Xóa bỏ tâm lý 'Không sợ bị trừng phạt' để góp phần phòng, chống tham nhũng có kết quả

Ảnh minh họa - Nguồn: dangcongsan.vn

Ảnh minh họa - Nguồn: dangcongsan.vn

1- Quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng được thể hiện qua hàng loạt vụ “đại án” được đưa ra xét xử; nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bị truy tố, kỷ luật. Cuộc đấu tranh này đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước về quyết tâm chống tham nhũng; đặc biệt, xây dựng được niềm tin từ nhân dân, rằng bất cứ ai lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi bất chính đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Chính phủ trong cuộc đấu tranh với tham nhũng. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn đang tìm lời giải là “Tại sao tham nhũng vẫn hoành hành”? Tại sao Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong các quốc gia có chỉ số minh bạch (CPI) xếp vào loại thấp trên thế giới? Cụ thể, năm 2018, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 2 điểm và tụt 10 bậc trong bậc xếp hạng so với năm 2017 (35/100 điểm, xếp hạng 107/180)(1). Tuy nhiên, Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) tại Việt Nam, cho rằng việc tăng nhẹ điểm CPI trong các năm gần đây là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Nhưng, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tình trạng tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng(2).

Có thể thấy, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không dễ dàng bởi hoạt động tham nhũng luôn có sự gắn kết chặt chẽ của các đối tượng vi phạm, trong đó nhiều đối tượng có chức, có quyền. Thực tế trong công tác đấu tranh cho thấy, lợi ích nhóm của các đối tượng này hiện nay rất tinh vi, câu kết thành những nhóm người tạo ra lợi ích ngay từ khi xây dựng cho đến áp dụng cơ chế, chính sách để vụ lợi cá nhân, như các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để cấp, bán đất trái thẩm quyền, xác nhận không đúng nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cố ý áp sai chế độ thu và “quên” đốc thúc hoặc tạo ưu ái giảm nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư; bán tài sản các doanh nghiệp nhà nước mà không tính đến những tài sản vô hình và lợi thế thương mại...

Muốn triệt tiêu được căn bệnh nan y tham nhũng phải tìm ra và trị từ nguồn gốc, căn nguyên của bệnh này. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, như tham nhũng là do mặt trái của cơ chế thị trường; do cơ chế quản lý yếu kém; một số cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước thoái hóa, biến chất; công cuộc chống tham nhũng còn thiếu quyết liệt, triệt để; mức thu nhập của công chức còn thấp, trình độ học vấn của người dân còn hạn chế...

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một số học giả cho rằng, một đặc điểm chung trong tâm lý của các đối tượng tham nhũng chính là, họ luôn nghĩ rằng hành vi sai trái của mình sẽ được giấu kín, sẽ được “bảo hộ” và không sợ các cơ quan chức năng xử lý. Và tâm lý “không sợ bị trừng phạt” cũng được xem là một lý do để giải thích tại sao tham nhũng lại tràn lan như hiện nay, mặc dù chính quyền của các nước và người dân luôn đấu tranh với nó.

2- Thuật ngữ “không sợ bị trừng phạt” (The impunity) chỉ trạng thái tâm lý của những đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bởi các lý do khác nhau, tin rằng sẽ không bị trừng phạt. Thuật ngữ này được Giáo sư Gie-phrây Đ. S, Đại học Columbia (Mỹ), Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ - đề cập đến trong cuốn sách The End of Poverty(3), để lý giải tại sao tham nhũng vẫn cứ hoành hành dù cuộc chiến chống nó diễn ra ở mọi quốc gia. Theo Gie-phrây Đ. S, ở một số xã hội, tình trạng thoát tội hiện quá phổ biến và được nhìn nhận như là điều không thể tránh khỏi. Khi mà hành vi phi đạo đức của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh được xem là “bình thường” và không bị dư luận lên án, thì trong họ sẽ nảy sinh tâm lý “không sợ bị trừng phạt”.

