Xơ gan cổ trướng - xơ gan mất bù: Hậu quả của bệnh gan mạn tính

Xơ gan cổ trướng, xơ gan mất bù là một tình trạng bệnh khá nặng. Xơ gan còn bù là tình trạng chưa có triệu chứng rõ rệt và người bệnh chưa quan tâm. Tới giai đoạn mất bù thì triệu chứng rầm rộ và điều trị trở nên khó khăn.

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Xơ gan cổ trướng hay còn gọi là xơ gan. Đây là một căn bệnh mạn tính gây suy giảm chức năng gan. Trong bệnh này, các tế bào trong mô gan bị tổn thương và hình thành nên sẹo. Việc hình thành sẹo sẽ làm cho gan không thể thực hiện được chức năng vốn có của nó, bao gồm tạo protein, giúp chống lại bệnh nhiễm khuẩn, làm sạch máu, tiêu hóa thức ăn và dự trữ năng lượng. Các tế bào chết trong gan gây cản trở việc thực hiện chức năng của các tế bào khác và dần làm mất chức năng của gan.

Có nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan, nguyên nhân phổ biến là do thường xuyên lạm dụng rượu bia. Những nguyên nhân khác bao gồm tác dụng phụ của thuốc, gan nhiễm mỡ, viêm gan do virut B, C, các bệnh di truyền (như thừa chất sắt và xơ nang), chứng xơ gan mật nguyên phát (gây nên tắc nghẽn ống dẫn mật)…

Mắt bị vàng - một dấu hiệu của bệnh gan

Với xơ gan còn bù, thường dấu hiệu lâm sàng mờ nhạt, không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng, đôi khi chỉ là kém ăn, chậm tiêu, rối loạn giấc ngủ hoặc gan to đơn thuần. Để phát hiện sớm xơ gan cần thăm khám tại cơ sở chuyên khoa, có đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, đủ trang thiết bị là các xét nghiệm cận lâm sàng và khi nghi ngờ có thể chỉ định sinh thiết gan.

Đối tượng có nguy cơ cao xơ gan là nhóm người bệnh mắc bệnh gan mạn tính như nghiện rượu, viêm gan do virut, viêm gan tự miễn, bệnh nhiễm trùng gan mật mạn tính. Đây là các trường hợp cần tầm soát định kỳ để phát hiện sớm xơ gan. Khi xơ gan ở giai đoạn mất bù thì các triệu chứng trở nên rầm rộ, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn và nguy cơ tử vong cao do các biến chứng của bệnh

Nhận biết bệnh xơ gan cổ trướng

Bệnh xơ gan cổ trướng (giai đoạn cuối của bệnh xơ gan), lá gan không còn khả năng tự phục hồi và mất dần chức năng. Lúc này bệnh tình đã rất nghiêm trọng, diễn tiến khá phức tạp theo chiều hướng xấu. Khi đó, gan không thực hiện được chức năng giải độc, từ đó toàn bộ cơ thể sẽ bị nhiễm độc, các biểu hiện rõ rệt như:

Bệnh nhân uể oải, mệt mỏi chỉ muốn nằm một chỗ, giảm cân, da khô, sắc mặt kém, thiếu máu, quáng gà, viêm lưỡi, viêm phù dây thần kinh. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt nhẹ do tế bào gan bị hoại tử, mất đi chức năng giải độc khiến chất độc tấn công cơ thể.

Ăn nhạt tốt cho người bệnh xơ gan cổ trướng.

Giai đoạn cuối xuất hiện vàng da, vàng mắt do tế bào gan bị tổn hại nặng hoặc do bệnh đã chuyển thành ung thư gan.

Nhiều trường hợp bị đau ở khu vực gan, đau liên tục hoặc đau dữ dội. Bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu vì cơ hoành bị tổn thương và có thể bị đau vai phải. Trong thời gian chuyển sang giai đoạn ung thư, có thể xuất hiện cơn đau đột ngột. Nếu xuất huyết máu nhiều, có thể khiến bệnh nhân ngất hoặc sốc. Ngoài ra, bệnh nhân xơ gan cổ trướng có thể bị phù gan.

