Xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 nội dung của Luật Giáo dục Đại học

Chiều nay (8/8), trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Trong đó, còn 5 nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ nhất: Về trách nhiệm của Nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chính

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển của đất nước trong thời đại hiện nay, do đó trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục đai học cần được xác nhận trong Luật.

Ông Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình về dự án Luật. (Ảnh chụp màn hình: Đỗ Thơm)

Dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện để cơ sở giáo dục đại học công lập được thực hiện tự chủ toàn diện là phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Trong đó, có thể bao gồm toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và hệ thống giáo dục công lập nói riêng.

Từ đó đối với các trường đại học công lập bảo đảm tự chủ toàn bộ về kinh phí (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) thì nhà nước vẫn cần phải có trách nhiệm đối với các đơn vị này.

Thường trực Ủy ban đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Thứ hai là về việc thu thuế doanh nghiệp trường tư thục không vi lợi nhuận

Đối với trường tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo đục đại học trong đó nhà đầu tư cam kết không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần tích lũy hàng năm phải được sử dụng để tái đầu tư và thuộc tài sản chung hợp nhất không phân chia…thì quy định không thu thuế doanh nghiệp.

Ủy ban xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba là về vấn đề trần học phí và cấp quyết định

Dự thảo Luật quy định mức học phí được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của chính phủ; giao cho nhà trường được tự chủ quyết định mức học phí, công bố công khai mức thu học phí, phí dịch vụ và các khoản thu khác cho từng năm học và cho cả khóa học.

Thường trực Ủy ban trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc quy định mức trần học phí trong giáo dục đại học hay không và cấp có thẩm quyền quyết định mức trần học phí (Chính phủ, Bộ).

Thứ tư là về việc bổ nhiệm và nhiệm kỳ của chức danh hiệu trưởng

Dự thảo Luật có quy định giao cho Hội đồng trường thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý; quyết định nhân sự trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiễm, miễn nhiệm đối với chức danh Hiệu trưởng, đồng thời không quy định số nhiệm kỳ được tái bổ nhiệm liên tiếp của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.

Thứ năm là về chức danh nghiên cứu viên trong trường đại học

Theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, trường đại học cũng là một tổ chức khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, đến nay trong trường đại học chưa có quy định chức danh nghiên cứu viên, điều này có ảnh hướng đến kết quả nghiên cứu và chất lượng đào tạo của trường đại học.

Cho ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: Về việc thu thuế doanh nghiệp trường tư thục không vì lợi nhuận, vấn đề này để Luật Thuế điều chỉnh.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chính thì tự chủ tài chính gì đi nữa, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm.

Cần phải xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính.

“Theo tôi, có nên quy định trần học phí hay không nếu họ tự chủ. Bởi vì học phí cao quá mà chất lượng không tốt ai học. Nếu chất lượng tốt thì người ta sẽ vẫn sẵn sàng đóng học phí cao.

Chất lượng sẽ quyết định mức học phí. Thậm chí tự chủ, họ có quyền miễn giảm các đối tượng mà họ thấy cần giảm”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên giao hội đồng trường quyết định về nhân sự, tiêu chuẩn của hiệu trưởng

Về chức danh nghiên cứu viên trong trường đại học, theo Chủ tịch Quốc hội: “Trường đại học phải nghiên cứu khoa học vậy thêm nghiên cứu viên trong trường đại học vậy người này có dạy không.

Nếu không dạy thì có nhất định phải quy định trong luật này không”, Chủ tịch đặt câu hỏi.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xin-y-kien-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-5-noi-dung-cua-luat-giao-duc-dai-hoc-post188727.gd