Xì căng đan tuyển sinh đại học Mỹ Lộ diện đại gia Trung Quốc

Vụ tai tiếng dùng tiền chạy vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ có thêm tình tiết mới khi các đại gia Trung Quốc bắt đầu lộ diện.

 Đại học Stanford ở California, Mỹ, điểm học tập cho con cái ưa thích của các đại gia Trung Quốc.

Đại học Stanford ở California, Mỹ, điểm học tập cho con cái ưa thích của các đại gia Trung Quốc.

Mặc một chiếc áo trắng cài kín cổ, nhìn thẳng vào ống kính, cô gái trẻ Triệu Ngọc Tỷ (Yusi Zhao), có tên Mỹ là Molly, mỉm cười và đưa ra lời khuyên về cách vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ. “Vài người hỏi, có phải tôi được nhận vào Đại học Stanford vì gia đình tôi giàu?”, cô Triệu nói trong một đoạn video dài tới 90 phút được đăng trên mạng xã hội Douyu được nhiều người theo dõi ở Trung Quốc. “Không phải vậy,” cô trả lời. “Tôi được nhận vào Stanford nhờ học tập chăm chỉ”, cô nói thêm. Cô thậm chí còn thú nhận, “Tôi không phải là người sinh ra có chỉ số thông minh cao nhưng tôi đã đi lên từng bước nhờ nỗ lực cần cù của chính mình”.

***

Đoạn video được đăng vào mùa hè năm 2017, ngay trước khi cô Triệu sang Stanford học năm thứ nhất. Nhưng những lời khoe khoang đó trở nên trơ trẽn trước thực tế là tháng 4 vừa qua, cô đã bị buộc thôi học sau khi nhà trường phát hiện cha mẹ cô ở Trung Quốc đã chi cho người môi giới William Singer 6,5 triệu đô la Mỹ để cô được nhận vào học với tư cách vận động viên bơi thuyền có thành tích. Ông Singer, bị cáo đầu trong vụ hối lộ tuyển sinh, đã làm giả bảng thành tích thi đấu của cô Triệu, đồng thời góp nửa triệu đô la cho đội tuyển bơi thuyền của Đại học Stanford, nhờ đó cô Triệu được tuyển vào học. Huấn luyện viên đội đua thuyền Stanford, ông John Vandemoer, đã bị truy tố và đã nhận tội. Con số 6,5 triệu đô la mà gia đình cô Triệu bỏ ra là khoản chi lớn nhất trong vụ tai tiếng này, đưa cô Triệu và gia đình cô vào danh sách những nhân vật có máu mặt của vụ án, gồm cả những ngôi sao Hollywood.

Được biết, gia đình cô Triệu ở Trung Quốc sáng lập và điều hành tập đoàn dược phẩm Shandon Buchang Pharmaceuticals chuyên kinh doanh thuốc Đông y và thực phẩm chức năng. Cha cô Triệu, ông Triệu Đào (Shao Tao), được tạp chí Forbes liệt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ; ông có quốc tịch Singapore nhưng sống trong một khu biệt thự xa hoa tại Bắc Kinh với dàn siêu xe có đủ cả Ferrari, Tesla, Bentley và Land Rover. Ông Triệu còn là ủy viên trong ban điều hành một tổ chức hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp gia đình Trung Quốc, có tên gọi theo tiếng Anh là Wisdom Valley; thông qua tổ chức này ông đã gặp và chụp ảnh chung với vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald và Melania Trump năm 2017.

Một đại gia Trung Quốc khác là ông Sherry Quách, đã chi ra 1,2 triệu đô la Mỹ, cũng thông qua môi giới của William Singer, để đưa con gái vào trường Yale, một đại học hàng đầu khác của Mỹ.

***

Cho đến nay, các công tố viên Mỹ đã truy tố khoảng 50 bị cáo trong vụ chạy trường tai tiếng này, trong đó có khoảng 33 phụ huynh là những “đại gia” và người nổi tiếng của Mỹ về tội lừa đảo, hối lộ các huấn luyện viên thể thao và quan chức tuyển sinh. Bị cáo đầu vụ, William Singer, đã nhận tội trục lợi, lừa đảo và hối lộ để đưa các sinh viên không đủ tiêu chuẩn vào các trường đại học lớn với tư cách vận động viên thể thao. Cơ quan công tố vẫn chưa kết tội cô Triệu và gia đình cũng như cô Quách và gia đình, nhưng cả hai sinh viên này đều đã bị đuổi khỏi trường học. Chưa rõ cơ quan công tố liên bang ở Massachusetts - nơi điều tra vụ án - có tiếp tục khởi tố các đại gia Trung Quốc về tội hối lộ và rửa tiền hay không sau khi đã khởi tố các phụ huynh Mỹ trong vụ án.

