Xin hoãn thoái vốn, Petrolimex có quá lo xa?

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn ào ào gọi vốn và linh hoạt ứng biến với thị trường để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, thì việc các 'ông lớn' như Petrolimex với nhiều ưu thế trong tay 'chưa làm đã sợ' khiến thị trường đặt ra dấu hỏi lớn.

Trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 10/8, ông Phạm Văn Thanh - Trưởng nhóm đại diện vốn nhà nước tại Petrolimex, cho rằng, từ đầu năm 2018 đến nay, các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đa phần đều diễn ra không thuận lợi và không thành công. Số lượng bán rất thấp hoặc phải hoãn, hủy, lùi việc thực hiện.

Đơn cử, Tập đoàn Cao su Việt Nam (chỉ bán được 1/5 số cổ phần chào bán), thương vụ IPO của Tổng công ty Phát điện 3 (bán chưa được 3%). Đợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại Ngân hàng TMCP Hàng hải cũng thất bại khi không có nhà đầu tư đăng ký mua.

Phiên đấu giá cổ phần của VTVCab mới đây cũng phải hủy bỏ do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. Đợt chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines do Bộ Giao thông Vận tải tiến hành cũng thất bại...

Bởi vậy, Petrolimex xin lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tập đoàn này sang giai đoạn 2019 – 2020, thay vì triển khai trong năm 2018.

Xin giãn thời hạn thoái vốn, song Petrolimex lại đề xuất được mở room ngoại cho Tập đoàn lên 49%, từ mức 20% vốn điều lệ như hiện tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thành công việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước.

Nhận xét về đề xuất của nhóm đại diện vốn nhà nước tại Petrolimex, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, xem xét trong mối tương quan với cả thị trường, điều này có vẻ không hợp lý.

Trong công văn nói trên, Petrolimex đã lờ đi các trường hợp thoái vốn, IPO thành công. Vì sao trên thị trường có những đợt bán vốn thành công, có những đợt chào bán lại thất bại, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lý do là phải “mổ xẻ” cách thức thực hiện của những bên có liên quan?

Vị này cũng dẫn lại phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trước các nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A Việt Nam tổ chức mới đây để thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu đã đặt ra:

“Chính phủ chủ trương tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh mẽ, theo hướng giảm nắm giữ 100% và chi phối doanh nghiệp, chỉ tập trung vào những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không làm được.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến nay đạt 96%, nhưng lượng vốn bán ra mới đạt 8% nên dư địa còn nhiều. Đến năm 2020, chúng ta phải cơ bản hoàn thành quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ”.

“Petrolimex là doanh nghiệp đầu ngành, thị phần lớn nhất với mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc. Tiềm năng doanh nghiệp là rất lớn, tại sao chưa thực hiện thoái vốn, chưa đo lường sức cầu trên thị trường, chưa nỗ lực tối đa đã tính chuyện xin trì hoãn? Nếu đơn vị nào cũng như vậy thì còn ai tuân thủ Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg về Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thoái vốn 2017 - 2020? Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không thể thích thì làm không thích thì thôi”, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nêu vấn đề.

Thoái vốn nhà nước mà lúc nào cũng nhăm nhăm vào đạt giá cao là phi thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại của một số đợt thoái vốn nhà nước thời gian qua.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, “phải bán theo giá thị trường, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không thể một mình một chợ”.

Chia sẻ góc nhìn thị trường như vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc thoái vốn nhà nước, nhất là một lượng vốn lớn trên thị trường ở thời điểm này cần được cân nhắc kỹ vì phải tính đến cân đối cung - cầu.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có tiềm năng, cần tìm thêm sức cầu ở những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư có định hướng gắn bó dài hạn với doanh nghiệp chứ không đơn thuần đầu tư tài chính. Về khía cạnh này, Petrolimex có lợi thế.

Nhìn lên cũng phải nhìn xuống, nếu cứ dựa vào cán cân bấp bênh của thị trường để định giá cổ phiếu thì có lẽ sẽ chẳng có kẻ thắng người thua và chẳng có thị trường.

Cần nhớ là vào giữa năm ngoái, cổ phiếu PLX vẫn thấp hơn thị giá PLX trên sàn hiện nay (65.600 đồng/cổ phần) và mức giá hiện tại đang cao hơn 20% giá khởi điểm khi PLX chào sàn trong bối cảnh các yếu tố thị trường, kinh tế trong ngoài nước ở thời điểm năm ngoái thuận lợi hơn rất nhiều.

Hơn nữa, Petrolimex xin lui thoái vốn đến 2019 - 2020, vậy ai dám chắc, tới đây thị trường sẽ tích cực hơn, nếu thị trường xấu hơn năm 2018, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?

Đức Trung

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/xin-hoan-thoai-von-petrolimex-co-qua-lo-xa-239053.html