Xóa bỏ kỳ thị với trẻ nhiễm HIV là thách thức lớn

Dù đã trải qua 20 năm phòng chống HIV/AIDS với nhiều nỗ lực và biện pháp nhằm giảm kỳ thị đối với cộng đồng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên để xóa bỏ kỳ thị vẫn còn là những thách thức lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với trẻ em bị nhiễm HIV.

Hai mẹ con chị Lâm Thị Ngọc (quê ở Phú Thọ) đều bị nhiễm HIV do chị Ngọc lây từ người chồng đi làm ăn xa. Bé An được sinh ra cũng nhiễm HIV từ mẹ. Khi bé lên 2, chị Ngọc mang con lên ở nhờ người bà con ở một bản làng miền núi Lào Cai. Chị mang con đến gửi tại một trường mẫu giáo dưới thị trấn đề còn tiện buôn bán kiếm tiền mưu sinh.

Tưởng rằng không ai biết con mình bị nhiễm HIV, cuộc sống của mẹ con chị có thể yên ổn đôi chút, nhưng mới gửi con được hơn một tháng, cô giáo đã khuyên chị nên mang con về, vì “tin đồn” đã đến tận bản làng miền núi này khiến cho các phụ huynh khác hoang mang, một số người đã cho con nghỉ vì sợ bị lây nhiễm.

Chị Ngọc đành ôm con về, ngày ngày dắt bé theo đi hái rau từ bản, rồi lại đi bộ xuống thị trấn bán. Những ngày nắng nóng cũng như những ngày mưa giá rét, hai mẹ con cứ dắt díu nhau tìm đường mưu sinh, có lúc bé bị mệt, chị Ngọc phải bế, cõng con… vô cùng vất vả. Đã bao lần chị Ngọc phải rơi nước mắt vì hoàn cảnh của hai mẹ con.

Những câu chuyện như mẹ con chị Ngọc không phải là hy hữu. Câu chuyện kỳ thị không chỉ khiến nhưng người bị nhiễm HIV rơi vào cảnh quẫn bách mà còn dẫn đến sự lây nhiễm trong cộng đồng vì họ “dấu bệnh” để mong tránh được kỳ thị.

Pháp luật đã cấm kỳ thị đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS

Pháp luật đã cấm kỳ thị đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS

Thực tế, cho dù đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV.

Không chỉ bị cộng đồng xa lánh, nhiều người còn bị chính gia đình mình chối bỏ, bị cách ly với mọi hoạt động xã hội, thậm chí đối mặt với bạo hành, từ chối cung cấp dịch vụ y tế hay trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý.

Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV/AIDS dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Các em không tự tin, sống khép mình, thường lảng tránh bạn bè, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị phân biệt. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Pháp luật đã cấm kỳ thị đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ người bị nhiễm HIV/AIDS. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này đã được ban hành. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều vi phạm về sự kỳ thị đối với trẻ nhiễm HIV, thậm chí cả những thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã vi phạm luật mà không biết. Sự cần thiết của việc phòng, chống phân biệt đối xử xuất phát từ những hậu quả của nó gây ra với các cá nhân, cộng đồng và toàn nhân loại.

Về phương diện cá nhân, phòng chống phân biệt đối xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc bảo đảm cho mọi cá nhân được sống trong nhân phẩm và được hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng như được luật pháp quốc tế và quốc gia ghi nhận. Theo nghĩa đó, phòng, chống phân biệt đối xử cũng chính là một biện pháp cơ bản để bảo đảm thực thi các quyền con người.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV

Điều 7 và 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho những người khác mà không được người nhiễm đồng ý. Điều 15 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định cơ sở giáo dục không được: Từ chối tiếp nhận, kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV.

Khoản 3, Điều 41 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: Tạo mọi điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS) được học tập hòa nhập.

Điều 9 Luật Giáo dục cũng quy định: Mọi công dân có quyền bình đẳng về cơ hội học tập, không có sự phân biệt đối xử về bất cứ yếu tố nào. Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người nhiễm HIV có quyền được học văn hóa”.

Đến trường là mong ước cháy bỏng của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, quyền học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ hơn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/xoa-bo-ky-thi-voi-tre-nhiem-hiv-la-thach-thuc-lon-d164362.html