Xin xuất khẩu than thoải mái: Vị Thứ trưởng nói điều lo ngại

Ngành than muốn được mở cửa cho xuất khẩu than loại tốt vì trong nước chưa dùng hoặc dùng không hết loại than này. Song, Thứ trưởng Bộ Công Thương vẫn lo ngại điều khác.

Than tốt xuất khẩu không phù hợp để đốt điện

“Việc xuất nhập khẩu than là hết sức bình thường”, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam, nói tại Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ngày 11/11.

Từng nắm giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) , ông Trần Xuân Hòa hiểu rằng loại than tốt như than antraxit mà TKV khai thác không phải dùng cho đốt điện bởi loại than này không dễ đốt, muốn đốt phải trộn thêm dầu. Đây chính là than chất lượng cao và xuất khẩu được giá, dùng cho các nhà máy luyện cốc, sản xuất thép. Trong khi đó, than cho sản xuất điện là loại rẻ tiền hơn nhiều, nguồn cung trên thị trường thế giới cũng dồi dào và nhập khẩu than “không có gì khó khăn”.

Ông Hòa cho hay ở Úc, hệ số bóc đất đá lấy than chỉ là 3-5m3 đất đá/tấn than, còn ở Việt Nam, hệ số này nhiều nơi lên đến 13m3/tấn than, thậm chí có nơi 17m3/ tấn than. Điều đó đồng nghĩa với chi phí khai thác 1 tấn than của Việt Nam cao hơn nhiều.

Việt Nam mỗi năm phải nhập hàng chục triệu tấn than để phát điện. Ảnh: L.Bằng

Việt Nam mỗi năm phải nhập hàng chục triệu tấn than để phát điện. Ảnh: L.Bằng

“Các nước đều yêu cầu biên độ giá nào thì phải dừng khai thác. Trước đây, Nhật Bản khai thác nhiều than, nhưng đến một giới hạn nào đó, họ thấy nhập khẩu hiệu quả hơn thì dừng lại, không khai thác nữa. Hiện nay, Nhật chỉ duy trì một mỏ ở phía Bắc với sản lượng 300.000-500.000 tấn/năm, còn lại bỏ hết”, ông Trần Xuân Hòa dẫn chứng để chứng minh việc nhập khẩu than không phải điều gì quá xa lạ.

Những người làm trong ngành than đều hiểu việc trộn than antraxit chất lượng cao với loại than rẻ tiền hơn để đốt điện là “lãng phí”. Tuy nhiên, mỗi lần muốn xuất khẩu than antraxit, Tập đoàn Than Khoáng sản đều phải “đi báo cáo bộ nọ bộ kia giao chỉ tiêu xuất khẩu”. Vài năm gần đây, mỗi năm TKV và Tổng công ty Đông Bắc được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than này.

Ông Hòa đề nghị để giá bán than theo cơ chế thị trường, không “ép” phải bán giá thấp cho một bên nào.

Ngay sau khi ông Hòa phát biểu, đại diện của TKV cũng có ý kiến với mong muốn có cơ chế thông thoáng hơn để xuất khẩu than.

“Than antraxit rất quý, chất lượng cao. Nếu đem ra làm điện thì lãng phí”, vị này nói và giải thích lý do Việt Nam phải nhập hàng chục triệu tấn than một năm nhưng vẫn cho xuất khẩu than. “Đó là hai loại than khác nhau”. Vì thế, đại diện TKV đề nghị khi xây dựng quy hoạch năng lượng, việc xuất khẩu chỉ nêu quan điểm, không nên chốt con số cố định.

“Những loại than trong nước chưa dùng thì cho xuất khẩu, giống như việc chúng ta cần bao nhiêu thì chúng ta nhập khẩu bấy nhiêu, có ai hạn chế đâu”, vị này lên tiếng.

Ông cũng muốn quy hoạch năng lượng lần này cần có dự báo giá thành, sản lượng trong những năm tới, để bản thân ngành than thấy nếu đạt ngưỡng đó phải có kế hoạch chuyển đổi lao động, chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác mỏ hầm lò, kể cả phương án ngừng khai thác. Bởi lẽ, đây là vấn đề mất rất nhiều thời gian.

Lấy gì đảm bảo lúc nào cũng nhập khẩu được

Tuy nhiên, đáp lại những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An không hoàn toàn đồng tình.

Ông An cho rằng bàn về nhập khẩu và khai thác than trong nước là bài toán rất vĩ mô, không nên chỉ đưa tiêu chí giá ra xem xét. Bởi, nếu dùng tiêu chí giá để xem xét và quyết định thì thực sự góc nhìn không được toàn diện.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nghi ngại trước ý kiến cho rằng khi khai thác than xuống sâu, giá thành cao hơn nhiều so với nhập khẩu thì nên có định hướng cho nhập khẩu, kể cả phương án ngừng khai thác, đóng mỏ, chuyển đổi nghề cho lao động ngành than. Bởi, câu hỏi đặt ra là tình hình sẽ ra sao khi thị trường thế giới biến động, việc nhập khẩu than khó khăn, lực lượng lao động ấy có đủ năng lực quay lại hầm lò hay không.

“Đó là bài toán hết sức vĩ mô, giá chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện thôi”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp phải tính đến bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là khai thác trong nước để đảm bảo phát triển bền vững. Nếu không cẩn trọng, việc nhập khẩu ồ ạt sẽ khiến an ninh năng lượng trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Không chỉ nhập khẩu than, nhìn vào viễn cảnh chắc chắn phải đẩy mạnh nhập khẩu khí LNG để nâng tỷ trọng điện khí trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam lên 21% vào năm 2030, ông An lo ngại: Nếu nhập khẩu ngày càng nhiều thì có gì đảm bảo thị trường thế giới lúc nào cũng thuận lợi để mua được.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/doanh-nghiep-muon-xuat-khau-than-thoai-mai-bo-cong-thuong-lo-ngai-687888.html