Xin cảm tạ Kim Dung và những hiệp khách giang hồ

'Xin cảm tạ Kim Dung!', tác giả tiểu thuyết lịch sử Lưu Sơn Minh viết, 'Và xin cảm tạ những hào sĩ giang hồ trong thế giới của Kim Dung đã làm bạn với tôi suốt một thời'.

Tôi đọc Kim Dung lần đầu hồi đang học lớp 4 lớp 5 gì đó. Sau khi đã đọc hết Tam quốc diễn nghĩa... tôi đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng vì không có sách gì để đọc. Thay vì đọc, tôi bắt đầu dành 5-10 phút mỗi trưa trước khi đi ngủ để tự bịa ra những câu chuyện đầy gươm đao và kể cho lũ đàn em là con của các cô cùng phòng mẹ tôi. Dĩ nhiên, những chuyện ấy đều cùng một lối mòn và rất ngô nghê.

Thế rồi, một buổi trưa, vì lý do gì đó mà tôi không nhớ nổi, cô cùng phòng mẹ tôi đột nhiên dừng không đọc sách và đi đâu đó, mẹ tôi cũng đột nhiên không bắt tôi phải ngủ - như là một “kỳ duyên” vậy! Tôi trèo lên ghế và bắt đầu nhòm vào quyển sách đang mở sẵn (để cô ấy có thể trở về và đọc tiếp được ngay). Một thế giới đột nhiên mở ra. Từ hôm đó, trong những mơ mộng của tôi, có một góc riêng về thế giới ấy. Tôi đọc đúng đoạn Hoàng Dung nướng gà ăn mày và rồi hàng ngày làm các món ngon để Quách Tĩnh học võ của Hồng Thất Công. Tôi mê mải đọc.

Đối với một thằng bé 7-8 tuổi, tất cả những gì trong các trang sách đều quá kỳ lạ. Cách xưng hô, lối nói chuyện và ứng xử giữa người già và người trẻ - khác hoàn toàn với những gì mà tôi đang được dạy và đang phải sống.

Nhưng, tôi chỉ cảm giác được sự kỳ lạ đó, chứ cũng chẳng hề mảy may băn khoăn thắc mắc. Nỗi ám ảnh lại ở chỗ khác, rất đời. Đoạn mà tôi đọc, mang lại một cảm giác thanh thản và trong trẻo. Con người trong đó không sống giữa nỗi ngột ngạt của cân đo và toan tính. Và sau hết, có một điều gì đó thật tương phản giữa những món ngon, giữa con gà ăn mày chín mọng của Hoàng Dung với cơn đói và sự thèm ăn của đời thường trong những năm đầu thập niên 80...

Tôi không được đọc thêm cuốn sách đó lần nào sau buổi trưa ấy. Tôi cố ngậm ngùi quên đi. Cố quên Hồng Thất Công, Hoàng Dung... và mùi thơm đến quặn lòng của món gà ăn mày trong khu rừng hoang dã đó.

Cứ thế, tuổi thơ và những năm đói cũng đi dần qua. Mơ ước “ăn thịt gà ngập răng” đã không còn là nỗi ám ảnh nữa. Tưởng như tất cả sẽ trôi xuôi...

Năm 15 tuổi, tôi vào Đại học Y. Quá trẻ và quá ngỡ ngàng. Những kỷ luật nghiêm ngặt của các buổi học, và sau đó, là những đêm trực bệnh viện. Sau những làm quen ban đầu, tôi nhận ra mình đã sai khi bước chân vào đây. Tôi quyết định học cho xong, lấy bằng rồi sẽ làm công việc khác thay vì bỏ dở và thi vào một trường Đại học khác.

Những buổi trực đêm trở nên tẻ nhạt và chỉ còn thuần là gánh nặng... Đó thực sự là những ngày bế tắc đối với tôi. Kể cả niềm đam mê đọc sách. Đọc Dostoevsky quá nhiều, nghe Trịnh Công Sơn quá nhiều khiến tôi trở nên u uất. Những quan niệm đạo đức thông thường đột nhiên gây ra cảm giác ức chế vì sự giáo điều. Tôi nổi loạn. Và bất chấp hết.

