Xin đi Mỹ điều trị, BV gây khó dễ khiến bệnh nhân tử vong: Bộ Y tế nói gì?

Không được cấp cứu kịp thời, không lọc máu, từ chối tư vấn từ bác sĩ Mỹ, gây khó khăn làm chậm quá trình chuyển sang Mỹ điều trị …. khiến nạn nhân tử vong là những tố cáo của người nhà bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi) đối với BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

Người nhà nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội

Người nhà nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội

Xung quanh thông tin liên quan đến một bệnh nhân 19 tuổi ở Đồng Nai được chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị viêm tụy cấp tử vong do sự ‘tắc trách” được cho là từ phía Bệnh viện đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế đã có những chia sẻ với Infonet.vn.

Theo đó, Vụ trưởng Vụ truyền thông cho biết, "Bộ Y tế đã biết và đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy làm rõ thông tin trên để trả lời báo chí".

Trước đó, mạng xã hội lan truyền lá thư tố cáo từ tài khoản Lily HM – là mẹ của bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi). Chị Lyly sống tại Mỹ và gửi cậu con trai cho chị gái nuôi tại Đồng Nai và chỉ chờ 3 tháng nữa cháu đủ 20 tuổi là sang đoàn tụ với gia đình.

Nhưng, sự cố đã ập đến với gia đình chị Lyly, trong thư tố cáo, chị viết: Đêm đó là đêm thứ sáu tại Mỹ nhưng ở Việt Nam là sáng thứ Bảy, sau khi đi làm về chị nhận được điện thoại thông báo từ chị gái (người đang nuôi dưỡng con trai Nguyễn Duy Hưng giúp chị) thông báo con chị bị đau bụng và phải đưa vào BV Đồng Nai khám.

Vài tiếng sau con trai chị Lyly được chuyển lên BV Chợ Rẫy với chuẩn đoán viêm tụy cấp. Nhận được thông tin tin, chị Lyly hối hả đặt vé bay về với con.

“Sau gần hai ngày trên máy bay tôi đã về đến BV Chợ Rẫy thì biết được sự thật. Sự thật 100% do chị gái tôi và cháu trai của tôi kể lại vì gia đình tôi trực tiếp nuôi cháu tại BV. Đó là các Bác sĩ ở BV Chợ Rẫy đã cấp cứu một bệnh nhân bị VIÊM TỤY CẤP bằng cách truyền vào tay nó một bình nước biển (loại nước muối loãng mà giá khoảng 11.000 đồng)”, lá thư tố cáo chị Lyly viết.

Chị Lyly cũng nêu thêm “họ để cháu nằm ngoài hành lang bệnh viện. Sau khi gia đình khóc lóc và đi nhờ một người bà con làm trong phòng hành chính tại bệnh viện đó, ông đã giúp cho con tôi có một cái giường trên lầu tám của bệnh viện. Và họ gọi đó là phòng cho bệnh nhân bệnh nặng”.

“Tiếp theo họ cấp cứu cho một bệnh nhân bị bệnh viêm tụy cấp (nguy cơ hoại tử)??? cũng lại là chai nước truyền dịch trắng nhách và cắm vào mũi con tôi sợi dây khí oxy mỏng manh và tiếp tục nằm chờ ở đó”, chị Lyly viết.

Những dòng chia sẻ của chị Lyly

Cho rằng, “tất cả các bệnh lý đều có một KHUNG GIỜ VÀNG để chữa trị kịp thời’, nhưng phía bệnh viện đã không làm thế, khi “con tôi vẫn nằm đó và dịch trong ổ bụng bắt đầu tràn”, chị Lyly cho biết “bụng của cháu chướng lên cao hơn mặt thì họ bắt đầu cắm ống hút dịch từ dạ dày ra”.