Nguyên nhân phổ biến gây xơ gan là do lạm dụng rượu bia. Ngoài ra còn do tác dụng phụ của thuốc, gan nhiễm mỡ, viêm gan do virus...

Nguy cơ của xơ gan cổ trướng - xơ gan mất bù

Bệnh xơ gan diễn biến thầm lặng và phức tạp nên không thể xem nhẹ vì đây là giai đoạn cuối cùng của tiến trình bệnh gan mạn tính.

Với xơ gan còn bù, triệu chứng không đặc hiệu nên một số bệnh nhân vẫn sinh hoạt và lao động bình thường trong một thời gian dài. Nhưng khi xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù thì tiên lượng sống thêm rất ngắn và tùy thuộc vào biến chứng nào xảy ra. Ở giai đoạn này, chắc chắn là chất lượng sống giảm, tuổi thọ giảm và bệnh nhân phải nhập viện nhiều ngày, thời gian tái khám ngắn lại, điều trị tốn kém hơn… Lúc này bệnh đã thực sự trở thành gánh nặng y tế với bệnh nhân, gia đình và xã hội. Những biến chứng nguy hiểm của xơ gan mất bù cần nêu ra là:

Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ, tỷ lệ biến chứng này rất cao ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Đây là cấp cứu nội và ngoại khoa do đe dọa trực tiếp chức năng sống của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sớm, xử trí đúng tại cơ sở chuyên khoa tiêu hóa gan mật có trang bị máy nội soi.

Chọc hút dịch cổ trướng giúp bệnh nhân tránh biến chứng suy gan.

Xuất huyết tiêu hóa do giãn và vỡ tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhóm xơ gan do rượu. Biến chứng nguy hiểm thứ hai ở nhóm xơ gan do rượu là ung thư gan. Còn xơ gan do virut viêm gan b thì nguyên nhân tử vong hàng đầu là ung thư gan, sau đó là do chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản, vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày.

Biến chứng thứ ba là hội chứng nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phúc mạc tự phát. Tình trạng này ở nhóm bệnh nhân xơ gan mất bù mà căn nguyên do rượu khá thường gặp, do bệnh nhân có tình trạng suy giảm sức đề kháng trầm trọng. Từ bệnh lý xơ gan đã suy giảm sức đề kháng, xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch chủ cùng với tình trạng thiểu dưỡng là những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm phúc mạc tự phát.

Khó khăn trong điều trị

Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh phải ngay lập tức điều trị, không được tùy tiện sử dụng thuốc mà phải tuyệt đối tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Người bệnh xơ gan cổ trướng cần hạn chế chất lỏng để kiểm soát lượng nước.

Mặc dù ở giai đoạn xơ gan cổ trướng - xơ gan mất bù thì khả năng hồi phục cho gan rất khó khăn. Mục đích của việc điều trị là hạn chế tổn thương gan và giảm nguy cơ biến chứng do xơ gan gây ra. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như rượu, thuốc và các hóa chất độc hại cho gan.

Phương pháp điều trị hỗ trợ là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bao gồm: Hạn chế ăn chất đạm khi có dấu hiệu phù nề; hạn chế mỡ và có chế độ ăn nhạt; có chế độ ăn nhiều năng lượng và hạn chế chất lỏng (để kiểm soát sự tích lũy dịch lỏng trong cơ thể). Đối với trường hợp tích tụ nước ở bụng (cổ trướng) hay phù nề nặng, người bệnh có thể dùng thuốc lợi tiểu.

Nếu tổn thương gan tiến triển dẫn đến suy gan, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép gan.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Thịnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/xo-gan-co-truong-xo-gan-mat-bu-hau-qua-cua-benh-gan-man-tinh-n146095.html