Xóa bỏ lợi ích nhóm trong các dự án BT

Mặc dù Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm từ việc thực hiện các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) song mới đây, Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai các dự án BT, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngại. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (Đoàn đại biểu Hà Nội) để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: UBND thành phố Hà Nội mới đây đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường nối Lê Trọng Tấn và Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) theo hình thức BT. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An

Bà Bùi Thị An

Bà Bùi Thị An: Trong lĩnh vực nào cũng vậy, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, việc xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực là cần thiết nhưng phải tổ chức đúng để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trở lại các dự án BT, hay còn gọi là “đổi đất lấy hạ tầng”, không phải đổi chỗ nào cũng được, cần phải xem xét vị trí cụ thể, phải minh bạch và phải đổi ngang giá, đúng giá, phải công khai năng lực tài chính và các thông tin cụ thể của chủ đầu tư để cho nhân dân giám sát. Cần giám sát chặt chẽ vì nhiều người đã lợi dụng chuyện đổi đất lấy hạ tầng để làm sai, nhiều thành phố đã mất nhiều “đất vàng”.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các dự án BT vừa qua, ở nhiều địa phương, người dân phản ánh việc đổi đất lấy hạ tầng không ngang giá, đẩy phần thiệt về phía chính quyền và nhân dân, còn phần lợi nghiêng về phía doanh nghiệp.

Việc ưu tiên cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải làm sao để lợi ích hài hòa, không để bên nào thiệt. Muốn đổi ngang giá thì phải đấu giá công khai, công bố tất cả chi tiết của khu đất cần đấu giá như: Vị trí, giá trị khu đất hiện tại là bao nhiêu...

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới đây công bố thông tin về Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) theo hình thức BT. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2018 đến năm 2020. Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.412 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 274 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỉ đồng... Đổi lại, chủ đầu tư sẽ được Hà Nội trả cho khu đất 39,8ha nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

PV: Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ những sai phạm nhưng nhiều thành phố lớn và các địa phương vẫn tiếp tục xin chủ trương đầu tư các dự án BT. Bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Bà Bùi Thị An: Việc liên tục triển khai các dự án đổi đất lấy hạ tầng khiến nhiều người không khỏi lo ngại, nếu cứ đổi đất “rẻ mạt” thì chẳng mấy chốc quỹ đất phục vụ nhu cầu của người dân, phục vụ các mục đích công cộng sẽ chẳng còn. Thu hồi đất đai của người dân rồi chuyển giao cho doanh nghiệp với giá “bèo” và sau đó doanh nghiệp lại bán ra chính mảnh đất đó cho người dân với giá cao, khiến Nhà nước và người dân cùng bị thiệt.

Trong khi đó, việc thực hiện dự án BT ở nhiều nơi không hiệu quả vì đất đai phải đổi cho chủ đầu tư rất nhiều nhưng chất lượng công trình xây dựng lại thấp, đòi hỏi chi phí bảo dưỡng về sau rất lớn làm tăng chi của ngân sách Nhà nước.

Việc định giá, đấu giá đất không được minh bạch, do đó, giá đưa ra thấp, gây ra tình trạng thất thoát tài sản công lớn. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhà đầu tư không đủ năng lực.

Tuyến đường Trần Hữu Dực kéo dài tại quận Nam Từ Liêm được đầu tư theo hình thức BT

PV: Vậy đâu là nguyên nhân của những bất cập trong việc đổi đất lấy hạ tầng? Việc chỉ định thầu như hiện nay liệu có tạo kẽ hở gây ra tham nhũng?

Bà Bùi Thị An: Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã bộc lộ nhiều bất cập và có sự nhập nhèm về giá trị. Khu đất đem đổi thường bị tính giá rất thấp. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đổi ngang giá đất nông nghiệp. Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập này là pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏng lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp nên để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng. Vì thế, ở những nơi phát triển đô thị mạnh như Hà Nội và TP HCM nên dừng hoàn toàn việc đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó là cơ chế đấu giá đất, lấy tiền để xây dựng hạ tầng.

Các dự án BT nếu chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó sẽ tạo ra kẽ hở gây tham nhũng. Theo pháp luật hiện hành, mọi dự án đều phải đấu thầu và dự án BT cũng phải áp dụng cơ chế đấu thầu. Có đấu thầu thì mới minh bạch, bởi kẽ hở lớn nhất trong cơ chế BT chính là vấn đề xác định giá trị. Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc xác định chất lượng hạ tầng cũng như quy định về giá đất được đem đổi, đặc biệt là những khu vực đất gắn với hạ tầng giao thông. Tất cả chỉ dừng lại ở mức chung chung là phù hợp với giá thị trường.

PV: Làm thế nào để giám sát chặt chẽ các dự án BT, thưa bà?

Bà Bùi Thị An: Như tôi đã đề nghị, bây giờ phải giám sát, đánh giá lại các dự án BT. Thực ra chủ trương của Nhà nước từ trước đến nay là đúng, nhưng khâu thực hiện chưa chuẩn nên cần kiểm tra, đánh giá lại xem dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân vì sao? Nếu sai, phải kiên quyết sửa để giữ tài sản công. Lúc này đất nước ta đang cần vốn đầu tư, cần nguồn lực lớn để phát triển bền vững, cho nên dứt khoát phải có kiểm tra, đánh giá lại, kiên quyết xử lý sai phạm nếu có, chứ không thể vì chuyện đã lỡ rồi mà bỏ qua.