Rồi, một ngày bình thường, đột nhiên tôi rẽ xe vào cửa hàng cho thuê sách ở cuối dốc Bà Triệu, ngay ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du. Sau này, tôi mới biết ông chủ cửa hàng đó chính là chú Phan Nhuận (tên thật là Phan Lạc Nhuận), người đã viết lời cho một loạt truyện tranh khoa học viễn tưởng đầy hấp dẫn trên báo Thiếu niên hồi thập niên 80 (như Lâu đài dưới biển, Con bọ dừa khổng lồ...) và đã dịch một loạt tiểu thuyết của Jules Verne, Maurice Leblanc... (Cuộc thám hiểm dưới lòng đất, Arsene Lupin chống lại Herlock Sholmes...).

Đó là một ông chủ cho thuê rất khó tính và vô cùng yêu những quyển sách. Chú tự mua bìa và dây dù, tự khoan và đóng sách để cho thuê.... Bắt đầu từ đó, tôi đọc “chưởng” một cách điên cuồng. Tất cả, thượng vàng hạ cám. Xác chết loạn giang hồ, Quỷ bảo, Điệu sáo mê hồn...

Tôi đọc cực nhanh, và rất nâng niu sách nên chỉ sau đúng tuần đầu làm quen, chú Phan Nhuận đã cho tôi không cần phải đặt cược tiền hay hộ khẩu mà vẫn có thể mang đi cả nửa bộ sách chừng 5-6 quyển. Những đêm trực trở nên hay hơn vì có thể đọc sách mà không bị ai nhắc nhở.

Và thế là, tôi được gặp lại Hoàng Dung. Cuộc tái ngộ thật là đẹp. Lần này, tôi có thể trọn vẹn đi vào thế giới của những anh hùng hiệp khách. Tình yêu ở thế giới ấy cũng khác, mỹ nhân ở thế giới ấy cũng khác. Tôi bắt đầu bị ảnh hưởng của Kim Dung qua cách nhìn người, cách hành xử, kể cả cách nói năng đi lại.

Đọc Kim Dung, tôi thấy mình yêu ghét phân minh. Tôi thích Lệnh Hồ Xung, Tiêu Phong, Doanh Doanh, A Châu, Hư Trúc, Dương Quá... và rất tiếc, sau cuộc tái ngộ, tôi không ưa Hoàng Dung nữa. Tôi không ưa nàng chẳng kém gì Mộ Dung Phục. Tôi cũng không ưa Quách Tỉnh và dửng dưng với Trương Vô Kỵ cùng Triệu Mẫn. Nhưng Vi Tiểu Bảo đã thêm lần nữa khiến tôi thay đổi. Gã Lộc Đỉnh Công ấy đã nhào trộn và thao túng cả thế giới truyện Kim Dung theo một cách rất lưu manh và bá đạo, nhưng rất người.

Vậy đấy, Kim Dung đã cứu những đêm trực dài vô vị của tôi; để tôi khỏi phải đắm chìm trong thế giới ma quái ám ảnh đến bệnh hoạn của Bram Stoker và bá tước Dracula.

Tôi bắt đầu viết truyện ngắn lịch sử đầu tiên năm 20 tuổi. Nhờ truyện ngắn ấy, tôi có cơ duyên được gặp nhà văn Hà Ân, và rồi tự coi mình như đệ tử của “trường phái” truyện lịch sử của bác. Những cuộc chuyện trò của hai bác cháu, đôi khi dài miên man, nhất là những khi nói về Kim Dung.

Những kỷ niệm về “đời lưu lạc” của bộ Tiếu ngạo giang hồ mang ra từ miền Nam. Kỷ niệm về Nguyễn Tuân nâng niu cất giữ riêng những trang tả Tổ Thiên Thu luận rượu với Lệnh Hồ Xung. Rồi hai bác cháu nói về cung cách mà Kim Dung “ứng xử” với lịch sử - cả trung đại và hiện đại. Một lối ứng xử khéo léo và “phải nhẽ”.

Sau Kim Dung, người ta không còn thể viết theo cách của ông được nữa. Kim tiên sinh đã đạt tới một đỉnh cao khiến cho những người đi sau, kể cả trong viết truyện võ hiệp và viết về đề tài lịch sử, đều phải chọn đi theo những lối khác. Đàm luận với bác Hà Ân về Kim Dung, là một kỷ niệm rất đẹp mà một người viết tiểu thuyết lịch sử như tôi may mắn có được. Những cuộc trò chuyện ấy, khoáng đạt và hào sảng chứ không “một màu” và buồn tẻ như các trải nghiệm tương tự của tôi...

