Xóa bỏ rào cản môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khu vực tư nhân

Hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

 phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Theo đó, Quyết định số 1362/QĐ-TTg đã đề ra 06 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Hai là, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Năm là, khuyến khich doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáu là, tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, nhằm xóa bỏ mọi rào cản tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng đề ra 02 mục tiêu:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4).

Thứ hai, giai đoạn 2021-2030, doanh nghiệp khu vực tư nhân có mức tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm.

Nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tổng hợp, xem xét, cân đối và báo cáo Thủ tướng bố trí kinh phí chi phí đầu tư phát triển hỗ trợ triển khai thực hiện các giải pháp trong kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong năm 2019 thiết lập cơ chế phối hợp xác định phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định từng bước xây dựng hệ thống kết nối liên thông để phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng Chỉnh phủ giao Bộ Tài chính xem xét, cân đối và báo cáo Thủ tướng bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan ngang bộ để triển khai thực hiện các giải pháp của Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân theo quy định.

Đặc biệt, tại Quyết định số 1362/QĐ-TTg, Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm triển khai một cách hiệu quả Kế hoạch đã đề ra đối với từng nhóm giải pháp.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý thuế và hải quan, kịp thời giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp; Chủ trì hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện báo cáo phi tài chính, trong đó tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội vào báo cáo thường niên và công bố tỷ lệ tuân thủ của doanh nghiệp định kỳ hàng năm; Chủ trì trình Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 việc xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy đinh tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Việt Dũng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xoa-bo-rao-can-moi-truong-kinh-doanh-cho-doanh-nghiep-khu-vuc-tu-nhan-314077.html