Xin hãy nhẹ tay với di tích

Từ việc trùng tu tôn tạo lại di tích biến sự cổ kính, trang nghiêm, thành lòe loẹt phô trương; hay việc bôi bẩn, khắc tên mình vào di tích đến việc lấn chiếm, bức hại di tích; trộm cắp bảo vật ở di tích… cho thấy hành xử kém văn hóa tại các di tích hiện là hồi chuông đáng báo động.

Hiện trạng này xảy ra ở nhiều nơi từ những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia hay di tích cấp tỉnh, cấp xã. Cần phải ứng xử ra sao với di tích là vấn đề nan giải và là bài toán khó đối với những nhà quản lí và nhà nghiên cứu di sản.

Vẽ bậy, bôi bẩn lên di tích

Đất nước ta trải dài theo hình chữ S từ Bắc vào Nam, từ địa đầu Tổ quốc ở Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau qua nhiều vùng miền với hơn 40.000 di tích, thắng cảnh. Trong số đó nhiều di tích đã được xếp hạng và có giá trị không chỉ về tinh thần, giá trị tâm linh nơi đến để thắng cảnh, lễ bái mà còn là chứng tích lịch sử, là giá trị bất biến với thời gian.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều di tích đã bị xâm hại bởi sự thiếu ý thức của con người. Ngay tại mảnh đất thủ đô, nơi được gọi là thành phố xanh với những di tích nổi tiếng đã đi vào lịch sử như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tháp Hòa Phong, Cột Cờ Hà Nội… đều bị vẽ bậy. Điều đáng nói ở đây là không chỉ có người Việt mà ngay cả các du khách nước ngoài cũng khắc tên hoặc vẽ nhằng nhịt lên đó.

Ngôi đình cổ 300 tuổi Lương Xá được thay thế bằng bê tông cốt thép khi tu bổ.

Tháp Hòa Phong nằm ở bờ đông nam Hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm là một di tích cổ còn sót lại của chùa Bảo Ân, một ngôi chùa lớn được xây vào năm 1842 ở Hà Nội. Năm 1888, người Pháp đã thực hiện chế độ cai trị, phá hủy chùa Bảo Ân, để lấy đất xây Bưu điện Hà Nội. Vị trí của ngôi chùa đã được người xưa xây dựng làm nơi thờ tự ở vị trí đắc địa, một trung tâm tâm linh của Phật giáo, ngôi chùa cửa trước nhìn ra bờ hồ, phía sau giáp sông Hồng, sau khi bị phá hủy chỉ còn giữ lại tháp Hòa Phong.

Trải qua bao nắng gió thời gian, đến nay tháp Hòa Phong vẫn còn giữ được hiện trạng ban đầu với kiến trúc cao ba tầng, tầng một có bốn cửa gọi là tứ môn tháp, kiến trúc rất quen thuộc trong các công trình Phật giáo. Tầng hai có một chữ Phạn lớn, trên bốn vòm là từng cửa với những tên gọi Báo Ân Môn, Báo Nghĩa Môn, Báo Đức Môn, và Báo Phúc Môn. Tầng thứ ba trên mặt Đông - Tây có ghi là tháp “Hòa Phong”, còn hai mặt Bắc - Nam ghi “Báo Thiên Tháp”.

Những ngày qua dư luận ồn ã việc Hòa Phong tháp bị bức hại đến cùng cực vì sự thiếu ý thức của người dân, trên bốn phía của tháp từ trong ra ngoài đều nhằng nhịt dọc ngang những nét vẽ, khắc tên, khắc chữ của du khách thập phương.

Hiện tượng vẽ bậy lên di tích không chỉ ở tháp Hòa Phong mà còn xảy ra ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi đây đã được vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông, đến năm 1076 đời vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Trong quần thể của di tích, công trình chuông nhà Thái Học đã bị du khách thập phương dùng bút xóa vẽ lên với chi chít và nhằng nhịt chữ.

