Xin trả lại nghìn tỷ vốn đầu tư công

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có 3 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc không có nhu cầu sử dụng hơn 1.800 tỷ vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài.

Thông tin được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong văn bản về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay.

Theo cơ quan quản lý tài khóa, tính đến hết tháng 6, còn tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 5%.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Đặc biệt, một số cơ quan trung ương đã hết nửa năm nhưng chưa giải ngân được bất kỳ đồng vốn đầu tư công nào (0%) như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước...

Nhiều đơn vị cũng chỉ giải ngân được dưới 1% vốn là Đại học Quốc gia TP.HCM, Đài Truyền hình Việt Nam…

Ngoài ra, Ủy ban dân tộc được phân bổ 81,7 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới thanh toán được hơn 1 tỷ, chiếm 1,36% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới thanh toán hơn 5 tỷ trên tổng số 294,9 tỷ đồng được giao, tương đương 1,75%...

Đáng chú ý, ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đi kiểm tra tình hình thực hiện vốn đầu tư công cũng mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trên tổng số 1.108 tỷ đồng vốn được giao, tương đương 6,75%. Bộ Tài chính cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 20,8%.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước... nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 15%.

 Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ các nguồn tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ các nguồn tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ở chiều ngược lại, thống kê cho thấy có 46 bộ ngành và địa phương đạt tỷ lệ thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm nay trên 30%. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã giải ngân toàn bộ 50 tỷ đồng vốn được giao, đạt tỷ lệ 100%; Hội Nhà văn cũng đã giải ngân 93,59%; tỉnh Hưng Yên đạt 62%; Ngân hàng Phát triển (VDB) đạt 61%...

Theo cơ quan quản lý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản về việc không có nhu cầu sử dụng hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài được giao.

Bộ này cho biết, năm nay Thủ tướng đã giao vốn nước ngoài là 3.638 tỷ đồng, tuy nhiên nhu cầu sử dụng thực tế của các dự án chỉ là 1.830 tỷ. Vì vậy, Bộ đã có 3 văn bản từ cuối năm 2019 đến nay đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ để điều chuyển. Tuy nhiên, đến nay vốn vẫn chưa chuyển được.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn

Theo Bộ Tài chính, một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có liên quan cơ chế chính sách.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân gây ra chậm giải ngân vốn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Như tại Bộ Xây dựng, hiện nay bộ này chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án triển khai chậm.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án những tháng đầu năm đều chậm.

Trình tự thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, hạn mức chỉ định thầu theo quy định hiện hành còn thấp dẫn đến đa phần các gói thầu phải tổ chức đấu thầu, mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Ở một số bộ, ngành, có dự án đang triển khai phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên giải ngân còn thấp. Ngoài ra, còn một số lý do như dự án đang chờ quyết toán hoàn thành, chờ tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý… cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xin-tra-lai-nghin-ty-von-dau-tu-cong-post1109779.html