Xích lại gần nhau với Thư viện sách sống

Với quan niệm: có một câu chuyện trong mỗi chúng ta, Thư viện sách sống (Human Library) do một nhóm bạn trẻ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã mang đến một cách nhìn mới mẻ và toàn diện hơn về những số phận khác biệt.

Lê Anh Thư, sáng lập viên, trưởng ban dự án Thư viện sách sống

Lê Anh Thư, sáng lập viên, trưởng ban dự án Thư viện sách sống

Tại Thư viện sách sống, mỗi “cuốn sách” là một con người thật, mang đến số phận thật, những nỗi đau rất thật. Sách sống với mong muốn được nói lên tiếng nói của mình, thẳng thắn tâm sự về nghị lực, niềm tin và những cảm xúc chân thật để “người đọc” cũng là những người lắng nghe thấu hiểu, đồng cảm những khác biệt và từ đó rút ra bài học cho chính mình.

Du nhập từ Đan Mạch về Việt Nam

Trưởng ban dự án - Lê Anh Thư hiện là sinh viên Trường Oberlin College, Mỹ đã nộp đơn đăng ký xin bản quyền từ Human Library Đan Mạch rồi mang hình thức thư viện này về Việt Nam, với mong muốn chia sẻ những câu chuyện của những nhóm người phải chịu nhiều định kiến, dèm pha và những suy nghĩ bảo thủ trong xã hội.

Anh Thư chia sẻ, hai năm cuối học cấp 3 tại Mỹ, cô may mắn được tiếp xúc với dự án và đã thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống. Sau đó, lại nghĩ, dự án có thể đạt được kết quả nếu được áp dụng tại Việt Nam.

“Mình nghĩ giới trẻ ở đâu, đất nước nào, cũng mong muốn được tìm hiểu, lắng nghe những vấn đề xã hội đặc biệt là những tìm hiểu những trải nghiệm thú vị, có ích. Mà Việt Nam chưa có Thư viện sách sống nữa nên mình quyết xin bản quyền về nước”.

Nghĩ là làm, ngay sau khi được đồng ý, Thư đã đăng Thư viện sách sống lên facebook và may mắn nhận được sự tương tác của rất nhiều bạn trẻ. Nhanh chóng, Thư đã tìm được những cộng sự đồng hành cùng mình trong việc mang dự án về thực hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn lúc này mới thực sự bắt đầu. Đó là việc phải tìm những đầu-sách-sống, thuyết phục họ để làm sao có thể chia sẻ câu chuyện đó với mình, với xã hội. “Những số phận éo le, ngang trái, khác biệt không phải là thiếu, tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó thường luôn cố thu mình lại, biệt lập với xã hội. Vì thế mình phải thuyết phục từ từ, để họ có thể kể câu chuyện của chính bản thân họ cho mình nghe trước đã, rồi sau đó là chia sẻ cho xã hội nghe, cho người đọc nghe” - Anh Thư nói.

Việc kêu gọi đầu sách cũng được thực hiện qua mạng xã hội. Rất nhiều những vấn đề xã hội được đề cập và tìm hiểu thông qua các đầu sách, từ vấn đề giới tính như mại dâm, song tính, chuyển giới, cuồng dâm, xâm hại tình dục đến những vấn đề như trầm cảm, bắt nạt học đường, miệt thị cơ thể hay nữ quyền.

Tuy nhiên, theo Anh Thư, mô hình sách sống mong muốn mang đến những câu chuyện đậm sắc Việt Nam, những hoàn cảnh, cuộc sống, mảnh đời mà nhiều khi chỉ có được ở một đất nước như Việt Nam, ví dụ như nghề hầu đồng hay gánh hát lô tô ở các tỉnh miền Tây. “Chúng mình quan niệm rằng các vấn đề xã hội ở đâu cũng có, nhưng do những khác biệt về địa lý, phong tục…, Việt Nam sẽ có những vấn đề đặc thù hơn và chúng mình sẽ tập trung vào khai thác những yếu tố này”.

Một buổi sinh hoạt Thư viện sách sống

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/xich-lai-gan-nhau-voi-thu-vien-sach-song-3744781-b.html