Xiếc dũng cảm trở mình

Phòng vé liên tục thông báo 'cháy vé', sân khấu hơn 850 chỗ ngồi gần như không còn chỗ trống. Không khí náo nhiệt với tiếng hò reo, vỗ tay tán thưởng các diễn viên, nghệ sĩ.

Đã rất lâu rồi người ta mới thấy lại hình ảnh xiếc thăng hoa tới vậy. Nhắc tới xiếc, người ta vẫn thường nhớ về thời huy hoàng của loại hình nghệ thuật cách đây 10 - 20 năm. Xiếc trong ký ức của mỗi người là những chiếc mô tô bay lượn trong lồng sắt, là những chú chó ngộ nghĩnh biết đếm số, nhảy qua vòng lửa, hay những chú hề pha trò.

1. Giữa một góc công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM), một nhà rạp được dựng lên hoành tráng. Đây là điểm diễn của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, với tên mới là Nhà hát Nghệ thuật xiếc và múa rối TPHCM.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự náo nhiệt, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ, tất cả đều rạng rỡ và rôm rả chuyện trò đợi tới giờ biểu diễn. Bước chân vào rạp, trái ngược với suy nghĩ về một rạp xiếc xuống cấp hay tạm bợ, mọi thứ đều mới toanh. Những hàng ghế xanh vàng phân chia theo khu rõ ràng và thuận tiện cho khán giả di chuyển, lớp sơn ghế mới còn chưa kịp bay hết mùi, các cột sắt, đèn chiếu, sân khấu đều chắc chắn và hiện đại. Tất cả đem lại cảm giác an toàn và yên tâm hơn nhiều cho khán giả, trước những màn trình diễn mạo hiểm của các diễn viên.

Giữa hơn 800 khán giả ổn định chỗ ngồi trước giờ biểu diễn. Một khán giả trẻ ngồi bên cạnh bắt chuyện: “Mấy ngày tết ở đây cháy vé cả, mình đi mua mấy lượt đều không được. Phải đợi qua tết, tới hôm nay mới có vé để vào xem đấy”.

Cũng phải, ở thành phố, khán giả luôn có nhu cầu trải nghiệm những điều mới mẻ. Chỉ là đã từ lâu, trong tư tưởng của khán giả, xiếc bị “đóng đinh” với những tiết mục cũ, nhàm chán nên đã từng có thời, xiếc gần như bị lãng quên. Còn xiếc ngày nay đã khác, người ta thích thú hơn khi nhắc tới xiếc và đã sẵn sàng chọn cho mình và gia đình những chiếc vé xem xiếc, thay vì đi xem phim, xem ca nhạc.

2. Đúng 20 giờ, buổi biểu diễn bắt đầu, qua sự giới thiệu của MC, chương trình gồm có 10 tiết mục chính với sự góp mặt của nhiều diễn viên trong và ngoài nước, đan xen vào đó là các tiết mục hài ngắn của chú hề.

Ngay sau khi đèn tắt, khán giả say sưa với màn múa đèn LED của các diễn viên trong tiết mục mở màn. Đèn LED đủ loại màu sắc được gắn lên mỗi bộ trang phục các diễn viên. Trông họ như những cánh bướm phát sáng trong đêm. Một người khổng lồ gắn đèn LED xuất hiện, hòa cùng tiếng nhạc sôi động. Tất cả tạo nên một khung cảnh rực rỡ và mãn nhãn khán giả, đặc biệt là các khán giả nhí.

Tiếp đó là màn trình diễn trên không trung với chiếc vòng của một nữ diễn viên xiếc đến từ nước Nga xinh đẹp. Những cú nhào lộn đẹp mắt, ấn tượng, đôi lúc đan xen cùng những động tác nguy hiểm như buộc một chân vào sợi dây giữa không trung, không dây bảo hiểm an toàn, không có điểm tựa, những cú xoay người tới “thót tim” của diễn viên. Lúc ấy mới hiểu, nghề xiếc quả thực chỉ dành cho những người dũng cảm, khéo léo và đam mê. Những tiếng hò reo, tán thưởng của khán giả dành cho nữ diễn viên vang lên không ngớt, đã hâm nóng bầu không khí trong rạp.