“Cứ vài tiếng là một bịch cả hai lít nước. Họ nói người nhà ngồi canh khi nào bình dịch truyền hết thì gọi họ….Rồi thời gian tiếp tục trôi qua vẫn chẳng có động tĩnh gì về cấp cứu. Con trai tôi bắt đầu khó thở và kiệt sức dần do dịch tràn quá nhiều, và do phải nằm chờ gần hai ngày với cách cấp cứu qua loa như cấp cứu một bệnh nhân bị tiêu chảy bình thường. Trong khi căn bệnh của con tôi cần cấp cứu gấp và cần lọc máu hoặc chọc hút tụy. Nhưng không, họ vẫn không làm”, chị Lyly viết.

Theo đơn tố cáo chị Lyly kể lại, sau khi huy động các mối quan hệ nhờ vả, con trai chị mới “được đưa vào phòng ICU ( Hồi sức cấp cứu. Khi họ đưa con tôi vào tới phòng này và cắm máy lọc cũng là lúc con tôi tắt thở. Họ bắt đầu dùng máy thở nhân tạo công suất cao và luồn cái ống to đùng vào phổi cho con tôi. Từ đó con tôi thở 100% bằng máy, và không tự thở được 1% nào”.

Sau đó là chuỗi ngày mà theo lời chị Lyly “mỗi ngày chỉ mong đến 3:00 để được lên nhìn con một chút và hỏi về bệnh tình con tiến triển như thế nào. Và ngày nào cũng được câu trả lời là “ Bệnh nhân này nặng lắm”. Chỉ như thế và không hơn gì.

Mỗi ngày buổi sáng họ gọi tên người nhà Nguyễn Duy Hưng là tôi chạy lên. Lên để ký giấy đóng tiền tạm ứng mỗi buổi sáng và ký tên vào giấy lọc máu. Mỗi ngày chúng tôi phải đóng từ 50 triệu đến 70 triệu , hôm nào nhẹ nhất thì 30 triệu đồng”.

Cũng trong đơn tố cáo, chị Lyly có đưa ra chi tiết trước tình trạng bệnh của con trai, chồng chị là cha dượng của bệnh nhân cũng đã nhờ các BS Mỹ hỗ trợ. “Các BS ở Mỹ đã yêu cầu tôi cho họ liên lạc với BS điều trị cho con tôi tại BV Chợ Rẫy. Tôi đến gặp BS ở phòng ICU HỒI SỨC CẤP CỨU nơi con tôi đang điều trị và nhờ họ cho số điện thoại để BS bên Mỹ gọi về. Nhưng ở đây họ luôn xem họ là giỏi nhất nên họ từ chối không nghe điện thoại”.

“Chính các BS ở đây nói với tôi “Chúng tôi đã dùng thuốc tốt nhất trên thế giới để chữa cho con chị, dùng máy tốt nhất lọc máu cho con chị, và chúng tôi cũng đều là những BS giỏi nhất mới làm việc trong phòng này và ở Mỹ cũng chỉ đến vậy thôi”.

Bất lực vì họ từ chối, một BS ở Mỹ đã nói với tôi, họ sẽ sẵn sàng gửi tặng gấp thuốc kháng sinh mạnh về để chữa trị cho con tôi. Một lần nữa tôi lại chạy đến cầu cứu họ, nhưng BS ở đây lại nới “Thuốc kháng sinh ở Châu Á là tốt nhất thế giới rồi” .

Chồng tôi ở Mỹ bắt đầu nóng lòng hơn và quyết không chịu bỏ cuộc. Anh chạy đi cầu xin các bệnh viện ở Mỹ nhận bệnh nhân và bắt đầu tiến hành làm visa khẩn cấp để đưa con qua Mỹ điều trị. Số tiền cho một chuyến bay SOS tại Mỹ về VN chỉ có hai BS Mỹ và hai trợ lý cùng những máy móc tối tân trên máy bay, họ sẽ bay đến VN để đón con trai tôi và tôi là 7 tỉ đồng Việt Nam. Còn tiền chữa trị có thể từ 1.5 triệu đô la đến 2 triệu đô la. Tùy vào tình hình bệnh nhân.

