Xin bán lại dự án BOT cho Nhà nước: Tính toán mới?

Chủ đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 với giá trị gần 3.000 tỷ đồng.

3 phương án

Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cienco4, đại diện liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc cho biết, nhà đầu tư đã xây dựng 3 phương án xử lý trạm thu phí dự án Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3.

Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ nguyên hai trạm thu phí tại dự án, gồm trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ và trạm trên quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới theo hợp đồng đã ký kết;

Cho phép nhà đầu tư thu phí trên cơ sở mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành và thực hiện phương án miễn, giảm giá cho các chủ xe có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận trạm thu giá.

Phương án 2, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá.

Trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách vì nếu chỉ thu phí trên tuyến quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu phí trên đoạn quốc lộ 3 cũ đã cải tạo thì dự án không thể hoàn vốn do lưu lượng xe có thể thu phí chỉ chiếm 10-15% trên tổng lưu lượng của toàn tuyến.

Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, nếu dự án chỉ đặt một trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới thì ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mới đảm bảo phương án tài chính.

Phương án 3 là nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án với giá trị gần 3.000 tỷ đồng, bao gồm tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, phần trả lãi vay ngân hàng và phần lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bỏ ra.

Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Ông Huỳnh cho VnExpress biết, theo phương án tài chính và hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 được thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2017.

Nhưng đến tháng 12, việc thu phí chưa được thực hiện, trong khi bình quân mỗi tháng, nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỉ đồng tiền lãi vay; chỉ riêng tiền lãi vay cộng dồn từ đầu năm 2017 đến nay đã lên hơn 200 tỉ đồng.

Trước đó, liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng, Ban Kinh tế TƯ đề nghị được thu phí tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thỏa thuận với các địa phương về giảm giá vé cho chủ phương tiện gần trạm thu phí.

Liên doanh nhà đầu tư đã thống nhất được với UBND tỉnh Thái Nguyên về việc miễn giảm giá vé cho người dân sống gần trạm thu phí. Việc thống nhất phương án miễn giảm giá đã hơn 3 tháng nay, nhưng đến nay Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên vẫn chưa có ý kiến.

Lời ăn, lỗ xin bán cho nhà nước?

Gần đây, một số nhà đầu tư BOT có ý định bán lại toàn bộ dự án cho nhà nước khi dự án gặp sự cố.

Tại điểm nóng BOT Cai Lậy, trước phương án chi ngân sách nhà nước mua lại trạm thu phí này, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết:

"Với phương án mua lại trạm thu phí, Nhà nước phải bỏ ra một số tiền lớn. Là nhà đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi mong xây dựng một dự án vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Dưới góc độ nhà đầu tư, chúng tôi sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền".

Dư luận cho rằng, việc các nhà đầu tư BOT khi gặp sự cố lại nảy sinh ý định bán dự án cho nhà nước có thể dẫn đến trào lưu mới, "lời ăn, lỗ xin bán cho nhà nước". Như vậy, BOT giao thông vẫn là hình thức kinh doanh không phải chịu rủi ro.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xin-ban-lai-du-an-bot-cho-nha-nuoc-tinh-toan-moi-3348847/