Xóa bỏ khoảng cách chênh lệch tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là bình đẳng?

Một trong những điểm thu hút sự chú ý của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam giới và nữ giới. Cụ thể, phương án Bộ LĐ-TB&XH đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng lên 62 và nữ tăng lên 60.

Trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng nhiều hơn nam

Trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng nhiều hơn nam

Tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới nhất vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi đề xuất về tăng tuổi nghỉ hưu so với các dự thảo trước đó.

Trước đó, dự luật đều đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, với nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng lên 60 tuổi. Các phương án đưa ra chỉ là mỗi năm tăng thêm 3 tháng hoặc 4 tháng.

Sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, do còn có ý kiến khác nhau về lộ trình, cách thức điều chỉnh tuổi hưu, Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề xuất 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Luật chỉ chốt tuổi nghỉ hưu, còn lộ trình tăng ra sao do Chính phủ điều chỉnh. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Căn cứ theo ngành nghề, công việc, điều kiện lao động, nhu cầu thị trường, xu hướng già hóa dân số và các yếu tố liên quan, Chính phủ sẽ quyết định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 1-1-2021.

Phương án này vẫn giữ đề xuất với người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, suy giảm sức khỏe... được nghỉ hưu trước 5 năm; người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm so với tuổi trên.

Phương án 2: Đưa ra mốc năm để đạt tuổi hưu, còn Chính phủ quy đinh chi tiết về lộ trình tăng. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu từ đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với và 4 tháng đối với nữ.

Phương án này cũng giữ đề xuất với người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, suy giảm sức khỏe... được nghỉ hưu trước 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm so với tuổi trên.

Dù Quốc hội "chốt" phương án nào, thì điểm dễ nhận thấy trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng nhiều hơn nam.

Báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách khi sửa đổi Bộ luật Lao động chỉ ra rằng, quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau của nam và nữ thể hiện việc phân biệt đối xử trên cơ sở giới, trong khi điều kiện phát triển kinh tế và dịch vụ xã hội đã được cải thiện, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội phát triển nghề nghiệp (đào tạo, thăng tiến nghề nghiệp) và điều kiện khả năng hưởng thụ quyền lợi (mức lương, lợi ích quỹ lương hưu).

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) trong giai đoạn 2017-2019 cho thấy, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng (chiếm 68,4%); những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy, lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%.

Bàn về vấn đề này, Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội - ĐBQH khóa 13 cho rằng, cần có cơ sở khoa học về quy định chênh lệch tuổi giữa nam và nữ vì thực tế tuổi thọ của nữ hiện nay là 76, cao hơn tuổi thọ của nam (73) và cũng chưa có cơ sở nào nói nữ lớn tuổi thì chân yếu, mắt mờ còn nam thì không.

"Tôi đề nghị sớm đưa ra cơ sở khoa học để quy định tuổi hưu khác nhau giữa nam và nữ để tăng tính thuyết phục khi đưa ra quy định mới này" bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ủng hộ việc thu hẹp, tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới, tuy nhiên trong vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi lại cho rằng, trên thế giới, có đến 37% các nước thành viên của ILO có sự chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Các nước cho rằng, sự chênh lệch tuổi như vậy cũng là tạo ra bình đẳng giới vì phụ nữ còn có thêm thiên chức làm vợ, làm mẹ. Điều này cũng hợp lý khi áp dụng ở Việt Nam, khi trong suốt thời gian dài lao động nam và nữ chênh nhau tuổi nghỉ hưu đến 5 tuổi.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá rõ tác động và lý do tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tại sao lại chênh nhau 2 tuổi mà không phải là bằng nhau, để Quốc hội có căn cứ quyết định.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/xoa-bo-khoang-cach-chenh-lech-tuoi-nghi-huu-cua-nam-va-nu-la-binh-dang/826254.antd