Xin ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Theo Dự thảo được đăng tải xin ý kiến, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, bổ sung hành vi cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng.

Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội thực hiện giám định tư pháp (ảnh: internet)

Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội thực hiện giám định tư pháp (ảnh: internet)

Về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định sau khi đã đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác.

Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định lý do từ chối bằng văn bản.

Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Dư thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định người giám định tư pháp có quyền: Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân mình hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định.

Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc điều kiện thực hiện giám định có khó khăn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xin-y-kien-go-p-y-vao-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-giam-dinh-tu-phap-181886.html