Diễn biến mới của vụ án cho thấy tầm ảnh hưởng rộng lớn của William Singer trong việc chạy chọt để đưa các sinh viên không đủ tiêu chuẩn vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Singer không phải là “cò mồi” duy nhất kiếm lợi từ nhu cầu của giới đại gia Trung Quốc muốn đưa con cái vào các trường đại học Mỹ. Ở Trung Quốc đã có hẳn một ngành dịch vụ du học với hàng ngàn công ty, sử dụng cả các thủ thuật hợp pháp và gian trá để đảm bảo con cái của các đại gia được nhận vào các trường tốt nhất, đổi lại là những khoản chi hết sức hào phóng. Jack Trần, Giám đốc tiếp thị của Viện Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc tại Bắc Kinh, chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ du học, nói rằng những công ty như của ông thường giúp sinh viên có được thư giới thiệu của các giáo sư, viết bài luận tự giới thiệu, chuẩn bị cho việc phỏng vấn du học và biên soạn lý lịch (resume) sao cho thể hiện được nhiều thành tích thể thao và hoạt động xã hội nhằm thu hút sự ưu ái của quan chức tuyển sinh Mỹ. Tuy nhiên, ông Trần biết nhiều công ty còn có thể tìm được “cửa sau” để đưa người vào các trường Mỹ, tuy ông không nói cụ thể. Trước đây, theo ông Trần, cách chạy cửa sau này rất phổ biến, nhưng sau khi nhiều trường hợp gian lận thi cử và làm giả thành tích trong hồ sơ xin học của sinh viên Trung Quốc bị phát hiện, các trường đại học Mỹ đã siết chặt hoạt động. Ngoài ra, các môi giới tuyển sinh người Mỹ được các đại gia Trung Quốc tin cậy hơn. Gia đình ông Triệu Đào và Sherry Quách đã tin cậy sử dụng dịch vụ chạy chọt của William Singer mà họ được giới thiệu qua Michael Ngô, một chuyên viên tư vấn tài chính của ngân hàng Morgan Stanley ở California đã bị đuổi việc.

Theo báo Los Angeles Times, ông Singer thường đòi phụ huynh khoảng 15.000-50.000 đô la cho việc sửa điểm thi tuyển sinh đại học, còn muốn đưa con cái vào “cửa sau”, giành chỗ của các vận động viên thể thao, thì phải chi trả tới 250.000 đô la Mỹ.

***

Sau khi thông tin về khoản tiền 6,5 triệu đô la chạy trường cho con gái bị tiết lộ, gia đình ông Triệu Đào, qua luật sư riêng Vincent Law tại Hồng Kông, ra tuyên bố nói rằng họ là nạn nhân của William Singer và khoản tiền đó là tiền tài trợ hợp pháp cho trường Đại học Stanford nhằm hỗ trợ học bổng cho các sinh viên nghèo học giỏi (!). “Hành vi hào phóng này không chỉ mang lại điều tốt đẹp cho nhà trường và các sinh viên mà còn thể hiện tình yêu, sự hỗ trợ cho con gái Ngọc Tỷ từ một bà mẹ thương con”. Bản tuyên bố xác định con gái của họ đã nộp đơn xin học và được “nhiều trường” nhận vào học “thông qua thủ tục thông thường”; khoản tiền chỉ là khoản tài trợ cho trường Stanford và không liên quan tới việc cô Triệu được nhận vào học. Trường Stanford khẳng định nhà trường không nhận được khoản tài trợ nào từ gia đình họ Triệu hay từ quỹ của Singer. Trên mạng xã hội, nhiều người ở Trung Quốc tỏ ra ngạc nhiên và không tin vào lòng tốt bất chợt của gia đình ông Triệu và không hiểu vì sao họ có thể bỏ ra tới 6,5 triệu đô la tài trợ cho một trường đại học Mỹ trong khi ngay tại Trung Quốc đang có rất nhiều cơ sở giáo dục lớn đang khó khăn về tài chính.

(Theo NYT, FT, LA Times)

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289431/xi-cang-dan-tuyen-sinh-dai-hoc-my-lo-dien-dai-gia-trung-quoc.html