Xiaomi, Huawei phiên âm tiếng Việt thế nào, nghĩa là gì?
Mặc dù đây là hai thương hiệu lớn có sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam, nhiều người vẫn không biết Xiaomi, Huawei phiên âm tiếng Việt thế nào, nghĩa là gì.
Xiaomi và Huawei là đều là những nhà sản xuất smartphone và các sản phẩm điện tử hàng đầu Trung Quốc, sản phẩm được bán phổ biến ở nhiều quốc gia. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả những điều cần biết về tên gọi Xiaomi và Huawei, giúp bạn có cái nhìn tổng quát về hai thương hiệu này.
Xiaomi phiên âm tiếng Việt thế nào?
Xiaomi trong tiếng Trung là 小米, phiên âm sang tiếng Việt là Tiểu Mễ, có nghĩa là hạt gạo nhỏ, phát âm là "shee-yow-mee". Cụ thể hơn, trong tiếng Trung, 小 - Xiao là nhỏ và 米 - Mi có nghĩa đen là kê (tên một thứ ngũ cốc giống như gạo), ghép lại gọi là hạt gạo nhỏ.
Xiaomi ra đời năm 2010, được sáng lập và quản lý bởi Lôi Quân cùng 7 cộng sự khác, tất cả đều có kinh nghiệm làm việc tại mảng công nghệ ở những công ty lớn như Google, Motorola, Kingsoft. Công ty ban đầu hoạt động nhờ vào nguồn quỹ đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài Trung Quốc, đơn cử như Temasek Holdings, Yunfeng Capital Management, Qualcomm...
Xiaomi (Tiểu Mễ) có nghĩa là gì?
CEO Lôi Quân của Xiaomi từng chia sẻ câu chuyện thú vị về ý nghĩa cái tên này khi vài doanh nhân phương Tây hỏi đến. Theo đó, những người sáng lập đã thảo luận rất nhiều về cái tên của công ty. Có khá nhiều ý kiến được đưa ra như Red Star (ngôi sao đỏ), Red Pepper (hạt tiêu đỏ), Black Rice (hạt gạo đen) nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn chưa có cái tên nào được tất cả mọi người hài lòng, nhất trí.
Bất chợt, trong cuộc thảo luận, Lôi Quân nghĩ đến câu nói yêu thích của mình: "The Buddha views a grain of rice with as much significance as Mount Meru" (tạm dịch: Đức Phật coi một hạt gạo có ý nghĩa to lớn không kém gì ngọn núi Meru - ngọn núi thiêng trong vũ trụ học của Phật giáo, được xem là trung tâm của vũ trụ).
Thế rồi, khi có người đề xuất gọi công ty là "Rice" (hạt gạo, chữ Mi trong tiếng Trung Quốc), Lôi Quân liền nói: "Internet vốn dĩ là để lẩn tránh. Chúng ta không nên nhận cái lớn mà nên chú trọng cái nhỏ. Hãy gọi là Xiaomi (Tiểu Mễ – hạt gạo nhỏ) đi". Ngay lập tức, cái tên này nhận được sự đồng tình của mọi người và bắt đầu được sử dụng từ đó.
Làm thế nào một hạt gạo nhỏ có thể quan trọng và có ý nghĩa lớn như một ngọn núi thiêng? Câu trả lời là tâm hồn khiêm nhường và lòng kiên trì. Lôi Quân ẩn ý, Xiaomi không chỉ là cái tên công ty, mà còn là biểu tượng của lòng khiêm nhường, sự kiên trì trong mọi hành động và tham vọng cực lớn.
Ngày 6/4/2010, Xiaomi ra đời. Ngay sau đó, thương hiệu này đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới với những sản phẩm điện thoại giá rẻ. Trải qua nhiều năm phát triển, hiện tại Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Không chỉ sản xuất điện thoại, Xiaomi còn có cả một hệ sinh thái thiết bị thông minh (IoT) và đa phần được người dùng ưa chuộng.
Từ một hạt gạo nhỏ, Xiaomi đã trở thành một ngôi sao sáng giữa thị trường công nghệ, đồng thời là minh chứng cho sức mạnh của những thứ nhỏ bé đầy ý nghĩa mà công ty đã dùng để đặt tên cho mình.
Huawei phiên âm tiếng Việt thế nào?
Huawei trong tiếng Trung là 华为, phát âm là "Wuh-Wee", phiên âm tiếng Việt là Hoa Vi.
Chữ đầu tiên 华 - Hua có nghĩa là “Trung Quốc” hoặc “người Trung Quốc”, còn chữ thứ hai为 - Wei có nghĩa là “thành tựu” hoặc “hành động”. Đặt chúng lại với nhau, tên gọi Huawei sẽ mang ý nghĩa “thành tựu của người Trung Quốc”.
Huawei được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, một cựu kỹ sư của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Vào thời điểm thành lập, Huawei tập trung vào sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, từ đó mở rộng kinh doanh các lĩnh vực xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ, thiết bị tư vấn và vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc, sản xuất thiết bị truyền thông cho thị trường tiêu dùng.
Huawei (Hoa Vi) có nghĩa là gì?
Theo người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông rằng ông vẫn chưa nghĩ ra tên gì hay khi đi đăng ký công ty, và rồi bất ngờ nhìn thấy khẩu hiệu quảng cáo "Trung Quốc đầy hứa hẹn". Ông nghĩ rằng khẩu hiệu quảng cáo này thực sự rất vang dội. Trong lúc cảm hứng dâng trào, Nhậm Chính Phi đã mượn khẩu hiệu này để làm tên công ty, gọi là Huawei.
Sau khi chọn tên xong, nội bộ những người sáng lập Huawei tranh luận về việc có nên đổi tên hay không, vì phát âm của hai chữ Huawei không vang dội như ý nghĩa, là kiểu âm câm. Cuối cùng, Nhậm Chính Phi vẫn quyết định không đổi tên, cái tên Huawei được sử dụng từ đó.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nhậm Chính Phi xuất thân là người lính. Huawei được thành lập vào năm 1987. Vào thời điểm đó, người nước ngoài độc quyền phần lớn thị trường thiết bị truyền thông, cùng với bối cảnh Trung Quốc cải cách và mở cửa, cái tên Huawei thể hiện tinh thần khởi nghiệp yêu nước trong bối cảnh thời đại.
Huawei đã duy trì tinh thần tích cực và dám nghĩ dám làm kể từ khi thành lập. Thông qua sự đổi mới liên tục, công ty tăng trưởng ổn định bằng cách hướng tới quốc tế hóa và tính chuyên nghiệp.
Huawei có khoảng 180.000 nhân viên, hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn 1/3 dân số thế giới.
Huawei cũng thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, sử dụng điện toán đám mây mở và mạng nhanh, nhạy để hỗ trợ hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Thương hiệu độc lập của Huawei đang bén rễ khắp thế giới và trở thành "tấm danh thiếp tỏa sáng" của Trung Quốc.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/xiaomi-huawei-phien-am-tieng-viet-the-nao-nghia-la-gi-ar852968.html