'Xiết' tín dụng đen, cần có chính sách cho vay dưới chuẩn

Trong khi tín dụng đen luôn tìm mọi cách để 'xiết' con nợ thì các cơ quan chức năng cũng cần thiết phải có giải pháp xiết loại tín dụng này. Ở đây có 3 nhóm vẫn đề cần giải quyết: Hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý; phát triển các dịch vụ cho vay của các tổ chức tín dụng cho phép khả năng tiếp cận vốn của người dân nghèo; thiết lập sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại các địa phương.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tín dụng đen hiện chiếm 30 - 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015 - 2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, theo số liệu tại hội thảo khoa học quốc gia “Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 20/12/2019 tại Hà Nội.

Ý kiến tại hội thảo cho biết, trong những năm qua, khu vực tài chính chính thức tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả phát triển ấn tượng. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách tăng tiếp cận tín dụng chính thức cho các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy vậy, tình trạng tín dụng đen vẫn hoành hành tại Việt Nam trong suốt thời gian dài, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ cũng đã nhận định rất rõ: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

Để “tuyên chiến” với tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12.

“Tuy việc thực hiện các quy định trên đã có những kết quả nhất định, cuộc khủng hoảng tín dụng đen vẫn chưa được phòng ngừa và xử lý triệt để. Tín dụng đen có thể coi là “quốc nạn”, cần có các “quốc sách” để xử lý”, ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nói.

"Bẫy" tín dụng đen vẫn giăng khắp nơi

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng: Nguyên nhân tín dụng đen vẫn “bùng phát” là do người dân không đáp ứng được điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay hoặc trung gian dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi họ… Tại Điều 246 Luật Dân sự có quy định trần lãi suất cao nhất 20%, nhưng lãi suất tín dụng đen có khi lên đến 300 - 700%/năm.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cũng nhìn nhận tín dụng đen có rất nhiều hình thức đòi nợ với nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật như: Đe dọa, bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và thường gắn với những băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen rất khó; từ khâu phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ.

Cùng với việc xử lý hoạt động tín dụng đen gây mất ổn định, trật tự xã hội thì một hướng tiếp cận khác rất cơ bản trong việc xử lý là cần có chương trình Quốc gia để giải quyết với những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan. Điều này rất cần sự chung tay của năm “nhà” là: Các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, cùng với đó là các cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ - theo ý kiến của ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính.

Dưới góc độ tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị: Cần có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn. Bởi hiện các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản bảo đảm, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn. “Các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn”, ông Thắng nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xiet-tin-dung-den-can-co-chinh-sach-cho-vay-duoi-chuan-130365.html