Trong khuôn viên của nhà Thái Học cũng bị khắc tên, vẽ bậy, bôi bẩn. Việc vẽ bậy, bôi bẩn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo các chuyên gia nghiên cứu về di sản có thể khắc phục nhưng với hiện trạng như ở Kỳ Đài Hà Nội, hay Cột Cờ Hà Nội rất khó để khắc phục hậu quả từ việc thiếu ý thức này của du khách. Không chỉ ở trung tâm văn hóa của cả nước - thủ đô Hà Nội mà hiện tượng vẽ, bôi lên di tích ở khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc, như ở chùa Cổ Lễ (Nam Định), chuông Đại Hồng Chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), núi Bài thơ (Quảng Ninh)…

Báo động về sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích

Câu chuyện ứng xử văn hóa với di tích trong nhiều năm gần đây gióng lên một hồi chuông đáng báo động khi tu bổ di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia đã làm mất đi những dấu tích cổ truyền, như việc tranh cãi lớn khi quét vôi mới trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay bài học từ việc trước đây quét vôi lại Tháp Rùa Hồ Gươm, và Ô Quan Chưởng,… những di tích nổi tiếng của đất thủ đô mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Tháp cổ Hòa Phong bị vẽ bẩn.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa á- Thể thao & Du lịch: “Đối với di sản văn hóa, quét vôi hay những tôn tạo bình thường có tính chất thường niên hay định kì thì không cần bàn tới nhưng đối với những di tích lịch sử đã được xếp hạng thì nó vô cùng đẹp, khi làm buộc phải xin phép.

Chẳng hạn có những pho tượng vô cùng đẹp bởi sự loang lổ của màu thời gian, nay làm mới lại chỉ cần quét sơn lại thôi đã là một sự phá hoại và người ta tưởng như thế là đẹp nhưng thực chất đấy là hiện tượng làm cho pho tượng đó mất đi giá trị thẩm mỹ. Tất nhiên giá trị tự thân không mất, nhưng giá trị thẩm mỹ là mất. Mọi người hay nói mất đi giá trị, không phải, mà là mất giá trị thẩm mỹ. Và đồng thời pho tượng về mặt tâm linh thì mất thiêng”.

Câu chuyện về việc “hồn nhiên” ứng xử với di sản Tràng An ở Ninh Bình, hiện tượng tu bổ ngôi đình cổ Lương Xá, ở Ứng Hòa, Hà Nội có niên đại 300 năm tuổi được thay thế mới bằng bê tông, cốt thép khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Một ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa Trăm Gian cũng ồn ào khi được tu bổ, hay Đình Đại ở phường Bạch Mai, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với mảng chạm khắc tinh xảo có từ thế kỉ thứ XVII được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao nhưng sau khi được tu bổ đã bị biến mất khỏi di tích. Hay chùa Mui (thôn An Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) được xây dựng vào thế kỉ XVII, với kiến trúc cổ kính, với những di vật đất nung độc đáo, giúp cho việc nghiên cứu tìm hiểu về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, và nghệ thuật kiến trúc cổ, tiếc thay sau khi trùng tu tôn tạo đã không còn hình dạng ban đầu.

Đình Lương Xá, Liên Bạt, Ứng Hòa là một câu chuyện đau lòng đầy xót xa sau khi trùng tu tôn tạo. Ngôi đình được xây dựng từ thế kỉ thứ XVII, với những mảng điêu khắc tuyệt đẹp trên cột kèo được chạm trổ tinh vi trên gỗ, như một đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ và còn giá trị văn hóa cho hậu thế. Đình Lương Xá khi xưa với kiến trúc gỗ như bất kì một ngôi đình làng cổ Bắc bộ Việt Nam với mái ngồi hài mang màu rêu phong của dòng thời gian.

Với quần thể trong ngôi đình cổ có niên đại 300 năm tuổi như Nghi môn, Đại Bái, nhà Hậu cung, sau khi hạ dải người ta đã dẹp bỏ những giá trị của người xưa là những hoa văn trạm trổ tinh tế, những thân cột gỗ để thay thế bằng khối sắt thép bê tông. Những kết cấu gỗ, chi tiết mảng chạm khắc tinh xảo của những bàn tay nghệ nhân khi xưa đã thay thế bằng chất liệu gạch ngói vôi vữa...

Đình Lương Xá tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng thuộc danh mục di tích do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội kiểm kê, và được bảo hộ của Luật Di sản Văn hóa. Việc xóa bỏ không nhận ra một di tích sau khi trùng tu tôn tạo là hoàn toàn sai với luật di sản.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội cũng khẳng định việc hạ giải, làm mới di tích bằng cách thay tất cả cột kèo gỗ trong ngôi đình cổ bằng bê-tông cốt thép mới toanh là hoàn toàn sai quy định về Luật Di sản. Sau khi ồn ào việc trùng tu tôn tạo đình Lương Xá hồi cuối tháng 7 vừa qua, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã xuống kiểm tra thực tế và lập biên bản.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Trung Ương):

Tổ tiên mình đã có một ý niệm về kiến trúc rất hay như ngôi đền, ngôi chùa, cái đình nương nép và hòa vào thiên nhiên. Người xưa đã tạo ra được ngôn ngữ kiến trúc riêng biệt trong không gian văn hóa tâm linh, không gian hài hòa với thiên nhiên và ấm cúng khiến lòng người cũng trở nên thanh thản, thư thái….

