Xóa bỏ rào cản phát triển tài chính vi mô

Thời gian qua, tài chính vi mô ở nước ta vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, một trong những nguyên nhân căn bản là rào cản về pháp lý quy định đối với hoạt động của mô hình này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rào cản chính sách?

Tính đến hết tháng 06/2019 có 04 tổ chức tổ chức tài chính vi mô (TCVM) được cấp phép chính thức hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng. Các tổ chức bán chính thức rất hiểu tầm quan trọng và những lợi ích khi họ chuyển đổi mô hình từ quỹ trực thuộc một tổ chức chính trị-xã hội như Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành một tổ chức TCVM chính thức, độc lập, hoạt động theo Luật các TCTD.

Để chuyển đổi được mô hình hoạt động và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ phía cơ quan quản lý nhà nước như: cải tổ cơ sở hạ tầng làm việc, cải tổ chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và đặc biệt là hợp thức, hợp pháp hóa các nguồn vốn phục vụ hoạt động…

Để làm được việc này, bản thân các quỹ cần có nhiều thời gian để tái cơ cấu nguồn vốn, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm, cho vay cạnh tranh và phù hợp. Nếu không đủ điều kiện để chuyển đổi mô hình hoạt động, các quỹ sẽ phải thu hẹp quy mô để đảm bảo tuân thủ những quy định về tài chính.

Hiện nay, việc chuyển đổi, thành lập mới TCVM thực hiện theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN. Các quy định tại Thông tư này rất chặt chẽ trong việc cấp phép và quản lý các tổ chức TCVM với mục đích đưa các tổ chức TCVM vào khuôn khổ và để hoạt động TCVM đi đúng hướng. Tuy nhiên, quy định này cũng “làm khó” cho nhiều tổ chức đang có kế hoạch chuyển đổi sang tổ chức TCVM chính thức.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 03/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thành viên sáng lập là tổ chức nước ngoài thì tổ chức nước ngoài đó phải là ngân hàng nước ngoài… Đây là vấn đề không dễ dàng đối với việc thành lập tổ chức TCVM và chuyển đổi các tổ chức TCVM bán chính thức thành các tổ chức TCVM chính thức.

Các khoản cho vay của tổ chức TCVM có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức TCVM. Trong khi đó, tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do TCTD và khách hàng thỏa thuận.

Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan”. Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng bao gồm tổ chức TCVM. Quy định này hạn chế việc mở rộng cho vay có bảo đảm của tổ chức TCVM.

Để tài chính vi mô phát triển

Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển tài chính vi mô trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về vấn đề này. Sớm ban hành 03 quy định về: Mức vốn pháp định đối với tổ chức TCVM; Quy định về mạng lưới của tổ chức TCVM; Quy định về triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đó, sửa đổi một số điểm trong thông tư 03/2018/TT-NHNN, như: Miễn lệ phí cấp phép kinh doanh; lệ phí cấp giấy phép. Để góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cần khuyến khích phát triển thị trường tài chính vi mô, vì vậy có thể miễn khoản lệ phí cấp giấy phép. Đồng thời, nới rộng số lượng thành viên góp vốn và mở rộng đối tượng góp vốn có yếu tố nước ngoài vào các tổ chức TCVM, tạo điều kiện để phát triển mạnh và vững TCVM.

Việc đảm bảo tiền vay tại các tổ chức TCVM nên thực hiện theo quy định về bảo đảm tiền vay. Theo đó, tổ chức TCVM có thể cho vay: Bằng hình thức bảo đảm bằng tài sản. Tất cả các tài sản hợp pháp của khách hàng đều có thể đem làm đảm bảo tiền vay tại các tổ chưc TCVM dưới hình thức cầm cố, thế chấp; Bảo đảm thông quan bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, gồm bảo lãnh tài chính và/hoặc bảo lãnh bằng tài sản; tiết kiệm bắt buộc thuộc diện này;

Cho vay không có tài sản bảo đảm, gồm cho vay không có bảo đảm bằng tài sản do các tổ chức TCVM quyết định dựa trên mức độ uy tín của khách hàng; cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo ủy thác của Chính phủ, hoặc các tổ chức khác; cho vay có bảo đảm bằng tín chấp của các tổ chức đoàn thể.

Mặt khác, xem xét bỏ quy định về tỷ lệ khống chế này trong Thông tư số 03/2018/TT-NHNN. Cơ cấu dư nợ cho vay để cho các tổ chức TCVM tự quyết định dựa vào tình hình cụ thể của từng tổ chức TCVM và kinh tế-xã hội ở từng địa phương.

Mặt khác, sửa đổi một số điểm trong Thông tư số 33/2015/TT-NHNN theo hướng: Giảm tỷ lệ an toàn vốn xuống mức ngang bằng các TCTD khác hoặc thấp hơn; Giảm tỷ lệ khả năng chi trả. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức TCVM duy trì khả năng chi trả ở mức 20%. Khả năng chi trả là tỷ lệ giữa vốn tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tại các TCTD khác và tổng số dư tiền gửi tự nguyện.

Đây là tỷ lệ khá cao so với các TCTD khác, làm tăng chi phí, giảm quy mô sử dụng vốn để cho vay. Giả sử tiền gửi tự nguyện là 10 tỷ đồng, tổ chức TCVM phải dự trữ sơ cấp 10 tỷ đồng × 0,2 = 2 tỷ đồng. Nếu khách hàng có nhu cầu vay 10 triệu đồng, thì tổ chức TCVM sẽ mất đi một lượng khách hàng là 200 khách. Vì vậy, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này xuống mức 10% hoặc thấp hơn.

Sự thiếu và chưa hoàn chỉnh của hành lang pháp lý có tác động tích cực đến việc phát triển và hoạt động của TCVM ở Việt Nam, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Do đó, chính sách cần có đầy đủ, thông thoáng, mới tạo điều kiện cho hoạt động TCVM phát triển. Qua đó, thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi từ nay đến năm 2030.

Thu Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/xoa-bo-rao-can-phat-trien-tai-chinh-vi-mo-314314.html