Chồng tôi chấp nhận hết và bắt đầu tiến hành xin visa khẩn cấp. Điều kiện cho visa khẩn cấp là yêu cầu bệnh viện cấp 1 bản MEDICAL REPORT ( tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh) và giấy xác nhận căn bệnh này BV tại Việt Nam không chữa được. Khi tôi yêu cầu giấy này thì một BS nói với tôi “ Bệnh viêm tụy cấp có gì là không chữa được mà chuyển đi Mỹ. Bộ nhà bà giàu lắm hả”.

Khi tôi cố giải thích thì họ nói “ được rồi chúng tôi sẽ cấp giấy cho chị, nhưng chờ 5 ngày nữa vì chúng tôi phải dịch qua tiếng Anh lâu lắm” Tôi ngỡ ngàng vì chỉ một tờ giấy MEDICAL REPORT mà phải chờ những 5 ngày. Nhưng đành bấm bụng chịu đựng, rồi mỗi ngày như thế lại chờ đợi tới 3:00 chiều để được nhìn thấy con.

Đúng ngày 22/8/2018 tôi cũng như mọi ngày lên ký giấy lọc máu cho con nhưng 3:00 chiều tôi thăm con thì cũng không thấy máy đâu. Tôi hỏi bác sĩ là tại sao kêu tôi ký giấy mà giờ không thấy máy. Thì vị bác sĩ này nói “ lọc máu nhiều cũng đâu có tốt”. Tôi ngạc nhiên với câu trả lời của họ. Tôi hỏi lại “ Vậy BS kêu tôi lên ký giấy lọc máu làm chi”. Lúc này thì vị BS này nói với tôi, “ máy còn phải nhường cho các bệnh nhân khác nữa.

Chưa hết, bệnh viện cũng yêu cầu chị Lyly ký vô giấy tiêm thuốc nấm máu cho cháu. Khoảng 10 triệu 1 mũi và phải tiêm khoảng 20 ngày. Vậy coi như ngoài 50 đến 70 triệu mỗi ngày chị Lyly cho biết “phải đóng thêm 10 triệu nữa cho mỗi ngày tiêm thuốc”.

“Sau hơn 20 ngày bất động con tôi đã mở mắt nhìn mẹ. Ngày tiếp theo họ gọi gia đình tôi lên để ký giấy chụp CT bụng cho con tôi vì chướng lên bất thường. Chiều hôm đó 3:00 tôi lên thăm cháu thì gặp bác sĩ trưởng khoa ICU đi thăm bệnh. Sau 1 giờ đồng hồ họ gọi tôi lên và nói “ Con chị trở bệnh nặng, chỉ còn vài % sống. Chúng tôi sẽ tiến hành mổ cầu may nhưng nói trước là 99% chết trên bàn mổ. Mổ cũng chết không mổ cũng chết. Tôi nghẹn lòng và ký vào giấy với hy vọng là dù 1% nhưng biết đâu sẽ có phép màu.

9:00 đêm đó họ đưa con trai tôi vào phòng mổ. 2:00 sáng tôi chạy vào phòng ICU mặc dù bị cấm cản nhưng tôi vẫn xông vào và nhìn thấy họ đã mang con tôi ra khỏi phòng mổ và trở lại giường cũ. 6:00 họ gọi tôi vị bác sĩ cho biết đêm qua đã mổ cho con tôi nhưng khi mổ ra thì bên trong tất cả đều hư hết rồi nên họ không thể làm gì hơn. Vì vậy họ nói gia đình nên đem con tôi về vì không nên để chết tại bệnh viện. Về đến nhà con tôi mất”, chị Lyly viết.

(Infonet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này)

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xin-di-my-dieu-tri-bv-gay-kho-de-khien-benh-nhan-tu-vong-bo-y-te-noi-gi-post274619.info