Tâm lý “không sợ bị trừng phạt” không chỉ xuất hiện ở những đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, những người có điều kiện, khả năng phạm tội về tham nhũng và chức vụ, mà còn trở nên phổ biến và mặc định trong nếp suy nghĩ của nhiều người. Tâm lý “không sợ bị trừng phạt” lại được lan truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác dẫn đến những hành vi tham nhũng được nuôi dưỡng và được che chở bởi chính quan điểm mặc định của xã hội.

Vậy đâu là lý do dẫn đến tình trạng trong xã hội tồn tại trạng thái tâm lý “không sợ bị trừng phạt”?

Một là, những người thực hiện các hành vi tham nhũng thường là những chủ thể đặc biệt. Họ là những người có chức vụ, quyền hạn được các cơ quan, tổ chức giao cho quyền quản lý trên một số lĩnh vực nào đó. Khi quyền lực không được giám sát chặt chẽ, các chủ thể đặc biệt này sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những sơ hở, thiếu sót để thực hiện các hành vi sai trái với mục đích tư lợi. Bằng lợi ích vật chất và quyền lực “mềm” của mình, họ sẽ che đậy các hành vi vi phạm pháp luật hoặc mua được “quyền im lặng” từ cấp trên hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ cũng có đủ các cách để “bịt miệng” cấp dưới, thông qua cách thức chia sẻ lợi ích có được từ các hành vi vi phạm pháp luật hoặc răn đe bằng các biện pháp hành chính.

Hai là, mặc dù các văn bản pháp luật của nhà nước ngày càng được hoàn thiện và chặt chẽ về mặt pháp lý, nhưng hành vi tham nhũng lại biến tướng với những thủ đoạn tinh vi hơn. Những hành vi này được thực hiện không đơn thuần chỉ bởi một người, mà bởi một nhóm người có cùng quan hệ lợi ích - hay còn gọi là lợi ích nhóm. Những đối tượng này câu kết với nhau, để che giấu những hành vi trái luật, không để các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ hội tìm ra các chứng cứ buộc tội.

Ba là, những người thực hiện hành vi tham nhũng đôi khi được che chở bởi một thế lực khác “cao hơn, mạnh hơn”, có đủ sức để bảo đảm rằng các hành vi vi phạm pháp luật của những người thực hiện sẽ không giống như những người dân bình thường. Các chế tài xử lý hình sự sẽ được “miễn nhiễm” với những loại chủ thể này.

Bốn là, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức mà chưa có tính quyết liệt cao. Hằng năm, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hàng loạt vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, những vụ án đó lại là những vụ án đơn lẻ hoặc những người bị đưa ra truy tố, xử lý lại chưa phải là những kẻ chịu trách nhiệm cuối cùng... Dẫn đến những người vi phạm tin rằng những vụ án trên chỉ là các vụ án cá biệt và tất cả những người bị phát hiện đều là những người gặp “vận đen” và “vận đen” sẽ không phải là số nhiều, rủi ro sẽ không “rơi vào mình”.

Hơn nữa, việc xử lý nhiều vụ án tham nhũng cũng chưa triệt để như dư luận mong đợi, mới chỉ dừng lại ở việc xử lý những người thừa hành mà thường “bỏ quên” vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu đối với những việc làm sai của cấp dưới. Điều này tạo ra tâm lý, người “bao che” vẫn còn thì họ sẽ chỉ dừng lại “nghỉ ngơi giữa hiệp”, chờ khi “sóng yên, biển lặng” lại quay lại với những việc làm phi pháp thường ngày mà vẫn sẽ “không bị trừng phạt”.

Năm là, tâm lý so sánh tiêu cực. Đó là khi người ta đo mức độ thành đạt của một cá nhân sau khi rời nhiệm sở của một cơ quan, tổ chức nhà nước không bằng mức độ đóng góp của cá nhân đó vào sự phát triển của tổ chức và cho xã hội, mà thước đo mức độ thành đạt được “quy đổi” ra là mức độ giàu có và việc đưa được nhiều người thân vào bộ máy quản lý. Điều này dẫn đến “tâm lý nhiệm kỳ” của mỗi quan chức, trong thời gian làm việc họ sẽ làm mọi thứ để trục lợi cho mình và người thân.

