Xóa bỏ độc quyền về ta-xi công nghệ

Hội đồng Cạnh tranh vừa trả hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế giữa Grab và Uber để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật. Như vậy, để kết luận vụ việc Grab mua lại Uber có vi phạm Luật Cạnh tranh vẫn còn phải chờ đợi kết quả từ cơ quan điều tra. Thế nhưng, tác động xấu từ vị thế độc quyền của doanh nghiệp này đến chất lượng dịch vụ đã rất rõ nét.

Dịch vụ - Thị trường

Thị trường gọi xe công nghệ còn dồi dào dư địa, là miếng bánh hấp dẫn các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.

Thị trường gọi xe công nghệ còn dồi dào dư địa, là miếng bánh hấp dẫn các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Câu chuyện Grab thâu tóm Uber để rồi dần bộc lộ rõ những mặt xấu của vị thế độc quyền không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tất nhiên, hành vi này lập tức phải chịu sự xử lý từ cơ quan quản lý cạnh tranh các nước. Vào cuối tháng 9-2018, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Xin-ga-po (CCCS) đã quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đô-la Xin-ga-po (SGD), tương đương 9,5 triệu USD, vì thương vụ sáp nhập của hai công ty này. Kết quả điều tra của CCCS cho thấy, Grab đã tăng giá từ 10 đến 15% sau khi loại bỏ đối thủ là Uber. Cơ quan này cũng cho biết, họ đã nhận được rất nhiều khiếu nại từ cả khách hàng và lái xe về giá cước và hoa hồng của Grab. Tiếp đó vào tháng 10, Ủy ban Cạnh tranh Phi-li-pin (PCC) cũng quyết định phạt Grab vì không bảo đảm được chất lượng sau khi mua lại hoạt động của Uber. Cụ thể, PCC yêu cầu Grab và Uber cùng nộp phạt bốn triệu pê-xô Phi-li-pin vì không giữ hoạt động độc lập trong quá trình đánh giá thương vụ; Grab bị yêu cầu nộp thêm tám triệu pê-xô Phi-li-pin vì không duy trì được các điều kiện trước giao dịch như chính sách cước phí, khuyến mại cho hành khách, hoa hồng lái xe, chất lượng dịch vụ,…

Riêng tại Việt Nam, từ tháng 4-2018, ngay sau khi Uber chính thức chấm dứt hoạt động, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã quyết định điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam. Kết luận điều tra ban đầu cho thấy, vụ việc Grab mua lại Uber có hai dấu hiệu vi phạm: Một là hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Ðiều 20 Luật Cạnh tranh; Hai là hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Ðiều 18 Luật Cạnh tranh. Tiếp đó, vào tháng 1-2019, sau khi tiếp nhận hồ sơ điều tra từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng Cạnh tranh đã ký quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc này. Tuy nhiên, vừa qua Hội đồng Cạnh tranh đã trả lại hồ sơ vụ việc cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thêm 60 ngày để điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc. Như vậy, dư luận vẫn phải chờ đợi để cơ quan quản lý đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Thực tế từ khi Uber rút khỏi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tiến vào thị trường để lấp khoảng trống này, trong đó có không ít doanh nghiệp trong nước như Fastgo hay Be. Dưới áp lực cạnh tranh mới, Grab có vẻ cũng đã phải xuống thế. Cụ thể, từ tháng 8 năm ngoái, khi bắt đầu sự xuất hiện của một số ứng dụng gọi xe mới, Grab ngay lập tức quay lại chính sách khuyến mại nhiều hơn cho khách hàng. Hay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, phản ánh từ một số lái xe GrabBike cho biết, giá cước đã không thể tăng chót vót do phải chịu áp lực cạnh tranh từ GoViet. Rõ ràng, một thị trường có sự cạnh tranh sẽ giúp hạn chế bớt những tiêu cực, bảo đảm tốt chất lượng dịch vụ cũng như đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năng lực của các thương hiệu mới so với doanh nghiệp được định giá khoảng 10 tỷ USD như Grab đều quá nhỏ bé cả về vốn, kinh nghiệm lẫn năng lực; vì thế, khó có thể "dài hơi" nếu trong cuộc đua về giá và khuyến mại. Một thương hiệu được cho ngang tầm với Grab là GoViet cũng mới dừng bước ở mảng xe "ôm" cho nên vị thế của Grab trên thị trường vẫn là rất lớn. Do đó, cần sớm có bàn tay can thiệp của Nhà nước nhằm kiểm soát tốt thị trường, chống nạn độc quyền, tạo ra một sân chơi công bằng để các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng và quan trọng nhất là bảo đảm được quyền lợi cho người tiêu dùng.