Cứ như thế, tôi đọc đi đọc lại Kim Dung hàng chục lần suốt thời trai trẻ.

Khi Internet ở Việt Nam vẫn còn thông qua những chiếc modem kiểu dial-up với tiếng quay số tạch tạch đặc trưng, trên mạng có một diễn đàn của những người yêu truyện võ hiệp: diễn đàn Việt Kiếm. Mỗi người một nick ảo, và một lối xưng hô riêng. Gọi lão, xưng ta. Gọi huynh, xưng đệ. Gọi tiên sinh, xưng bần đạo, lão nạp, lão gàn... Những cuộc tranh luận về các nhân vật nổ ra. Rồi những tranh cãi quanh mấy cuốn sách của Vũ Đức Sao Biển về Kim Dung.

Dẫu chỉ là ảo, nhưng các mối quan hệ thân tình và chia sẻ có khi đã vượt qua ngăn cách ảo-thực của thời mới chớm làm quen với "thế giới đang dần dần phẳng”. Tôi cũng có một nick trong đó, cũng tham gia tranh luận và tranh cãi. Chỉ trong một “giang hồ online” nhỏ nhoi ấy, mà đã kịp cảm thấy mình tiếu ngạo!

Mãi đến tận bây giờ, sau hai chục năm, những huynh-đệ-muội của vietkiem năm nào vẫn có lúc nhận ra nhau và tay bắt mặt mừng như thể những hào kiệt giang hồ thứ thiệt vừa bước ra đời sống! Hai chục năm, vẫn đôi lúc thấy mình là một cư sĩ của vietkiem ngày xưa...

Bây giờ, tôi ít khi đọc Kim Dung nữa. Những gì cần đọc, cần nhớ, đều đã nhớ. Những gì cần quên, cũng đã quên. Thi thoảng đọc lại, tôi chỉ chọn đọc những gì trong trẻo và đẹp đẽ nhất. Đoạn Lệnh Hồ Xung học đàn và khúc Thanh tâm phổ thiện trú từ vị “bà bà” xinh đẹp giấu mặt Doanh Doanh. Đoạn Hư Trúc gặp Mộng Cô. Đoạn đảo hoang Vi Tiểu Bảo sống cùng bảy vị phu nhân xinh đẹp. Đoạn Thạch Phá Thiên uống rượu với hai vị đại ca Thưởng thiện Phạt ác. Những đoạn Đào Cốc lục tiên phá bĩnh và quấy rối.

Chỉ thế thôi. Tôi muốn để A Châu, A Tử, Tiêu Phong ngủ yên. Tôi muốn quên Thành Côn và Doãn Chí Bình. Tôi muốn quên cả Lý Mạc Sầu và Chu Chỉ Nhược. Quên bớt đi những bão giông và nghiệt ngã đổ lên Tạ Tốn hay Ninh phu nhân.

Những xử thế và ngẫm ngợi về cuộc đời thông qua các nhân vật của Kim Dung giờ đã là quá khứ. Thậm chí, tôi đã quên hầu như hết về Địch Vân, Hồ Phỉ hay Viên Thừa Chí...

Cho tới mới đây. Khi đột nhiên nhận được tin Kim tiên sinh đã từ giã cõi trần... Những kỷ niệm bất chợt ùa về. Tôi lại nhớ về nơi Hoàng Dung nướng gà, nhớ những quyển sách thuê luôn có dòng tên "Minh HB" (nhà tôi ở phố Hàng Bài nên tên thuê sách của tôi ký hiệu là Minh HB) ở trên cùng trong danh sách khách thuê, nhớ những đêm lạnh bệnh viện chỉ một mình tôi thức với chàng Dương Quá.

Xin cảm tạ Kim Dung. Và xin cảm tạ những hiệp khách giang hồ trong thế giới của Kim Dung đã làm bạn với tôi suốt một thời.

Xin được tiễn tiên sinh về với Tiêu Phong, về với A Châu, về với Tạ Tốn. Bất chấp đánh giá cao ngạo của những kẻ ra vẻ ngồi trên tháp ngà phán xét, bất chấp những cực đoan khiên cưỡng bài xích... những cuốn sách của ông vẫn sẽ để lại một dấu ấn riêng trong ký ức và kỷ niệm của rất-rất nhiều người.

Nhà văn Lưu Sơn Minh
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xin-cam-ta-kim-dung-va-nhung-hiep-khach-giang-ho-post889015.html