Các tiết mục được sắp xếp rất hợp lý với sự mới mẻ, đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, từ hồi hộp và rồi vỡ òa cảm xúc. Khán giả phấn khích với màn trình diễn gấu đi xe máy, hay những tiết mục xiếc nhảy dây dân gian được dàn dựng kỹ lưỡng. Nhiều em nhỏ thích thú cười ngả nghiêng với những màn pha trò của chú hề Petrov đến từ Nga cùng chú chó Vegas. Vài vị phụ huynh ngồi gần tôi, quay sang nói: “Cho tụi nhỏ đi xem xiếc còn bổ ích hơn để tụi nó ở nhà chơi điện thoại”.

Bên cạnh những màn trình diễn của các diễn viên đến từ Ukraine, Uzbekistan, Nga thì những màn biểu diễn của các diễn viên xiếc tại Việt Nam cũng không hề kém cạnh. Ấn tượng nhất là tiết mục mạo hiểm cùng cá sấu của nghệ sĩ Hải Đăng. Trước khi các diễn viên ra sân khấu, không khí được kéo trầm lại bởi lời cảnh báo của MC tới các bậc phụ huynh, không cho các em nhỏ tới gần sân khấu để đảm bảo an toàn.

Tiết mục mạo hiểm cùng cá sấu của nghệ sĩ Hải Đăng

Tiết mục mạo hiểm cùng cá sấu của nghệ sĩ Hải Đăng

Không để khán giả chờ lâu, một chú cá sấu khổng lồ có mặt ngay trên sân khấu, được đẩy ra bằng xe ba gác. Tất cả khán giả ồ lên rồi hồi hộp, chú ý dõi theo nghệ sĩ xiếc. Ngay khi được hạ xuống thảm đỏ, chú cá sấu nhanh chóng bò tới rìa sân khấu.

Nặng nề và hung dữ là vậy nhưng chú cá sấu “ngoan ngoãn” dưới đôi tay thuần thục của nghệ sĩ xiếc. Liên tục những động tác nguy hiểm được thực hiện như: cho tay vào miệng cá sấu, bịt mắt cho tiền vào họng cá sấu rồi lấy ra nguyên vẹn, nằm lên người cá sấu và cuối cùng khán giả từ nghẹt thở đến thở phào nhẽ nhõm khi nghệ sĩ an toàn đưa đầu ra khỏi miệng chú cá sấu. Quả thực, xem xiếc phải xem trực tiếp mới cảm nhận được hết những cung bậc cảm xúc.

3. Gần 2 giờ trôi qua chỉ trong chớp mắt. Từ những khán giả nhí cho tới các bậc phụ huynh, hết lòng tán thưởng bằng những tràng vỗ tay, những tiếng huýt sáo, hò reo. Đặc biệt là các bạn trẻ, sự hào hứng và thán phục ánh lên trong mắt.

Chương trình khép lại, các bạn nhỏ cùng bố mẹ xuống sân khấu chụp hình lưu niệm với các nghệ sĩ. Những cái ôm, khoác tay, những tiếng cười làm tôi xúc động.

Đứng một góc, lặng lẽ nở nụ cười hài lòng, nghệ sĩ Hải Đăng giãi bày: “13 năm tôi vào nghề là 13 năm làm bạn với những loài thú dữ như gấu, cá sấu… Huấn luyện thú dữ đòi hỏi không chỉ sự kiên trì mà còn cần sự khéo léo, dũng cảm và một tấm lòng. Đối với tôi, chúng không chỉ đơn thuần là một con vật, chúng cũng là người bạn diễn. Nói về nguy hiểm, chọn xiếc thú hay bất kể loại xiếc nào cũng luôn có nguy hiểm rình rập, chỉ là tôi may mắn được các đàn anh, người thầy đi trước chỉ dạy cho mà tránh. Khán giả tới xem đông, tôi có thể yên tâm về các khoản chi phí để tập trung sáng tạo những tiết mục mới”.

Không chỉ riêng nghệ sĩ Hải Đăng, những nghệ sĩ, diễn viên xiếc đều cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ bởi tiết mục của họ đã thành công mà còn bởi những giọt mồ hôi, máu và nước mắt khổ luyện đã được khán giả công nhận.

THANH MAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xiec-dung-cam-tro-minh-582919.html