Xin ý kiến đại biểu Quốc hội việc tách Luật Giao thông đường bộ

Trước quan điểm trái chiều về việc tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), chuyển quyền cấp GPLX, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu nội dung này.

Phiên thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sáng 16/11 nóng lên với hàng loạt ý kiến thảo luận, tranh luận về nội dung tách Luật Giao thông đường bộ và chuyển thẩm quyền quản lý, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Rất nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến đại biểu về riêng nội dung này.

Do còn ý kiến khác nhau và nhận định việc tách luật là vấn đề lớn, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

 Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội.

Về việc chuyển thẩm quyền quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng nội dung này liên quan đến dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu đề nghị phải làm rõ về tính hợp lý của đề xuất nên ông đề nghị đại biểu tiếp tục phát biểu trong phiên thảo luận chiều cùng ngày.

Việc tách luật sẽ do Quốc hội quyết định

Phát biểu thảo luận trước đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) góp ý việc xây dựng hai luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo sự đồng bộ về nguyên tắc.

Theo ông, Chính phủ cần thống nhất quản lý về thể chế giao thông đường bộ, không để phát sinh tổ chức bộ máy, không phát sinh tăng biên chế xã hội hóa hoạt động giao thông đường bộ, thực hiện cải cách hành chính, công nghệ hóa giao thông đường bộ.

Song song đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ trên cơ sở phân công, phân cấp ủy quyền; tăng trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) nhấn mạnh mục tiêu của Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người. Ảnh: Quốc hội.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) thì cho rằng việc tách luật thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quyền của Quốc hội, do Quốc hội quyết định.

Song theo bà Xuân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực về trật tự, an toàn xã hội. Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông. Bởi thực tế, hơn 90% các lỗi vi phạm và vi phạm giao thông là thuộc về ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông.

Luật cũng nhằm hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.

"Mục tiêu của Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người và bảo vệ tài sản của cá nhân, các cơ quan, tổ chức hợp pháp và ngay cả của Nhà nước. Đồng thời, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân, cơ quan, tổ chức", bà Xuân nêu quan điểm.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là quan điểm được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đưa ra.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội.

Theo ông Cường, trường hợp Quốc hội thấy cần phải tách và chuyển thẩm quyền giữa hai bộ thì phải làm rõ phương án xử lý đối với bộ máy quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, với lực lượng thanh tra giao thông nếu có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ…

Đặc biệt, cần nêu rõ phương án giải quyết xử lý đối với các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe đã được thành lập theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

“Vấn đề này không chỉ đơn giản là việc thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp GPLX và sẽ không đụng chạm đến cơ sở, trung tâm sát hạch do các tổ chức này đã được xã hội hóa. Hiện nay, các cơ sở này được thành lập, hoạt động theo các điều kiện được Bộ GTVT quy định”, ông Cường nêu vấn đề.

Lo gây xáo trộn và tốn kém

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phân tích về thủ tục pháp lý của việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ông đánh giá việc tách hai luật không thỏa mãn điều kiện cần thiết nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến của đại biểu Quốc hội xem có đồng ý tách hay không.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng việc tách Luật GTĐB không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết qua tham khảo ý kiến người dân thì ông thấy không nên tách vấn đề an toàn giao thông thành một luật riêng. An toàn giao thông bao gồm phương tiện, công cụ, quy tắc điều chỉnh hành vi giao thông. Vì thế, dùng một bộ luật tiện lợi hơn rất nhiều.

Nhận được kiến nghị từ Hiệp hội Vận tải ôtô đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô đường bộ TP.HCM, ông Nghĩa cho biết hai tổ chức này đề nghị không tách luật và không nên chuyển việc cấp GPLX sang Bộ Công an, vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết qua tham khảo ý kiến người dân, không nên tách vấn đề an toàn giao thông thành một luật riêng. Ảnh: Quốc hội.

“Tôi đi taxi nhiều, hỏi thì không thấy ông tài xế nào đồng ý chuyển cấp GPLX cho Bộ Công an”, ông Nghĩa kể và cho rằng với rất nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết hiện nay, việc ban hành luật mới một cách rút ngắn như vậy là không cần thiết, làm phân tán nguồn lực của Quốc hội và Chính phủ.

Hơn nữa, ông cho rằng không nên giao thêm cho lực lượng vũ trang những công việc mà các bộ khác của Chính phủ có thể đảm trách.

Tranh luận với 3 đại biểu ủng hộ quan điểm tách luật và cho rằng cần ban hành Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho rằng việc này không phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Bộ dẫn chứng việc cấp GPLX ở Mỹ có 46/50 bang do cơ quan giao thông cấp; Canada 13/13 bang do giao thông cấp; Mexico, Brazil đều do giao thông cấp. Ở châu Âu 19 nước thì duy nhất Bulgaria là do cảnh sát giao thông cấp. Ở Australia, 8/8 bang do cơ quan giao thông cấp; còn châu Á chỉ có duy nhất Indonesia do cảnh sát giao thông cấp...

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xin-y-kien-dai-bieu-quoc-hoi-viec-tach-luat-giao-thong-duong-bo-post1153586.html