Sáu là, tâm lý thừa nhận tham nhũng là một phần của đời sống xã hội, nó tồn tại và không thể xóa bỏ, chỉ có thể “sống chung” với nó.

3- Tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu, đôi khi ăn sâu vào nhiều lĩnh vực, với nhiều cấp độ tại nhiều quốc gia. Hằng năm, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Nhận thức tham nhũng thường niên, trong đó nhấn mạnh rằng tham nhũng “vẫn là một căn bệnh tồn tại khắp thế giới”.

Ở Việt Nam trong các năm gần đây chỉ số nhận thức tham nhũng có được những cải thiện nhất định. Việc đưa ra truy tố, xét xử hàng loạt các sai phạm, các vụ án lớn, như những vi phạm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; những sai phạm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; những sai phạm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; những sai phạm của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; sai phạm của một số lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành... đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, rằng sẽ không có “vùng cấm” và người “miễn nhiễm”. Tất cả những kẻ tham nhũng sẽ bị trừng phạt bởi pháp luật và kỷ luật của Đảng. Hiệu quả tích cực từ công cuộc chống tham nhũng đã nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Tâm lý người dân đã dần thay đổi, rằng các hành vi sai trái sẽ bị xử lý và tâm lý “không sợ bị trừng phạt” cũng dần dần được xóa bỏ.

Cuộc chiến chống tham nhũng là một chặng đường dài và khó khăn, đòi hỏi cần có sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Để xóa bỏ tâm lý “không sợ bị trừng phạt” trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay:

Thứ nhất, Đảng tiên phong và lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng.

Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội như hiến định, thì điều tất yếu là Đảng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, một “căn bệnh bẩm sinh” của quyền lực. Để chống lại sự tha hóa của quyền lực, “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”, trước hết Đảng khởi xướng, định hướng, lãnh đạo và thực hiện quyết tâm đấu tranh triệt để và thái độ kiên quyết không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong cuộc chiến khó khăn này.

Để xóa bỏ tâm lý “không sợ bị trừng phạt”, trước tiên, Đảng phải thể hiện được quyết tâm chính trị của mình để cho những người đã, đang hoặc có “tư tưởng” tham nhũng ở mọi cấp độ trong bộ máy quyền lực hiểu được rằng, hành vi sai trái của họ dù có được che đậy tinh vi như thế nào rồi cũng sẽ bị phanh phui. Bất kỳ ai khi vi phạm pháp luật đều bị trừng phạt. Hai là, cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ là việc xử lý những hành vi sai trái của những cá nhân, nhóm người vi phạm pháp luật, mà cao hơn còn là cuộc chiến làm trong sạch đội ngũ đảng viên, bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ba là, cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra liên tục với quyết tâm chính trị cao nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, thượng tôn pháp luật.

Một xã hội kỷ cương thì tất cả các hành vi trong xã hội đều phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật. Thượng tôn pháp luật chính là việc mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật và được đối xử công bằng trước pháp luật.

Khi bộ máy nhà nước lành mạnh thì các chính sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân người công chức hay người lãnh đạo. Đó cũng là một bộ máy có những cơ chế kiểm soát nội bộ và vận hành hiệu quả để ngăn chặn được nạn tham nhũng ngay từ bên trong. Luật pháp chính là những “mắt xích” giúp cho bộ máy nhà nước có thể hoạt động hiệu quả. Người dân ở bất cứ xã hội nào cũng đều luôn luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh. Để luật pháp được thượng tôn thì trước hết cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, không bao che, không phân biệt đối xử... Các hành vi vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật và đạo đức xã hội cần phải được xử lý nghiêm minh.

Thứ ba, xây dựng chế tài mạnh để chống tham nhũng.

