Xin lỗi kiểu 'bố thí' ấy, ai cần!

Những ngày sống trong khủng hoảng thiếu nước sạch ngay giữa Thủ đô, phải chầu chực xách từng can 10 lít, 20 lít để phục vụ ăn uống, sinh hoạt, có lẽ là ký ức thực sự 'nhớ đời' của hàng nghìn người dân Hà Nội.

Đỉnh điểm khi Công ty nước sạch Sông Đà công bố dừng cấp nước vô thời hạn (ngày 16/10), người dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông đã phải xuống sảnh chung cư để xếp hàng chờ lấy từng chai nước về dùng.

Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức quy định đã khiến người dân phải đổ xô vào khắp các siêu thị trên những địa bàn nói trên để mua nước đóng chai về ăn uống, thậm chí là tắm rửa.

Các phóng viên Dân trí trong những ngày vừa qua cũng gần như hoạt động hết “công suất” để liên tục cập nhật cho độc giả những bài viết phản ánh đầy chân thực về “cuộc khủng hoảng nước sạch” này.

Một không khí chẳng khác “chạy loạn” của cư dân Thủ đô: Bức bối, bí bách và mệt mỏi. Người dân, công luận bức xúc, tức giận. Nhưng trái ngược, ấy lại là sự “bình tĩnh” đến lạnh người của những đơn vị liên quan, đặc biệt là Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Thực tế, đại diện của doanh nghiệp này có một vài lần xuất hiện trên báo chí, nhưng rốt cuộc, vẫn không một lời xin lỗi được đưa ra.

Ngay trong buổi họp báo của tỉnh Hòa Bình và Viwasupco chiều ngày 17/10, ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc doanh nghiệp này cũng chỉ đưa ra những “khuyến cáo” như trong tài liệu và đáp lại mong mỏi của người dân bằng câu “kể khổ” không thể chối tai hơn: “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất”.

Sau đó, Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn - cổ đông lớn nhất của Viwasupco với tỉ lệ sở hữu chi phối tới 60,46% cổ phần trả lời phỏng vấn Báo Lao Động đã nói: “Việc xin lỗi là việc rất nhỏ thôi, xin lỗi không thì dễ quá ai chẳng làm được”.

Ông này khẳng định: “Còn chúng tôi sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, chúng tôi không những xin lỗi mà còn xin chịu trách nhiệm. Tôi cam kết sẽ phối hợp cùng các đơn vị phân phối nước để làm các việc tốt nhất cho người dân”.

Đúng vậy, xin lỗi suông thôi thì đúng là “ai chẳng làm được”. Và rồi điều gì đã diễn ra sau đó?

Trong thông cáo báo chí chính thức được Viwasupco phát ra sau nửa tháng cuộc khủng hoảng nước sạch, rốt cuộc doanh nghiệp này cũng đã xin lỗi, mong được lượng thứ và tuyên bố cung cấp nước miễn phí cho người dân 1 tháng tiền nước. Tất cả chỉ có như vậy.

Xin hỏi, có người dân nào chấp nhận lời xin lỗi đó không? Một lời xin lỗi đăng lên theo hướng “chiếu lệ”, “cho có”, thật khó ai mà “cảm” nổi!

Bản thân Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đã không giấu được bức xúc: “Lời xin lỗi muộn màng và mức bồi thường đó là không thể chấp nhận được. Lời xin lỗi vừa đưa ra trong một thông cáo, trong khi 2 buổi họp báo trực tiếp trước đó thì không có 1 lời xin lỗi nào. Đó là thiếu nghiêm túc, rất không nghiêm túc trước một sai sót chứ không muốn nói là tội rất nghiêm trọng trước nhân dân.”.

Tôi xin thưa với lãnh đạo Viwasupco, người dân Hà Nội, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, họ đâu cần một sự kiểu “xin lỗi bố thí” mà các vị phải tiết kiệm đến vậy? Xin lỗi để làm gì khi không phải từ thái độ chân thành, thành khẩn?!

Người dân mua nước họ trả tiền. Nhưng các vị có thấy rằng, các vị đang được kinh doanh một mặt hàng đặc biệt, một tài nguyên thiết yếu có sức ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của hàng vạn con người hay không?

Và ngoài lời xin lỗi “đãi bôi” đó của Viwasupco, tôi còn chưa thấy những lời xin lỗi khác của những người trách nhiệm, có liên quan. Chẳng bỗng dưng có những “lỗ hổng chết người” trong quy trình cấp nước!

Bích Diệp - Theo Dân Trí

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xin-loi-kieu-bo-thi-ay-ai-can-d109889.html