Xin đừng chủ quan

Lâu lâu trên các phương truyền thông lại xuất hiện thông tin có người tử vong vì mắc bệnh dại, nguyên nhân là bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng và theo dõi, đến khi bệnh phát tác thì đã quá muộn.

Ảnh minh họa

Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm, do virus dại (rabies virus) gây nên, truyền từ động vật như chó, mèo sang người qua vết cắn, vết cào hoặc thậm chí chỉ là tiếp xúc phần da bị trầy xước trên cơ thể với nước bọt của động vật đã nhiễm virus dại. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể vài tháng thậm chí hàng năm trời, tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương, vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Bệnh dại khi đã có triệu chứng (lên cơn dại) thì bệnh nhân chắc chắn tử vong, không thể cứu chữa. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác cắn.

Để tránh những cái chết thương tâm, với bất kỳ trường hợp nào khi bị chó, mèo cắn, cào dẫn tới trầy xước da thịt thì, ngoài việc theo dõi vật nuôi, thì yêu cầu phải đi tiêm phòng bệnh dại là điều bắt buộc để phòng ngừa hậu họa.

Theo lời khuyên của cơ quan y tế, người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ cho chúng và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo.

Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Nguyễn Thị Loan

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/xin-dung-chu-quan-3943373-b.html