Xì-mạt-phôn dùng để mưu sinh

Năm nay hơn 50 tuổi, chị Thảo đã có thâm niên trong nghề thu mua ve chai ở quận 1, TPHCM. Cùng với chiếc xe đẩy là 'thương hiệu' cho dân trong nghề, chị Thảo vẫn ngày ngày rảo quanh các con hẻm đến từng căn nhà mua những thứ người ta bỏ đi.

Tuy thế, đã mấy năm nay chị có thêm một “công cụ” mới giúp mình đỡ cực phần nào - đó là chiếc điện thoại đi động cũ mèm mà bọn trẻ gọi là “cùi bắp”.

 Người buôn bán nhỏ nhờ vào điện thoại di động - dù là xì-mạt-phôn hay cùi bắp - không còn là hiếm. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Người buôn bán nhỏ nhờ vào điện thoại di động - dù là xì-mạt-phôn hay cùi bắp - không còn là hiếm. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Chị Thảo bảo có nó đỡ lắm vì không cần phải mấy ngày lại đảo một vòng qua con hẻm nào đó. Nhiều nhà mối quen có đồ ve chai cần bán cứ gọi chị, khỏi phải “canh me bà ve chai” như trước. Thiếu nó là không được đâu, chị bảo!

Cũng là dân buôn bán lề đường như chị Thảo, chị Tư không cần phải đẩy xe. Chị có một chiếc xe gắn máy hàn thêm hai khung sắt dọc thân xe sắp đầy cây cảnh đi bán dạo trên đường Nhật Tảo, quận 10. Nhưng “trình” điện thoại của chị cao hơn chị Thảo một bậc. Chị dùng điện thoại thông minh, lập hẳn một trang Facebook đưa lên ảnh của các cây cảnh hiện có. Khách mua một lần, kết bạn làm quen trên Facebook là xem như chị đã có “mối quen”, cần cây gì cứ “inbox” (nhắn tin) là chị giao hàng.

Ở Sài Gòn này, người buôn bán nhỏ như các chị nhờ vào điện thoại di động - dù là xì-mạt-phôn hay cùi bắp - không còn là hiếm. Từ anh Năm bán hủ tiếu, bán phở, đến cô Ba bán thịt, bán chè - mỗi người đều thủ sẵn ít nhất một điện thoại đi động để khi khách hàng gọi là đáp ứng ngay. Cùng cảnh ngộ là giới xe ôm công nghệ. Với họ, chiếc điện thoại trong túi áo, túi quần là vật không thể thiếu để mưu sinh.

Dùng điện thoại di động khi kiếm sống không phải chỉ có người buôn bán nhỏ hay xe ôm công nghệ. Cách đây năm năm anh nông dân Bùi Ngọc Minh Tâm ở quận Bình Tân nổi tiếng trên báo nhờ tự chế hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại di động.

Năm 2016, có bài báo rút tít “Khi người nông dân cũng không thể rời chiếc điện thoại thông minh” dẫn lời ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều ở tỉnh miền Tây Trà Vinh, cho biết qua các app (ứng dụng), chiếc xì-mạt-phôn giúp nông dân ngồi ngay tại nhà mà có thể kiểm soát được chuyện bón phân, tưới nước trên cánh đồng và do đó làm thay đổi tập quán canh tác lỗi thời.

Cách Trà Vinh hơn 2.100 ki lô mét bằng đường bộ là Lai Châu. Tháng 7 năm ngoái, 30 nông dân Lai Châu được tập huấn sử dụng phần mềm trên điện thoại di động để cải thiện chất lượng nông sản. Ba tháng sau đó, báo Tuổi trẻ dẫn một thống kê cho thấy 70% số người ở nông thôn Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động.

Thật khó tách bạch rạch ròi trong việc sử dụng điện thoại di động bao nhiêu phần trăm nhà nông Việt dùng nó chỉ để liên lạc với gia đình, bạn bè và bao nhiêu phần trăm sử dụng cho việc đồng áng hoặc liên quan đến mưu sinh. Có điều, không như mấy chục năm trước chiếc điện thoại di động là một dấu hiệu đẳng cấp tại Việt Nam, ngày nay nó là một vật quá đỗi bình thường trong đời sống của mọi người dân. Thống kê đã nói của Tuổi trẻ cho thấy có đến 92% người Việt thành thị dùng điện thoại đi động.

Các số liệu nêu trên là tín hiệu đáng mừng nếu xét về những mục tiêu như “thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt ở Việt Nam”, “phát triển kinh tế số ở Việt Nam”, “xu hướng ngân hàng điện tử tại Việt Nam”, “ứng dụng Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, “ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chánh”...

Riêng TPHCM còn ấp ủ một tham vọng vô cùng chính đáng là trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua “thành phố thông minh” ở Việt Nam.

Nhưng thử hỏi liệu những mục tiêu này có đạt được hay không nếu người dân thiếu chiếc điện thoại di động trong tay? Như vậy, nếu muốn thực hiện các mục tiêu vừa nói, phải khuyến khích người dân dùng điện thoại di động nhiều hơn nữa. Nhưng vừa muốn khuyến khích chuyện này mà lại vừa đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động như đồ xa xỉ, hạn chế sử dụng, thì không biết phải giải thích làm sao!

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288782/xi-mat-phon-dung-de-muu-sinh-.html