Hiện nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án BT nhưng vốn sở hữu chỉ có khoảng 10%, 90% vốn còn lại là tiền vay ngân hàng. Đây là lý do dẫn đến dự án đổ vỡ do nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

PV: Đối với các dự án BT đã bị thanh tra và chỉ ra những sai phạm, theo bà nên xử lý như thế nào?

Bà Bùi Thị An: Trước hết, lãnh đạo ký các quyết định thẩm định, phê duyệt, ký quyết định chỉ định nhà đầu tư mà có vi phạm khuyết điểm phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, khi ký quyết định chỉ định thầu, lãnh đạo địa phương có thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp hay không? Có nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp hay không? Khi làm rõ trách nhiệm cá nhân, những vi phạm tại dự án BT phải được xử lý một cách công khai, minh bạch, sai ở đâu xử lý ở đó. Cương quyết xử lý cán bộ sai phạm và không có vùng cấm đối với bất cứ ai vi phạm. Ngay cả trường hợp cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, chuyển công tác, nếu vi phạm cũng phải làm rõ, xử lý nghiêm.

PV: Bà có nói về việc áp dụng đấu thầu đối với các dự án BT để ngăn chặn tiêu cực, làm thất thu ngân sách. Bà có thể nói rõ hơn về cách làm này?

Bà Bùi Thị An: Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước eo hẹp, làm dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện, một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Thay vào đó, dự án BT là cuộc “ngã giá” mang tên “đổi đất lấy hạ tầng”. Dự án được chỉ định thầu thay vì đấu thầu, không thẩm định đúng giá trị của khu đất, dẫn đến nhiều rủi ro, thất thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, các dự án BT không qua đấu thầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều. Mặt khác, hiện nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án BT nhưng vốn sở hữu chỉ có khoảng 10%, 90% vốn còn lại là tiền vay ngân hàng. Đây là lý do dẫn đến dự án đổ vỡ do nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

Do đó, để hình thức BT không trở thành công cụ cho các nhóm lợi ích trục lợi, thì ngoài việc tổ chức đầu thầu công khai minh bạch, khi thực hiện các dự án BT, Nhà nước cần có những cơ quan giám định, tư vấn độc lập. Những cơ quan này sẽ nghiên cứu và đưa ra mức giá phù hợp cũng như giám sát hoạt động xây dựng của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án BT.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)

Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT): Thời điểm xác định đúng giá đất

Liên quan đến vấn đề thời điểm định giá đất sao cho đúng, quy định pháp luật hiện nay “có vấn đề”. Ngày hôm nay mở gói thầu công trình hạ tầng thì cơ quan quản lý phải “hòm hòm” cho nhà đầu tư biết sẽ được bao nhiêu đất, thế nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì mới định giá đất cụ thể được.

Đây là điều đang “vướng”, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết trước sẽ được bao nhiêu đất, nhưng Luật Đất đai lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới xác định được giá.

Nếu tính toán đúng giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được những tồn tại đó để xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT: Đụng đâu, sai phạm đấy

Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT

Đối với các dự án BT, thông thường, chính quyền địa phương phải đứng ở vị trí người ra đề bài cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu để lựa chọn đối tác phù hợp, nhưng ở Hà Nội, vai trò ra đề bài chưa được thực hiện đầy đủ. Theo đó, dự án BT do doanh nghiệp tự lập dự án, dự toán trình thành phố phê duyệt, sau đó lại tự lựa chọn nhà thầu thi công nên việc đội vốn là điều dễ hiểu.

“Nói cách khác, khi chính sách đang bị dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân thì doanh nghiệp chỉ đề cao lợi ích kinh tế, họ sẽ không quan tâm đến lợi ích cộng đồng khác…” - Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Liên quan đến những vi phạm ở hàng loạt dự án BT, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Hà Nội chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát hợp đồng BT trên địa bàn. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát là Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa xây dựng được cơ chế kiểm tra rõ ràng, đặc biệt là cơ chế kiểm tra đối với các dự án thuộc chuyên ngành như tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải… Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào thì đụng đâu, sai phạm đấy.

Ngoài việc giám sát, vấn đề xác định giá đất ở thời điểm giao đất cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng. “Xung quanh việc định giá đất có rất nhiều vấn đề phải bàn đến, vì mỗi loại đất được xác định giá trị khác nhau. Nếu chủ đầu tư xây dựng một con đường, rồi lấy quỹ đất đối ứng hai bên đường thì giá đất phải được xét duyệt sau khi hình thành con đường mới bảo đảm được tối đa giá trị, nhưng nguyên tắc này rất ít khi được thực hiện” - Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích.

Bộ Tài chính vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì từ ngày 1/1/2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT.

Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT và đến nay nghị định đó chưa được ban hành. Vì vậy, để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ban hành, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định mới có hiệu lực thi hành.

Đông Nghi

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xoa-bo-loi-ich-nhom-trong-cac-du-an-bt-510716.html