỏ ngay thứ văn hóa để nước đến chân mới nhảy, đợi nhắc thì làm, không nhắc thì chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao’.

“Văn hóa công sở là không bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân; Từ làm hết giờ sang làm hết việc; Xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi chiều cắp về" – Thủ tướng nêu rõ.

Đúng là, cái thứ “văn hóa cắp ô” tồn tại bấy lâu nay ở chốn công quyền là có có thật. “Tính đến cuối tháng 4, Bộ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 Bộ, ngành Trung ương và 45/63 địa phương. Trong đó có gần 7000 công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; hơn 4000 viên chức không hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là con số báo cáo Bộ Nội vụ gửi Đại biểu Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 7 mới đây.

Cụ thể, theo báo cáo, số công chức năm 2018 là hơn 284.600 người, có gần 76.700 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khoảng 197.400 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 6.700 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, và khoảng 1.700 người không hoàn thành nhiệm vụ. Còn, tổng số viên chức ở các cơ quan đã báo cáo là hơn 1,1 triệu người, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 300.800, hoàn thành tốt nhiệm vụ là gần 740.800, hoàn thành nhiệm vụ 70.000 người và không hoàn thành nhiệm vụ là hơn 4.200 người.

Tuy những con số trên không nói lên tất cả, nhưng ít nhiều nó cũng tạo lên ý kiến trái chiều trong dư luận về chất lượng đội ngũ cán bộ, công-viên chức hiện nay và nỗ lực tinh giản biên chế còn chưa hiệu quả.

Còn nhớ, trong quá trình xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ với bộ máy công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch và sáng tạo Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới vấn đề này.

Cụ thể, tháng 1/2017, tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao, Thủ tướng đã nhắc tới những điều đáng lo ngại là môi trường văn hóa của xã hội còn tồn tại những biểu hiện lệch lạc, thói hư tật xấu, xuống cấp. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề cập tới việc Việt Nam còn đang tồn tại thứ “văn hóa không nhúc nhích” khi cán bộ vô cảm trước nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng cũng đã chỉ rõ căn bệnh vô cảm khi người cán bộ, Đảng viên có biểu hiện: “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu chấn chỉnh, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Liên quan đến vấn đề “văn hóa không nhuc nhích” này, có người nói rằng: “Cứ tăng lương, trả cho người ta đủ sống thì người ta sẽ tận tâm với công việc”.

Vậy người viết xin đặt vấn đề ngược lại rằng, liệu chúng ta có đủ quyết tâm, bản lĩnh để thải loại cả chục nghìn cán bộ công-viên chức không hoàn thành nhiệm vụ và hạn chế năng lực kia để dành chỗ cho những người có tài có tâm vào cống hiến cho nhà nước hay không? Và cũng xin nhớ cho, cái gì đã gọi là văn hóa rồi thì khó thay đổi lắm, đồng lương chỉ một yếu tố nhỏ trong muôn vàn yếu tố tạo nên cái gọi là văn hóa công sở của cán bộ công-viên chức mà thôi.

Trong khi, mỗi cán bộ có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ sự vận hành của một guồng máy xã hội, trong tổng hòa các mối quan hệ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, rõ ràng không có “đất” cho thói quen làm việc ì trệ, thiếu trách nhiệm, “hành là chính”. Nên việc nêu cao kỷ luật, đạo đức hành chính, công vụ là việc làm cần thiết, trước hết là từ người đứng đầu và vì bản thân mỗi cán bộ, công chức.

Khổ một nỗi, thông thường những cán bộ ‘mỏng đức, kém tài’, thường có biểu hiện ‘dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình’. Cũng chỉ những người năng lực kém mới cố gắng bám trụ bộ máy bằng mọi cách. Nên dù quyết tâm của Chính phủ trong việc loại bỏ cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” là có thừa, nhưng để loại bỏ thứ văn hóa này không phải là câu chuyện “một sớm một chiều”.

Sông Hàn

Bạn đang đọc bài viết Xóa bỏ “văn hóa cắp ô”: Đâu phải chuyện “một sớm một chiều” tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/xoa-bo-van-hoa-cap-o-dau-phai-chuyen-mot-som-mot-chieu-150730.html