Xóa bỏ tình trạng 'xe dù, bến cóc'

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NÐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014/NÐ-CP) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, có hiệu lực kể từ ngày 1-4 tới đây.

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải (như Grab, Be...) nếu quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều hành phương tiện sẽ phải đăng ký hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải (như Grab, Be...) nếu quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều hành phương tiện sẽ phải đăng ký hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải.

Với nhiều điểm mới, Nghị định được kỳ vọng sẽ xóa bỏ vấn nạn "xe dù, bến cóc", siết chặt quản lý về vận tải, xe hợp đồng và các đơn vị kinh doanh phần mềm nhưng lại điều hành người lái, giá cước vận tải,…

Vụ trưởng Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Bảo Ngọc cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86/2014/NÐ-CP, quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ ứng dụng công nghệ trong quản lý, dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Hiện tượng "xe dù, bến cóc" ăn theo loại hình vận chuyển hợp đồng theo hình thức tuyến cố định bùng phát phức tạp ở hầu hết các địa phương; việc thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đối với xe ô-tô dưới chín chỗ tại năm tỉnh, thành phố đã chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội của việc ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải, được người dân đón nhận.

Kết quả thí điểm cũng khẳng định sự cần thiết cũng như điều kiện để xây dựng khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý. Nghị định số 10/2020/NÐ-CP (gọi tắt là NÐ số 10) được ban hành đã giải quyết được những vấn đề bất cập như các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp đơn vị mình để bảo đảm thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).

Ðơn cử, chiếu theo quy định nêu trên, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải. Nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1, Ðiều 35 của Nghị định số 10; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ: Công thương, Công an và GTVT quản lý, hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại Ðiều 35.

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhận xét, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp đơn vị mình để bảo đảm thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải). Tóm lại, đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động phù hợp điều kiện kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị. Các doanh nghiệp có quyền quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, bảo đảm nghĩa vụ thuế. NÐ số 10 sẽ loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn.

Bên cạnh đó, NÐ số 10 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng "xe dù, bến cóc" và "xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định". Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Ðiều 7 và khoản 5 Ðiều 8 của NÐ số 10, đến ngày 1-1-2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, tại Ðiều 7, Ðiều 8 của NÐ số 10, có quy định, xe hợp đồng, du lịch phải có phù hiệu "Xe hợp đồng", dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Ðối với các phương tiện này, yêu cầu cụm từ "Xe hợp đồng" được làm bằng vật liệu phản quang, dán cố định trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu 6 x 20 cm.

Mặt khác, NÐ số 10 cũng quy định trước ngày 1-7-2021, xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp ca-mê-ra bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh từ ca-mê-ra sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch."Việc lắp đặt ca-mê-ra theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông như ngủ gật hoặc mất tập trung, sử dụng điện thoại, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, hoặc các tình huống bất thường khác,... giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm", Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận. Hơn nữa, với việc lưu trữ hình ảnh của ca-mê-ra, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô-tô.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, với loại hình xe công nghệ, NÐ số 10 tạo khung pháp lý để bảo đảm có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước; đã có sự phân biệt khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước,… thì được gọi là doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn nêu trên thì được xem là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Ðông khẳng định, mới đây, Bộ GTVT đã quyết định dừng kế hoạch thí điểm xe hợp đồng điện tử, bắt đầu từ ngày 1-4 tới. Do đó, các đơn vị đang hoạt động theo loại hình này như Grab, Be, Fastgo,… sẽ phải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp đơn vị mình đúng theo tinh thần của NÐ số 10. Tuy nhiên, dù loại hình nào, tên nào cũng phải phù hợp quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, cứ đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43586302-xoa-bo-tinh-trang-xe-du-ben-coc.html