Xóa bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19: Lợi ích và rào cản

Các nước đang đẩy mạnh tiêm ngừa Covid-19 nhưng đa số gặp khó trong tiếp cận vắc-xin, từ đó đặt ra vấn đề xóa bản quyền để sản xuất vắc-xin nhiều và rẻ hơn.

Các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 nhưng đa số gặp khó trong tiếp cận vắc-xin, từ đó đặt ra vấn đề xóa bỏ bản quyền để sản xuất vắc-xin nhiều và rẻ hơn.

Tại bệnh viện nhỏ Farcha nơi bác sĩ Oumaima Djarma đang làm việc ở thủ đô Cộng hòa Chad, các nhân viên y tế chẳng ai bàn chuyện vắc-xin ngừa Covid-19 nào là tốt nhất hiện nay. Bởi, quốc gia này chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào.

Trong khi nhiều nước giàu đặt mua vắc-xin từ sớm để tiêm đủ cho người dân và dự trữ đề phòng bất trắc thì hàng chục nước nghèo như Chad vẫn đang vật lộn để tìm kiếm nguồn cung. "Tôi buồn vì nhận thấy sự bất bình đẳng. Tôi thậm chí không có quyền được chọn lựa. Khi vắc-xin được cấp phép đầu tiên được chuyển tới, tôi sẽ đi tiêm ngay", nữ bác sĩ chia sẻ.

Một bệnh nhân điều trị Covid-19 ở bệnh viện Farcha của Cộng hòa Chad. Ảnh: AP

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một số quốc gia ở châu Phi, trong đó có Chad, đến nay vẫn đang chờ lô vắc-xin đầu tiên. Việc trì hoãn cung ứng và nguồn cung vắc-xin khan hiếm đang khiến châu lục này tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19.

Lợi ích từ việc bỏ bản quyền

WHO đã bắt đầu phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước thông qua sáng kiến Covax. Tuy nhiên, trong số gần 190 quốc gia tham gia sáng kiến, khoảng 30 nước thu nhập cao đã đàm phán thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất để bảo đảm có đủ, thậm chí dư thừa, cho công dân của mình.

Từ thực tế này, nhiều quốc gia đã đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ sản xuất vắc-xin để cả thế giới hưởng lợi. Lý do được đưa ra là khi vắc-xin được sản xuất hàng loạt thì giá thành rẻ hơn, giúp cho các nước nghèo nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để chung tay sớm đẩy lui dịch bệnh.

Đại hội đồng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra vấn đề từ bỏ tạm thời đối với các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin và thuốc điều trị - xét nghiệm Covid-19, sau khi Nam Phi và Ấn Độ cùng đưa ra đề xuất vào tháng 10 năm ngoái. Hai nước cho rằng, nếu WTO không hành động sẽ chỉ có các nước giàu hưởng lợi từ các công nghệ mới, trong khi các nước nghèo tiếp tục bị dịch tàn phá.

WTO cũng nhận được bản kiến nghị được 900.000 người cùng ký tên kêu gọi miễn bản quyền vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 do nhóm hoạt động Avaaz gửi, trước khi Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại (TRIPS) nhóm họp ngày 10/12/2020.

Biểu đồ của Statista thể hiện các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới tính đến 8/5.

Theo các quy định của WTO, để đạt đến quyết định trên, tổ chức này cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên. Điều đó đồng nghĩa bất kỳ một nước nào quan điểm ngược lại cũng sẽ phá vỡ quyết định của số còn lại. Đến nay, hơn 100 quốc gia đã ủng hộ kêu gọi này, trong đó có Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp của WTO hôm 5/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói Washington "rất tin vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch, chúng tôi ủng hộ miễn trừ bản quyền đối với cắc-xin Covid-19".

Nga, nước đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V, cũng ủng hộ việc này. Tổng thống Vladimir Putin lý giải, đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 "không mâu thuẫn" với các quy tắc của WHO cho phép lựa chọn như vậy trong những trường hợp khẩn cấp.

EU - nằm trong số những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất, đồng thời là nhà xuất khẩu chủ chốt – cho biết sẵn sàng thảo luận việc miễn trừ bản quyền này.

Hàng loạt rào cản và rủi ro

Tuy nhiên, không ít ý kiến đi ngược lại luồng quan điểm trên.

Các hãng dược phẩm phát triển vắc-xin đương nhiên không muốn từ bỏ bản quyền, bởi làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc mất đi nguồn lợi tài chính bù đắp cho hoạt động nghiên cứu và cải tiến vô cùng tốn kém. Các công ty dược khác không mất công sức nghiên cứu vẫn có thể tự do bào chế vắc-xin mà không bị rào cản pháp lý nào, làm mất đi động lực đầu tư sản xuất vắc-xin.

Nhiều hãng dược lập lập luận, các nước nghèo không thể đủ năng lực, không được trang bị phù hợp thì kể cả được miễn bằng sáng chế cũng không thể sản xuất nổi vắc-xin. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua đại trà giành nguồn cung nguyên phụ liệu sẽ càng khiến cho quá trình sản xuất gặp khó khăn, thậm chí có thể gây ra vấn nạn vắc-xin giả.

Biểu đồ của Statista thể hiện số liều vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn cầu tính đến 9/5.

Một số doanh nghiệp và quan chức còn lo ngại đến khả năng các quốc gia này đe dọa lợi thế cạnh tranh của nhau trong lĩnh vực y sinh.

Đức – nước nền kinh tế lớn nhất EU và có hãng vắc-xin BioNTech - tuyên bố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ "là nguồn gốc của đổi mới và phải tiếp tục duy trì trong tương lai". Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích, yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế.

"Việc xóa bỏ bản quyền sẽ khiến hàng trăm hãng dược tin rằng, nếu có một đại dịch khác bùng nổ thì bản quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng sẽ không được bảo vệ. Đó là điều rất đáng lo ngại", Tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) Thomass Cueni kết luận.

Trong khi cuộc tranh cãi về xóa bỏ bản quyền vắc-xin tiếp tục diễn ra nóng bỏng trên toàn cầu, ở thủ đô Cộng hòa Chad, các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện Farcha vẫn chưa biết khi nào mới được tiêm ngừa Covid-19.

"Khi hay tin một nước nào đó tiêm ngừa xong cho đội ngũ y tế, cho người già và mở rộng sang các đối tượng khác, tôi cảm thấy rất buồn. Nhiễm Covid-19 thì ai cũng có thể chết, dù nghèo hay giàu. Nhưng ai cũng cần cơ hội được tiêm ngừa, nhất là những người dễ phơi nhiễm", bác sĩ Djarma bày tỏ.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/xoa-bo-ban-quyen-vacxin-ngua-covid19-loi-ich-va-rao-can-n-474644.html