Xin tạm dừng quy hoạch đặc khu Phú Quốc: BĐS thế nào?

Kiên Giang đề nghị được lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo hướng tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho đến khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, lãnh đạo địa phương đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.

Trong văn bản, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Sau đó, địa phương đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay gặp một số khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cho biết đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004, đến nay không còn phù hợp với thực tế phát triển tại huyện đảo này.

Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Đáng chú ý, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.

"Nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút đầu tư vào đảo Phú Quốc", văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang nêu.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Đồng thời, đề nghị được lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc.

Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài. UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tư vấn bảo đảm năng lực, kinh nghiệm, uy tín để lập quy hoạch.

Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ như: Bộ Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư có ý kiến bằng văn bản đối với đề nghị trên của tỉnh Kiên Giang.

Còn nhớ, từ cuối năm 2012, đề án lập đặc khu kinh tế Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất lên Chính phủ với mong muốn phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2018, đã xuất hiện cơn sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP.HCM, khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế gồm Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn.

HoREA chỉ rõ thủ phạm của hiện tượng sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp ở những khu vực nói trên chính là giới đầu nậu và cò đất mà trong nhiều trường hợp đã móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để phân lô tách thửa tràn lan.

Họ cung cấp những thông tin giả (hoặc thông tin nửa đúng nửa sai) về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án lớn trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường bất động sản để trục lợi.

Vào tháng 4/2019 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng có tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ.

Thông tin này cũng làm thị trường BĐS Phú Quốc rục rịch tăng tuy nhiên không tạo ra đợt sốt như thời điểm thông tin đặc khu trước đó.

Trở lại với đề nghị của Kiên Giang ở trên, nếu chúng được chấp thuận, điều đó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Phú Quốc.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/xin-tam-dung-quy-hoach-dac-khu-phu-quoc-bds-the-nao-3385021/