Xin phá 3 tòa nhà tái định cư: Vì sao bỏ hoang?

Trong khu đô thị, cụ thể là Sài Đồng, tái định cư chỉ là đưa tiền cho người dân, còn ai muốn ở đâu thì ở.

Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư xây dựng xong cách đây hơn 10 năm thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên) do người dân không đến nhận nhà.

Theo thông tin trên báo Tiền phong, 3 tòa nhà 6 tầng này đã bỏ hoang nhiều năm, bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, chủ đầu tư khu nhà là Hanco3 đã có văn bản đề nghị TP cho phép phá dỡ toàn bộ dự án để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay.

Ba tòa nhà tái định cư đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn. Ảnh: Tiền phong

Để tìm hiểu thông tin về dự án này, PV Đất Việt đã liên hệ với ông Đặng Trần Phú, Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Tuy nhiên, ông Phú cho hay, phường không nắm được thông tin về dự án này, toàn bộ thông tin phải hỏi Hanco3.

Liên hệ tới Hanco 3, nhân viên hành chính cho biết việc này phải hỏi phòng Kế hoạch, nhưng khi PV liên hệ tới phòng này thì đại diện phòng lại nói bộ phận phụ trách đầu tư mới nắm được. Chỉ có điều bộ phận này hiện đang đi công tác, do đó họ sẽ điện lại sau.

Trao đổi về tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, vấn đề tái định cư rất cần nhưng nhà tái định cư không nhất thiết phải có.

Ông dẫn ví dụ, nếu làm hồ thủy điện phải chuyển cả một bản làng đi thì phải xây nhà cho người dân, có cả khu vực sản xuất để người dân đến tái định cư.

Tuy nhiên, trong khu đô thị, cụ thể là Sài Đồng thì tái định cư chỉ là đưa tiền cho người dân, còn ai muốn ở đâu thì ở.

"Thế nhưng doanh nghiệp vẫn muốn làm nhà tái định cư vì làm nhà tái định cư rẻ. Người ta chỉ tốn phí đất rồi xây lên các tầng rồi đưa các hộ dân vào đấy.

Nhà tái định cư có thể bổ ích cho người dân nếu ở trong nội thành, còn ở ngoại thành đất rộng người thưa, người dân vốn quen ở dưới mặt đất, trong các nhà riêng của họ, giờ phải đến một nơi xa xôi, môi trường, điều kiện đi lại, ăn ở, làm việc... không bằng chỗ cũ nên họ không nhận tái định cư, hoặc có nhận cũng không đến ở", TS Phạm Sỹ Liêm lý giải.

Điều vị chuyên gia xây dựng muốn làm rõ là những hộ dân không đến ở nhà tái định cư thì bây giờ tiền họ đã được nhận chưa hay họ có được nhận cái gì không? "Cái này không thể lờ mờ được", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông, phải làm rõ ai là chủ nhà tái định cư? Là công ty xây dựng hay Sở Xây dựng hay quận, huyện? Chủ đầu tư chưa chắc đã là chủ sở hữu. Chủ đầu tư xây xong rồi bàn giao công trình. Còn chủ sở hữu có quyền quyết định phá hay không phá, xây bao tầng, chủ trương đầu tư cái gì...

Về phía chính quyền chỉ xem xét về mặt quy hoạch, nếu doanh nghiệp xây công trình mới có phù hợp với quy hoạch không, nếu không trái thì chấp nhận cho doanh nghiệp xây.

"Chủ sở hữu dự án có quyền phá đi rồi xây lại, lỗ lãi là việc của họ. Không ai dại cả, họ muốn phá tức là muốn làm một cái gì đó có lợi hơn. Nhưng không rõ Sài Đồng sau 10 năm có nhu cầu nhà chung cư nữa hay không, nếu không thì lại làm duy ý chí rồi chẳng ai đến ở vì xa tít mù tắp", TS Liêm bày tỏ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/xin-pha-3-toa-nha-tai-dinh-cu-vi-sao-bo-hoang-3345674/