Xiếc thú Việt 'vượt sóng'

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc AFA mong muốn cấm xiếc thú tại Việt Nam là thiếu cơ sở...

Thời gian gần đây, giới làm nghề và công chúng yêu nghệ thuật xiếc thú tại Việt Nam rất quan tâm cũng như lo lắng khi Liên minh châu Á vì động vật (AFA - Asia For Animals Coalition) có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn xiếc Việt không sử dụng các loài động vật hoang dã để diễn xiếc.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc loại bỏ động vật trong biểu diễn xiếc thú tại Việt Nam cần phải có lộ trình và không thể cấm tuyệt đối.

NSƯT Tống Toàn Thắng nhiều năm qua đã khẳng định tên tuổi với tiết mục biểu diễn với trăn trên sân khấu xiếc trong và ngoài nước

Tiếng nói người trong cuộc

Theo Tổ chức AFA, hiện nay tại Việt Nam có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp. Qua các cuộc khảo sát và thu thập thông tin, AFA cho biết có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép.

Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. Vì vậy, AFA mong muốn trong hoạt động biểu diễn xiếc tại Việt Nam không sử dụng động vật hoang dã trong bộ môn xiếc thú.

Trên thực tế, biểu diễn xiếc thú đã tồn tại và trở thành bộ môn nghệ thuật được yêu thích tại Việt Nam hơn 70 năm qua. Thậm chí, trong nhiều lần xuất ngoại tham gia các liên hoan xiếc quốc tế, nhiều nghệ sĩ và tiết mục biểu diễn xiếc thú của Việt Nam còn giành các giải thưởng cao quý, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trước mong muốn của AFA nói trên, nhiều người trong cuộc đã lên tiếng và chia sẻ quan điểm. NSƯT Tạ Duy Nhẫn, nguyên Trưởng đoàn Xiếc thú (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cho biết ở khu vực Đông Nam Á, không có nước nào “đọ” được về xiếc thú với Việt Nam.

“Khi chúng tôi ra nước ngoài biểu diễn, nhiều người vẫn không thể tin nổi là Việt Nam lại có đoàn xiếc thú hùng hậu và các tiết mục đạt chất lượng về nghệ thuật đến thế. Từ nuôi dưỡng, huấn luyện đến biểu diễn, tôi tự tin có thể khẳng định Việt Nam đã và đang làm tốt hơn rất nhiều nước. Xiếc thú, theo tôi đó là bộ môn mang tính nghệ thuật cao nhất trong các bộ môn xiếc. Thế nên, nếu cấm xiếc thú, tôi thấy chẳng khác gì lĩnh vực âm nhạc cấm nhạc hàn lâm vậy!”, NSƯT Tạ Duy Nhẫn ví von.

Trong khi đó, NSND Tâm Chính - người có nhiều năm biểu diễn xiếc thú tại Việt Nam bày tỏ, mong muốn cấm diễn xiếc thú một cách cơ học như yêu cầu của AFA chứng tỏ AFA chưa hiểu hết đặc thù của việc biểu diễn và nuôi dạy con thú trong ngành xiếc. NSND Tâm Chính cho biết, những con thú hoang dại nhưng được đưa về làm xiếc bao giờ cũng được huấn luyện, chăm sóc, thương yêu và dạy dỗ những động tác để phục vụ khán giả chứ không phải đánh đập, dùng roi vọt như thông tin AFA đưa ra.

Đồng quan điểm này, NSƯT Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chia sẻ, việc một số loài động vật được tuyển chọn để chăm sóc, huấn luyện và biểu diễn trên sân khấu xiếc không đi ngược lại với các quyền và lợi ích cơ bản của các loài. Với nhiều tiết mục xiếc thú đặc sắc và có tính nghệ thuật cao của các đoàn xiếc Việt Nam thời gian qua đã góp phần giáo dục cho các thế hệ thiếu nhi tình cảm yêu thương, quan tâm và gần gũi hơn nữa của con người đối với các loài động vật.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho rằng xiếc thú là một bộ môn nghệ thuật rất riêng và ngay từ những buổi sơ khai của ngành xiếc Việt Nam đã hấp dẫn rất đông người xem, đặc biệt là các em thiếu nhi.

“Vì thế, quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ việc duy trì xiếc thú. Vấn đề còn lại là chúng ta phải quan tâm, trân trọng những con thú như những người bạn diễn và làm sao đó để chúng được thụ hưởng một cuộc sống tốt nhất thì sẽ không ai phải phàn nàn, nhắc nhở hay đưa ra những khuyến cáo”, ông Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Định hướng cho tương lai

NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, với mong muốn của AFA vì động vật, Liên đoàn xiếc không thể không thực hiện nhưng cũng cần có lộ trình. Trên thực tế, trước cả khi nhận được những khuyến cáo của AFA, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có chủ trương giảm dần các tiết mục xiếc có sự tham gia của động vật hoang dã như sư tử, voi, gấu, cá sấu... để chuyển sang huấn luyện, dàn dựng các tiết mục gắn với những thú nuôi trong nhà như lợn, gà, vịt, chó và thậm chí là trâu, bò…

Trong khi đó, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, khi có thư ngỏ của AFA, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo Cục Hợp tác Quốc tế xuống ngay Liên đoàn xiếc Việt Nam để làm việc trên cơ sở trước là tiếp nhận những ý kiến của AFA, sau là rà soát lại việc chăm sóc các con thú, phương pháp huấn luyện...

Nếu có hiện tượng đúng như báo cáo của AFA (bị nuôi nhốt trái phép. Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa) thì Bộ VH-TT&DL sẽ không nương tay. Ngược lại, “oan” chỗ nào thì nhanh chóng có phát ngôn chính thức để hồi đáp cho AFA biết, dư luận không hiểu nhầm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc AFA mong muốn cấm xiếc thú tại Việt Nam là thiếu cơ sở. Điều quan trọng ở đây là cơ quan chức năng nên có quy định cụ thể về môi trường chăm sóc, môi trường huấn luyện và biểu diễn phù hợp với đặc thù của xiếc thú và từng loại thú. Trong trường hợp đơn vị nào nuôi nhốt, huấn luyện động vật hoang dã như voi, gấu, sư tử, khỉ... với mục đích biểu diễn xiếc thú nhưng trái với quy định và có hành vi tận diệt động vật thì cơ quan chức năng mới nên vào cuộc xử lý, đóng cửa.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xiec-thu-viet-vuot-song-76867.html