Giá tăng, chất lượng xuống

Ngay sau khi sáp nhập Uber, nhiều khách hàng của Grab đã cảm nhận thấy giá cước mỗi chuyến đi tăng hơn so với trước. Mặc dù doanh nghiệp này nhiều lần phủ nhận việc tăng giá cước sau khi gần như độc chiếm thị trường, nhưng theo phản ánh của nhiều khách hàng, trên thực tế cùng một quãng đường, cùng khung giờ, giá cước của Grab rõ ràng đã tăng đáng kể. Nhất là vào những giờ cao điểm hay thời tiết xấu, giá cước của Grab thường tăng đột biến gấp nhiều lần và cao hơn rất nhiều giá cước ta-xi thông thường. Chưa kể tần suất và mức khuyến mại dành cho khách hàng cũng giảm hẳn, nhiều người trước đây thường xuyên nhận được khuyến mại giảm giá mạnh, nhưng nay không còn. Không những vậy, chất lượng dịch vụ của Grab cũng bắt đầu xuống cấp khi ngày càng có nhiều khách hàng lên tiếng phản hồi về việc thường xuyên bị lái xe hủy chuyến, gây nhiều bất tiện. Chị Thu Hoài, trú tại quận Ðống Ða (Hà Nội) phản ánh: Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, chị Hoài nhiều lần thử đặt xe Grab đi chúc Tết họ hàng nhưng cả ba lần đều bị hủy chuyến mà không biết lý do. Thậm chí, có lái xe còn gọi điện yêu cầu chị Hoài tự hủy cuốc vì sẽ không đến đón. Vừa bực mình, vừa khó chịu vì mất thời gian, nhà chị Hoài quyết định ra đường bắt ta-xi luôn cho tiện. Anh Việt Hà, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đặt xe từ phố Nhà Thờ để đi ra Kim Liên, nhưng đứng chờ hơn 15 phút vẫn chưa thấy xe đến. Gọi điện thì mãi lái xe mới nghe máy, xong lấy cớ đường đông không đến được và tiện thể nhờ mình hủy chuyến luôn. Bực bội, nhưng vào thế kẹt, anh vẫn buộc phải hủy để đặt cuốc mới. Theo phản ánh của anh, hiện Grab cho phép lái xe có thể hủy chuyến sau năm phút đến điểm hẹn mà không thấy khách. Cơ chế này nhằm gia tăng lợi ích cho lái xe, nhưng nhiều trường hợp, khách hàng phàn nàn mình đợi lái xe nửa tiếng không sao, trong khi chỉ xuống chậm 2 đến 3 phút, lái xe đã tự ý hủy chuyến và đi mất.

Theo giải thích của anh Hiếu, một lái xe GrabCar, sau khi thâu tóm Uber, lượng khách hàng đều dồn hết về Grab, nên một số lái xe cũng "chảnh" hơn, lơ là về dịch vụ, dễ bỏ chuyến hơn trước. Quan trọng hơn, trong bối cảnh chiết khấu của Grab tăng cao mà thưởng thì dần cắt hết hoặc nếu có cũng chẳng đáng là bao, do đó các lái xe nhiều khi cũng không chú trọng nhiều đến điểm thưởng mà chỉ chăm chăm chọn tuyến dễ đi để kiếm được càng nhiều cuốc càng tốt. Những động thái trong chính sách khuyến mại, hoa hồng, hủy chuyến,… đi kèm với chất lượng dịch vụ đi xuống của Grab đang khiến người tiêu dùng mất dần thiện cảm với một ứng dụng gọi xe công nghệ giá rẻ, tiện lợi mà trước đây họ từng khen ngợi. Nhiều khách hàng đã tuyên bố sẽ tẩy chay dịch vụ bởi không chấp nhận sự mập mờ trong cách tính giá cước cũng như những chính sách bất lợi cho khách hàng. Trong khi đó, thị trường ta-xi truyền thống sau khi để mất thị phần vào tay các ứng dụng ta-xi công nghệ, thời gian gần đây đã có những thay đổi khá tích cực. Khi thị trường còn dồi dào dư địa, nếu chất lượng dịch vụ của ứng dụng này giảm sút, lập tức sẽ kích thích các ứng dụng gọi xe khác nhảy vào cạnh tranh. Ðó là một tín hiệu tốt, thị trường không phải của riêng ai, kinh doanh thiếu minh bạch chắc chắn sẽ nằm cuối danh sách lựa chọn của nhiều khách hàng.

CHÍ CÔNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39203602-xoa-bo-doc-quyen-ve-ta-xi-cong-nghe.html