Thực tế hiện nay, ngoài các vụ tham nhũng lớn mà người vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với các vụ tham nhũng nhỏ hay tham nhũng “vặt”, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn việc thi hành hai luật này. Tuy nhiên, cán bộ, công chức trong những vụ, việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, những vụ tham nhũng “vặt” thời gian qua hầu hết chỉ bị xử lý kỷ luật ở mức độ khá nhẹ so với hành vi vi phạm, trong đó chủ yếu là hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo, hay thuyên chuyển công tác. Số cán bộ vi phạm bị cách chức hoặc cho thôi việc là rất ít. Hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức khi áp dụng theo hai nghị định này đều chỉ bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm khá nặng, như vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo; xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện, sử dụng tài sản công trái pháp luật, vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng... chỉ bị kỷ luật khiển trách.

Có thể nói chế tài theo quy định hiện hành đã có nhưng chưa thật sự nghiêm. Các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quá nhẹ dẫn đến việc xử lý vi phạm của các đối tượng này trong suốt thời gian qua chưa thật nghiêm minh. Chưa kể một số quy định không rõ ràng khiến một số lãnh đạo đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm dựa vào đó bao che, “du di” cho cấp dưới của mình.

Bởi vậy, cần phải tăng nặng các biện pháp chế tài, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn đối với các vi phạm, hoàn thiện thể chế vận hành chống tham nhũng, để cán bộ, công chức “không thể, không dám tham nhũng”.

Thứ tư, thiết lập và vận hành các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Đạo đức xã hội được thiết lập chính là góp phần vào việc giáo dục công dân và định hướng xã hội cho họ, giúp họ có được ý thức trách nhiệm trước xã hội. Mỗi cá nhân trước khi thực hiện một hành động cần phải nhận thức được đâu là giới hạn, đâu là ngưỡng của đạo đức xã hội. Nếu hành động mang lại lợi ích cho cá nhân mà gây hại đến người khác, đến xã hội và vượt qua ngưỡng đạo đức của xã hội thì sẽ nhất quyết không được làm. Tạo dựng được lương tâm và trách nhiệm của công dân chính là giúp họ nhận thức rõ rằng đang sống trong một xã hội mà đạo đức, lương tâm của con người là thứ giá trị cao hơn bất kỳ một loại vật chất nào.

Muốn thiết lập và vận hành được các chuẩn mực đạo đức xã hội, thì xã hội đó phải đào tạo được những con người có trách nhiệm với xã hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở đó, các em học sinh phải được đào tạo một cách có định hướng trong môi trường học tập trong sạch, kết quả học tập phải phản ánh đúng năng lực học tập; học sinh cũng cần được đào tạo ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của cá nhân với gia đình, xã hội và đất nước. Nhà nước sử dụng công cụ truyền thông định hướng xã hội, cổ vũ dư luận lên án những hành vi xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Những hành vi sai trái đó nhất định sẽ bị trừng phạt ở cả phương diện pháp luật lẫn đạo đức xã hội.

Thứ năm, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Muốn gây dựng được niềm tin trong nhân dân thì nhất quyết người dân phải được tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, được tham gia giám sát, phản biện hoạt động của Đảng, Nhà nước; ý kiến phản biện của nhân dân trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần được lắng nghe, tiếp thu. Người dân cũng cần được sự cam kết của Nhà nước rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không bao giờ dừng lại, sẽ không có “vùng cấm” và người “miễn nhiễm” với pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích, động viên những người dám đứng lên đấu tranh, tố cáo, vạch trần những sai phạm của cá nhân; tuyên dương những người đứng ra bảo vệ lẽ phải, sự công bằng, bảo vệ pháp luật./.

-----------------------------------------

(1) https://towardstransparency.vn/cpi-vietnam-2018/?print=print
(2) http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-cpi-2017-viet-nam-co-tin-hieu-tich-cuc_t114c68n130778
(3) Jeffrey D. Sachs: The End of Poverty, Penguin Press, 2005

Ngô Trung HoàThiếu tá, TS, Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/binh-luan/2019/55095/xoa-bo-tam-ly-khong-so-bi-trung-phat-de-gop-phan.aspx