Xi măng Tân Thắng lùi chiến thuật?

Cân đối cung cầu để điều chỉnh tiến độ dự án, nhằm đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm là chủ trương của chủ đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Dự kiến, đến cuối năm 2019 Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng mới hoàn thành xây lắp, đưa vào vận hành

Sẽ lùi thời hạn ra mắt

Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương gần 2 triệu tấn xi măng/năm, được xây dựng tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 4.544 tỷ đồng, ngoài vốn tự có của chủ đầu tư, phần vốn vay có giá trị tối đa sẽ là 3.150 tỷ đồng.

Về phần vốn vay, Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng cũng đã được BIDV và BacABank cam kết tài trợ khoản vốn 3.150 tỷ đồng (trong đó BIDV làm đầu mối thu xếp 2.400 tỷ đồng, BacABank tài trợ 750 tỷ đồng) để triển khai dự án này, với thời hạn cho vay 12 năm.

Công tác chuẩn bị dự án được chủ đầu tư thu xếp khá chủ động, bởi trước thời điểm diễn ra lễ ký với BIDV và BacA bank, Công ty đã hoàn thành công tác đấu thầu, đàm phán hợp đồng gói mua sắm dây chuyền của Nhà máy với 14 nhà thầu quốc tế. Các nhà thầu đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, với giá thành khá cạnh tranh. Theo đó, Công ty đã lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ cho dự án có xuất xứ EU.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về việc tiến độ nhà máy xi măng Tân Thắng không “về đích” như kế hoạch, ông Nguyễn Cao Điến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng cho biết, trong bối cảnh nguồn cung xi măng lớn như thời gian qua và còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Công ty đã chủ động cân nhắc và điều chỉnh tiến độ xây dựng dự án. Đây cũng là chủ trương của Bộ Xây dựng đối với một số dự án xi măng.

“Dự án của chúng tôi nằm trong giai đoạn đầu tư đến năm 2020, nên việc đánh giá thị trường và điều chỉnh tiến độ là điều cần thiết với một nhà đầu tư. Tính đến thời điểm này, vốn đầu tư mới đổ vào phần hạ tầng, san nền, nhà kho. Chúng tôi sẽ thực hiện tiến độ theo Quy hoạch điều chỉnh của Bộ Xây dựng, và dự kiến cuối 2019 sẽ hoàn thành Dự án”, ông Điến nói.

Thương hiệu lớn cũng vật vã

Việc điều chỉnh lùi tiến độ đầu tư của Xi măng Tân Thắng được các chuyên gia ngành vật liệu xây dựng đánh giá là hợp lý, khi thị trường xi măng đang dư cung khá lớn. Theo đánh giá từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), vào thời điểm hiện tại, sản lượng dư thừa đã lên tới gần 26 triệu tấn. Hơn nữa, Dự án Tân Thắng lại nằm ở khu vực Thanh Hóa - Nghệ An, đúng vùng có nguồn cung xi măng lớn nhất cả nước.

Khi nhìn vào kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết từ đầu năm đến nay, đa phần trong số họ đều có hiệu quả kinh doanh kém hơn khá nhiều so với năm trước.

Thời điểm 2 năm trước, chủ đầu tư khá tự tin với đầu ra cho sản phẩm của Dự án là Xi măng PCB50, PCB40 chất lượng cao.

“Thị trường tiêu thụ của Tân Thắng được xác định là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ngoài ra, 30% sản lượng sẽ được xuất khẩu sang thị trường Lào và một số thị trường khu vực”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Nhưng chỉ sau 2 năm, cục diện thị trường đã khác rất nhiều. Tại khu vực này, chỉ trong gần một năm đã chứng kiến một loạt dây chuyền mới đưa vào vận hành với nguồn cung bổ sung cả chục triệu tấn, trong đó không thể không nhắc tới dự án đình đám Xi măng Sông Lam (giai đoạn I) với 2 dây chuyền hơn 4 triệu tấn/năm; Dự án Xi măng Công Thanh 3,6 triệu tấn và Xi măng Long Sơn với 2 dây chuyền, công suất gần 5 triệu tấn…

Sản phẩm của các dự án mới ra thị trường, chưa có thương hiệu, chắc chắn không thể dễ cạnh tranh, ngay cả trong trường hợp chủ đầu tư có quyết định giá bán thấp hơn cũng khó đảm bảo tiêu thụ được lượng sản phẩm như kỳ vọng ban đầu.

Thực tế này càng rõ khi nhìn vào kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết từ đầu năm đến nay, đa phần trong số họ đều có hiệu quả kinh doanh kém hơn khá nhiều so với năm trước.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng của toàn ngành giảm 5,72%. Cần lưu ý rằng, các thành viên của VNCA chủ yếu bao gồm các ông lớn như Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên, đều là công ty thành viên của Tổng công ty Xi măng (Vicem). Trong khi đó, sản xuất của khối các doanh nghiệp nước ngoài với các thương hiệu “khủng” như Holcim, ChingFong và sản phẩm của SCCC (Thái Lan), PT Semen Gresik (Indonesia)… cũng không kỳ vọng nhiều vào thị trường Việt.

Ngay cả với Công ty Xi măng Hà Tiên, vốn là doanh nghiệp có thành tích sản xuất, kinh doanh tăng trưởng cao do có thị trường tiêu thụ ổn định cũng phải nhận những kết quả bất lợi trong khoảng thời gian này. Theo thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, trong nửa đầu năm 2017, Xi măng Hà Tiên 1 chỉ đạt lợi nhuận sau thuế ở mức 224 tỷ đồng, giảm 147 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Vẫn theo thống kê trên, sau 6 tháng, HT1 mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 36% lợi nhuận cả năm.

Cần phải nói thêm, mặc dù công suất hoạt động chỉ đạt 70% công suất thiết kế, nhưng tính đến ngày 30/6/2017, hàng tồn kho của HT1 đang ở mức 829 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Trong khi đó, yếu tố thị trường hiện nay có vẻ như đang không ủng hộ các doanh nghiệp ngành xi măng. Hiện tổng công suất thiết kế ngành xi măng đã lên tới 93 - 95 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa cả năm 2017 dự kiến chỉ khoảng 65 - 66 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến ở mức 16 -17 triệu tấn.

Không bán được xi măng, các doanh nghiệp phải đối diện với tồn kho cao và buộc phải cắt giảm sản lượng, bởi vậy, trong trường hợp của Tân Thắng, việc điều chỉnh tiến độ để lùi ngày ra mắt sản phẩm là một chiến thuật hợp lý.

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/xi-mang-tan-thang-lui-chien-thuat-d69168.html