Xin việc và nghỉ việc: Đều cần sự tử tế

Những ngày cuối năm là khoảng thời gian mà nhiều người bận rộn với báo cáo, tổng kết. Tuy nhiên, với một số bạn trẻ, cuối năm, chuyện nghỉ việc dễ xảy ra hơn bao giờ hết…

Xin việc chuyên nghiệp

Với những người đã đi làm, chuyện nghỉ việc rồi xin việc khác không quá khó khăn, vì bản thân đã có kinh nghiệm ứng tuyển, phỏng vấn. Nhưng với bạn trẻ vừa tốt nghiệp, chuyện xin việc lại không mấy dễ dàng, người thì quá tự tin, người thì còn rụt rè với môi trường công sở khác hẳn với không gian học đường.

Bằng cấp chuyên môn, chứng nhận kỹ năng… là những thứ cần phải có để xin việc, nhưng quan trọng hơn trình độ chính là thái độ của bạn với nhà tuyển dụng. Không ít trường hợp bị loại hồ sơ ngay sau phần phỏng vấn.

Nguyễn Minh Tân (32 tuổi, trưởng phòng kinh doanh một công ty nội thất, ngụ quận 7, TPHCM) kể: “Lúc đó, tôi tốt nghiệp loại giỏi nên tự tin lắm, cứ nghĩ bằng đại học loại giỏi thì người ta sẽ ưu tiên, nhưng không phải vậy. Người phỏng vấn hỏi tôi về mức lương mong muốn, dù là sinh viên mới ra trường, nhưng tôi đề nghị ngay 15 triệu đồng và tăng lương sau 3 tháng làm việc, kết quả hồ sơ của tôi bị trả lại. Sau đó, phải 2 lần phỏng vấn thất bại nữa, tôi mới tìm được việc”.

 Bạn trẻ cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong chuyên môn, tử tế trong cách ứng xử ở nơi làm việc

Bạn trẻ cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong chuyên môn, tử tế trong cách ứng xử ở nơi làm việc

Bằng cấp loại giỏi là điều tốt, tuy nhiên nó khác với kinh nghiệm làm việc thực tế và khi bắt đầu đi làm, thời gian đầu, chắc chắn bạn trẻ phải vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. CV xin việc (Curriculum Vitae: sơ yếu lý lịch) gần như là “bộ mặt” của ứng viên với nhà tuyển dụng, nhưng lại rơi vào 2 trường hợp, một là ít được bạn trẻ chăm chút, hai là cố tình tạo ấn tượng bằng cách nói quá về trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ hỗ trợ…

“Nghĩ mình tốt nghiệp loại giỏi nên tôi không tạo sẵn CV để làm gì, chỉ mang theo chứng minh thư và bằng tốt nghiệp đi xin việc. Đến nơi, tôi bị loại hoàn toàn, vì không đủ hồ sơ để phỏng vấn, thất bại lần đó, tôi mới hiểu ra được, giỏi cỡ nào thì cũng phải có thái độ tốt, tuân thủ đúng và đủ các hồ sơ tuyển dụng mà công ty yêu cầu”, Phạm Thị Hồng Đào (25 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) kể.

Dù chỉ là một buổi nộp hồ sơ, phỏng vấn thì cũng cần phải đúng giờ. “Đừng nghĩ là mới nộp hồ sơ, chưa làm nhân viên chính thức thì đi trễ chút không sao. Có lần tôi chứng kiến tuyển dụng ở một công ty xuất nhập khẩu, có bạn chỉ trễ phỏng vấn chưa đầy 5 phút, dù hồ sơ đầy đủ, thành tích học tập tốt vẫn bị loại. Đôi khi đến đúng giờ cũng là cách để thể hiện mình chuyên nghiệp bên cạnh trình độ học vấn”, Hồng Đào kể thêm.

Hãy cứ thành thật

Ở những năm đầu đi làm, người trẻ có đến “một ngàn lẻ một” lý do để nghỉ việc, nhảy việc từ có lý đến vô lý. Chuyện nghỉ việc những tưởng là chuyện nhỏ, nhưng cách hành xử của một số bạn trẻ lại khiến nó trở nên mất hay trong mắt người xung quanh, thậm chí là có phần cảm tính và hơi “lố”.

Nghỉ việc rồi viết “tâm thư” nói xấu đồng nghiệp, nói xấu “sếp” trên mạng xã hội, hay làm việc chưa đầy một tháng đã xin nghỉ… là câu chuyện dễ bắt gặp ở nhiều bạn trẻ. Sau một chia sẻ dài dằng dặc trên trang cá nhân kể xấu 2 đồng nghiệp ngồi cạnh mình, bạn bè nhắc nhở nhưng H.Y. (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn thản nhiên: “Nghỉ rồi thì thoải mái thôi, có nhận lương của công ty nữa đâu mà sợ”.

Đi xin việc, bạn trẻ phải mang theo nhiều hồ sơ, bằng cấp và giấy tờ tùy thân, nhưng đến lúc nghỉ việc có lẽ chỉ cần tử tế. “Mới tháng trước thôi, phòng thiết kế nhận dự án mới thì bạn nộp đơn xin nghỉ việc mà không báo trước tiếng nào. Cả phòng phải gồng gánh nhau làm cho xong dự án, chứ thời gian gấp gáp làm sao tuyển nhân viên mới kịp, mà nếu có tuyển được thì cũng mất 1 tháng để người mới quen việc. Đây không phải là lần đầu phòng tôi gặp trường hợp này, có lúc tôi cũng phải xắn tay áo phụ việc với các bạn trong phòng luôn”, chị Phạm Trúc Thư (37 tuổi, Trưởng phòng Thiết kế đồ gia dụng, Công ty Kim Tính) chia sẻ.

Khi ứng tuyển, thành thật với trình độ chuyên môn, thì lúc nghỉ cũng cần chia sẻ lý do chân thành.

“Công ty tôi có một bạn nộp đơn xin nghỉ với lý do bận việc gia đình, nhưng thật ra là chuyển sang công ty khác. Tuần rồi, công ty có đặt tiệc bên ngoài, đến nhà hàng thì vô tình gặp bạn đó cũng đi ăn cùng công ty mới, thấy tôi, bạn hơi ngại. Nhiều năm làm ở phòng nhân sự, tôi hiểu chuyện bạn trẻ nhảy việc, tìm chỗ thích hợp là điều chính đáng và đương nhiên, ai trong chúng ta cũng vậy thôi. Quan trọng là trong quá trình làm đến lúc nghỉ, hãy cứ thành thật và cư xử tử tế với nhau”, anh Lê Minh Phúc (trưởng phòng nhân sự một công ty sự kiện ở quận 2, TPHCM) đúc kết.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xin-viec-va-nghi-viec-deu-can-su-tu-te-708405.html