Xin làm BOT sân bay Điện Biên: Bất hợp lý

Làm sao có chuyện doanh nghiệp tự tính toán, tự đưa ra tổng mức đầu tư rồi thông báo rằng chúng ta cùng hợp tác, tôi bỏ 70% anh góp 30%...?

Bất hợp lý

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hoan nghênh Công ty CP Hàng không Vietjet bỏ vốn đầu tư dự án xây dựng, mở rộng CHK Điện Biên, tuy nhiên, ông nhấn mạnh "không thể theo hình thức BOT"

Vietjet xin đầu tư sân bay Điện Biên theo hình thức BOT. Ảnh: VnEconomy

Chỉ ra từng điểm bất hợp lý, ĐB đoàn Đồng Tháp phân tích:

Liên quan tới đề xuất xin đầu tư dự án của Vietjet, vị ĐB nhận định đây là đề xuất quan trọng, đáng hoan nghênh, cũng là mong muốn chính đáng của địa phương.

Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: Vietjet sẽ đầu tư như thế nào để chấp nhận được? Theo ông Hòa, đề xuất của Vietjet cần được mở rộng cửa chào đón nếu doanh nghiệp này chấp nhận bỏ 100% vốn và đầu tư toàn bộ các hạng mục của dự án, không sử dụng tiền ngân sách. Đây là mong muốn chung trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa thu hút nguồn vốn xã hội hóa, nhưng có vẻ đó không phải là ý muốn của doanh nghiệp, nhất là khi bị đụng tới lợi ích.

Tại sao Vietjet xin bỏ vốn thực hiện dự án nhưng chỉ thực hiện khu nhà ga hành khách (nhà ga, sân đỗ ô tô và hạ tầng giao thông) theo hình thức góp vốn với ACV theo tỉ lệ Vietjet 70%, ACV 30%.

Chi phí cho nhà ga là hơn 682 tỷ đồng (chỉ chiếm khoảng 0,2% / 4.485 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn dự án)?

Trong khi phần còn lại bao gồm các công trình thuộc khu bay gồm; đường băng, đường lăn, sân đỗ (chi phí khu bay 806 tỷ đồng), Vietjet đề xuất sử dụng 100% vốn ngân sách.

Số tiền GPMB hơn 1.100 tỷ đồng, địa phương sẽ ứng vốn để chi.

ĐB Phạm Văn Hòa nói thẳng, chỉ riêng với đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ đầu tư sân bay thôi đã là không hợp lý. Ông cho rằng, đề xuất của Vietjet hoàn toàn đứng trên lợi ích của doanh nghiệp này, không vì địa phương, cũng không vì mục đích phát triển chung của đất nước.

Vị ĐB chỉ rõ: "Vietjet xin đầu tư phần xây dựng nhà ga vì đây là khu vực đầu tư đơn giản, vốn ít, thu hồi nhanh, lợi nhuận cao.

Phần hạ tầng khác đầu tư phức tạp, nguồn vốn lớn, không có khả năng thu hồi vốn thì được Vietjet đẩy lại cho nhà nước. Vì thế, mới nhìn thì tưởng Vietjet muốn đầu tư sân bay vì mục đích phát triển nhưng thực chất chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp này.

Vì thế, kêu gọi đầu tư từ ngân sách, đề xuất góp vốn với ACV chính là điểm bất hợp lý thứ nhất".

Ông Phạm Văn Hòa lưu ý, ACV hiện đang là Công ty cổ phần với tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà nước chiếm tới 95%. Như vậy, trong trường hợp ACV muốn góp vốn cũng cần phải công khai, minh bạch, phải có cơ quan chức năng thẩm tra, thẩm định rất kỹ càng, không phải ACV muốn là làm.

"Làm sao có chuyện doanh nghiệp tự tính toán, tự đưa ra tổng mức đầu tư rồi thông báo rằng chúng ta cùng hợp tác, tôi bỏ 70% anh góp 30%, sao có chuyện lạ lùng thế?

Tôi lấy ví dụ, giờ Vietjet nói dự án có tổng vốn 1.000 tỷ, Vietjet bỏ 700 tỷ, ACV bỏ ra 300 tỷ nhưng ai thẩm định dự án có đúng là 1.000 tỷ không? Trường hợp, dự án bị đẩy vốn lên, ACV chắc chắn sẽ mất ngay 300 tỷ còn Vietjet ai tin họ sẽ bỏ ra 700 tỷ còn lại? Hay cuối cùng chỉ có ACV cũng chính là nhà nước mất tiền, còn doanh nghiệp sẽ ung dung hưởng lợi.

Như vậy ai thiệt, ai lợi, nợ nần ai gánh? Chỉ cần nhìn là thấy", ĐBQH Phạm Văn Hòa cảnh báo.

Chưa hết, ông còn dẫn thêm nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí gây bức xúc trong đề xuất của Vietjet như: tham gia với mức vốn rất khiêm tốn 70%/0,2% tổng vốn đầu tư toàn dự án, nhưng Vietjet lại đề xuất thực hiện theo BOT với thời gian hợp đồng là 50 năm. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, nhà đầu tư được quyền ưu tiên thuê lại để tiếp tục khai thác.

"Tôi không thấy có quy định nào cho phép đầu tư xây dựng sân bay theo hình thức BOT 30 năm chứ chưa nói là 50 năm.

Hơn nữa, hiệu quả của dự án là dựa trên tính toán từ tổng mức đầu tư trừ đi doanh thu của doanh nghiệp. Nguồn thu càng cao, DN làm ăn càng hiệu quả, thời gian thu hồi vốn càng ít. Tuy nhiên, Vietjet đặt vấn đề BOT 50 năm, tức là người dân Điện Biên cũng như những người tham gia các chuyến cất hạ cánh tại sân bay Điện Biên sẽ phải gánh cái khoản nợ này trong 50 năm?. Một dự án kéo dài như vậy thì làm sao nói là hiệu quả? Đây là điểm bất hợp lý thứ hai", ông Hòa chỉ rõ.

Dù khẳng định, yêu cầu phát triển hạ tầng hàng không là cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như các nhiệm vụ về an ninh, quốc phòng, tuy nhiên theo ĐB Hòa đấy là tầm nhìn tương lai lâu dài.

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn thêm vào đó, nguồn thu ngân sách hạn chế, nguồn vốn cho đầu tư phát triển vừa thiếu vừa ít, hàng năm chúng ta vẫn phải đi vay về trả nợ, vay về chi tiêu, do đó, việc chạy đua đầu tư sân bay phải được cân nhắc kỹ.

Nhất là với các tỉnh miền núi, với khoảng cách chỉ vài trăm, thậm chí vài chục cây số nhưng tự cho mình có tiềm năng phát triển du lịch hoặc có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh mà xin mỗi tỉnh một dự án sân bay thì phải cân nhắc.

Ông Phạm Văn Hòa nói thẳng, đầu tư kiểu chạy theo dự án sẽ không mang lại lợi ích gì cho địa phương ngoài việc góp thêm chút thành tựu, thành tích, ghi danh kiểu địa phương cũng có cảng biển, sân bay... Đây là điểm bất hợp lý thứ ba.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xin-lam-bot-san-bay-dien-bien-bat-hop-ly-3368269/