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Hiện nay qua những kiến trúc về di tích ta thấy rằng di tích không còn nương nép và hòa vào thiên nhiên nữa mà đang chế ngự thiên nhiên, vượt lên thiên nhiên. Quan niệm xây to như ở Bái Đính là một ví dụ. Đấy thực chất là một ngôi chùa Trung Quốc được xây ở Việt Nam. Cấu trúc đó hoàn toàn là một ngôi chùa Trung Hoa, chứ không phải là một ngôi chùa Việt.

Nếu quan niệm anh tạo ra những điểm về du lịch tâm linh thì ở đó có thể là một điểm du lịch thuần túy, nhưng nếu như ấn định vào một Tôn giáo Việt Nam thì không ổn. Tâm lý xây to thực chất rất đáng ngại vì các cụ nhà mình hồi xưa rất hiểu một ngôi chùa, ngôi đền dù có to bao nhiêu thì vẫn cứ duyên dáng nằm trong khung cảnh thiên nhiên và có tỉ lệ kiến trúc vàng.

Di tích với diện tích vừa đủ, cùng với hình dáng cấu trúc với những đường nét sắc sảo, tinh tế phải như một điểm nhấn ở làng quê. Điểm nhấn đẹp về kiến trúc, như một cách ẩn mình vào thiên nhiên. Không gian tâm linh khi hài hòa với thiên nhiên thì mới có ý nghĩa, chứ nó đồ sộ, chế ngự toàn bộ thiên nhiên, chế ngự toàn bộ làng quê Việt bằng đền to, phủ lớn thì rất không ổn.

Bây giờ người ta quan niệm không to như cái đình mà xây cao như cái đình. Hiện nay các chùa miền Bắc trùng tu tôn tạo, có điều kiện kinh tế là xây cao lên vài tầng. Bản thân sự làm mới đó tạo ra sự diêm dúa, kì quặc. Thực ra, kiến trúc Việt đẹp ở sự dịu dàng, bình dị, thân gần với bất kì ai. Nếu như anh tạo ra kiến trúc quá xa lạ, nó như một sự trấn át, chế ngự lại tâm lý của người đến chùa, đền đình. Điều này cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có trách nhiệm, kịp thời có những điều chỉnh trước khi xảy ra hàng loạt chùa đền mới được xây to, hay đóng mác trùng tu, tôn tạo mà xa lạ thẩm mỹ của người Việt Nam.

Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản (Cục Di sản) - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch:

Anh có thể cúng đâu cũng được nhưng di sản văn hóa ấy mất đi là mất đi chứng tích về bước phát triển của dân tộc. Giá trị của di tích cực kì quan trọng. Phá hoại nó là bôi nhòe lịch sử. Muốn bước vào tương lai một cách vững chắc thì bắt buộc phải ngoái nhìn quá khứ.

Nhà nghiên cứu Di sản - giáo sư Trần Lâm Biền.

Trong quan niệm hiện nay về vấn đề di tích nhiều khi ý thức thực dụng và nhận thức về văn hóa có độ chênh. Ý thức thực dụng và nhận thức văn hóa không cùng một cung bậc thì đó là câu chuyện muôn thủa, sẽ dẫn đến những mâu thuẫn. Đây là điều mà tu bổ di tích đòi hỏi. Nghề nghiệp không phải là tu sửa mà là tu bổ di sản văn hóa. Và muốn tu bổ di sản văn hóa trước hết phải hiểu di sản văn hóa từ chân tơ kẽ tóc.

Nếu làm bừa làm ẩu để nhận về một số tiền nào đấy đó là hình thức của anh thầu khoán chứ không phải là anh đi làm tu bổ di tích. Như hiện tượng chùa Mui là hiện tượng của anh thầu khoán. Không phải là tu bổ di tích mà sự phá hoại. Bởi di tích văn hóa được tu bổ không thể áp dụng theo lối xây dựng nhà cửa được. Anh thợ cưa trát mạch một cách lấy nhanh, trát bừa dù chất liệu rất tốt bền vững thì đó cũng là hành động phá hoại.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/xin-hay-nhe-tay-voi-di-tich-522263/