Xín Cái không còn nạn 'mất người'

Những năm trước, các gia đình ở xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) luôn canh cánh nỗi lo con cái bị 'mất tích' khi đi chơi, đi học hay ở nhà một mình. Vài năm trở lại đây, vấn nạn 'mất tích' người, đặc biệt là trẻ em bị loại bỏ khi lực lượng BĐBP Hà Giang đã đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng có hành vi buôn bán người qua biên giới. Giờ đây, Xín Cái đã yên bình trở lại, người dân chuyên tâm làm ăn, tích cực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Săm Pun cùng dân quân địa phương kiểm tra cột mốc biên giới. (Ảnh do Đồn BP Săm Pun cung cấp)

“Quá khứ sợ hãi”

Trong các năm 2008 - 2010, huyện biên giới Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong những địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ “mất tích” trẻ em làm hoang mang trong dân chúng. Đặc biệt, địa bàn xã biên giới Xín Cái đã trở thành “điểm nóng” của vấn nạn “mất tích” trẻ em với hàng chục em bị “mất tích”. Theo tường trình của bố mẹ các nạn nhân thì con họ bị các đối tượng lạ mặt tổ chức cướp đoạt với những thủ đoạn hết sức liều lĩnh. Điển hình là vụ án xảy ra vào đêm cuối năm 2008, một toán người bịt mặt bất ngờ xông vào nhà vợ chồng anh Vàng Sè Pó ở xóm Pó Chải, xã Xín Cái (Mèo Vạc). Đêm hôm đó, anh Pó ngủ lại trên nương, ở nhà chỉ có vợ anh là chị Lầu Thị Chia cùng 2 con. Chừng nửa đêm, bất ngờ có 2 đối tượng mặc quần áo đen thui, đầu trùm kín, chỉ hở hai mắt, xông vào nhà, khống chế chị Chia, bắt cháu Vàng Mí Nô (4 tuổi) rồi lủi vào màn đêm.

Thời gian này, ở Xín Cái, việc “mất tích” trẻ em không chỉ diễn ra ban đêm mà cả giữa “thanh thiên bạch nhật” với hành vi hết sức liều lĩnh. Vào cuối tháng 12-2008, chị em Vàng Thị Máy (18 tuổi) và Vàng Thị Say (16 tuổi) cùng mẹ đi chợ phiên Thèn Phùng (Trung Quốc), chợ giáp biên của xã Xín Cái. Khi đi tới đường biên giới, Máy và Say bị 2 kẻ bịt mặt dùng dao khống chế, bắt đưa đi, trước sự chết lặng của những người làm mẹ.

Trước đó không lâu, bản Lùng Thúng, xã Xín Cái lại xảy ra vụ mất con đầy bí ẩn. Anh Thò Mí Chính đi làm nương để đứa con trai 5 tuổi ở nhà, không quên dặn dò kỹ càng, cấm con không được đi chơi xa. Nhưng khi vợ chồng anh Chính trở về thì con trai đã biến mất. Cũng vào thời điểm đó, ở bản Hoa Cà, xã Thượng Phùng, đứa con trai 9 tuổi của vợ chồng anh Ly Mí Phá bị bắt trộm. Sự việc chưa lắng xuống thì 3 em học sinh trường THCS Xín Cái đột nhiên mất tích bí ẩn.

Những vụ “mất” con liên tiếp xảy ra khiến những bậc làm cha, làm mẹ của cả vùng biên nghèo khó này càng hoang mang hơn bao giờ hết. Họ không dám bỏ con ở nhà một mình để lên nương rẫy làm ăn, khiến gia cảnh vốn nghèo lại càng khó và canh cánh nỗi lo bên lòng.

Dẹp bỏ “vấn nạn” bắt cóc

Con đường vào Xín Cái vẫn cheo leo uốn lượn trên những đỉnh đồi, cuộc sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng Xín Cái hôm nay đã yên bình trở lại, các gia đình không còn sợ con cái họ bỗng dưng “mất tích” khi đi học, ở nhà một mình. Sự yên bình ở Xín Cái được Thượng tá Nguyễn Ngọc Phúc, Đồn trưởng Đồn BP Săm Pun khẳng định: “Trong năm qua, Xín Cái không để xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. Có một số trường hợp các đối tượng có hành vi bất lương đã bị chúng tôi kịp thời bắt giữ”. Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Phúc, để Xín Cái bình yên như ngày hôm nay là cả một quá trình mà lực lượng BĐBP Hà Giang nói chung, Đồn BP Săm Pun nói riêng phải “nếm mật nằm gai” bắt giữ những đối tượng cầm đầu. Thời gian cuối năm 2008, BĐBP Hà Giang đã lựa chọn những trinh sát tinh nhuệ, dũng cảm, trà trộn vào dân chúng để nắm tình hình, lần ra chân rết của những kẻ bắt cóc.

Qua nhiều tháng theo dõi, các trinh sát đã phát hiện được các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán phụ nữ, chiếm đoạt trẻ em trong nhiều tháng trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Đó chính là anh em Vàng Mí Tinh (28 tuổi), Vàng Mí Gió (26 tuổi) ở Súa Dìn Chải, xã Thèn Phùng, huyện Phú Linh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Xác định được đối tượng nhưng để bắt được chúng là một thử thách lớn đối với lực lượng làm nhiệm vụ, bởi bọn bắt cóc hoạt động rất chuyên nghiệp, nhiều mánh khóe. Chúng điều hành đường dây “buôn người” bằng điện thoại di động và những ám hiệu được quy định riêng. Nhiều lần lực lượng đánh án đã bố trí trinh sát ém sẵn ở các ngả đường, chờ Tinh xuất đầu lộ diện là bắt ngay, nhưng y không sang Việt Nam. Qui luật hoạt động của “con cáo” ngoại quốc là chỉ đột nhập vào biên giới nước ta mỗi khi có chợ phiên Lũng Làn - Sơn Vĩ, trong vai người đi chợ.

Y luôn cẩn thận khoác trên người 4 đến 5 chiếc áo khác nhau, đi được một quãng hắn lại lủi vào chỗ vắng, cởi bỏ một chiếc áo trên người để đánh lạc hướng trinh sát. Nhưng lần đó, Tinh đã không thể qua mặt được các trinh sát biên phòng và chấp nhận đưa tay vào còng. Đối tượng cầm đầu bị bắt, những mắt xích quan trọng trong đường dây tội phạm này dần dần bị bóc gỡ.

Đường dây bắt cóc phụ nữ, trẻ em trên địa bàn xã Xín Cái đã bị chặt đứt. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Săm Pun thường xuyên vận động nhân dân đề cao cảnh giác để bọn tội phạm này không còn đất “diễn” những “tấn kịch” bi ai với dân chúng. Giờ đây, xã biên giới Xín Cái đã bình yên như bao bản làng biên giới khác của tỉnh Hà Giang.

Nguyễn Viết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xin-cai-khong-con-nan-mat-nguoi/