Xét xử Vũ 'nhôm': Sĩ quan Công an không được quản lý DN

Khẳng định lại trước tòa phúc thẩm, Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm') khẳng định việc kháng cáo toàn bộ bản án đồng thời nhấn mạnh những lời khai trước đây tại CQĐT và tại phiên sơ thẩm hoàn toàn khách quan.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm - Ảnh: T.Anh

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm - Ảnh: T.Anh

Ngày 10.6, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) cùng 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có đơn kháng cáo của các bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79); Nguyễn Hữu Bách (nguyên Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an); Phan Hữu Tuấn (nguyên Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an); Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an).

HĐXX điều hành phiên tòa - Ảnh: T.Anh

Vi phạm Luật Doanh nghiệp

Trước khi tiến hành xét hỏi, HĐXX cho cách ly Phan Văn Anh Vũ. Bước lên bục khai báo, bị cáo Phan Hữu Tuấn khai vào năm 2009, bị cáo được giao nhiệm vụ tuyển dụng Vũ “nhôm” làm tình báo viên, hoạt động theo phương thức tình báo mật, hoạt động đơn tuyến. Khi được giao nhiệm vụ tuyển dụng, bị cáo và Nguyễn Hữu Bách cùng nghiên cứu để tuyển chọn.

Tuy nhiên, đầu tháng 9.2015, bị cáo Tuấn không tham gia quản lý Vũ “nhôm” vì đã đến tuổi nghỉ hưu. Người tiếp tục theo dõi và quản lý Vũ là Nguyễn Hữu Bách. Khi nghỉ chế độ, Công ty CP Bắc Nam 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 vẫn còn là tổ chức của Tổng cục. Khi nghiên cứu xây dựng hai tổ chức này, yêu cầu đặt ra với Vũ là để công ty hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, làm công ty bình phong lớn mạnh, phục vụ công tác nghiệp vụ.

Theo lời khai của bị cáo Tuấn, bị cáo có tham gia vào hai tổ chức bình phong này; góp 20% vốn vào vào Công ty Bắc Nam 79; góp 5% vốn vào Công ty Nova Bắc Nam 79.

Như vậy, khi đang làm sĩ quan trong lực lượng Công an, bị cáo Phan Hữu Tuấn đã tham gia vào tổ chức bình phong là doanh nghiệp. HĐXX giải thích: “Mọi hoạt động tình báo phải chấp hành pháp luật Việt Nam và chấp hành luật pháp của nước sở tại. Luật doanh nghiệp quy định cá nhân không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp gồm sĩ quan trong lực lượng Công an”.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm - Ảnh chụp màn hình

Thừa nhận sai phạm, nhưng bị cáo Tuấn cho rằng việc thành lập công ty là mong có tổ chức bình phong mạnh, đồng thời giao quyền tự chủ cho Vũ hoạt động, tuân thủ đúng pháp luật; khi có kết quả thì báo cáo. Do chưa có kết quả nên chưa đem lại lợi ích kinh tế gì. Theo bị cáo, việc tạo điều kiện hỗ trợ, sử dụng tổ chức bình phong đều phải chấp hành theo pháp luật.

Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ, bị cáo Tuấn thấy không oan nhưng mong HĐXX xem xét lại diễn biến thực tế của vụ án; xin giảm hình phạt bởi trong vụ việc này bị cáo không được hưởng lợi.

Đã chấm dứt hoạt động bình phong

Tại phiên phúc thẩm, Vũ “nhôm” khẳng định kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đồng thời nhấn mạnh những lời khai trước đây tại CQĐT và tại phiên sơ thẩm hoàn toàn đúng.

Khai trước tòa, Vũ “nhôm” cho biết được tuyển dụng vào tháng 10.2009 với chức danh tình báo viên, hoạt động theo phương thức bí mật. Bị cáo được sử dụng các tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ trong hoạt động nghiệp vụ.

Vũ "nhôm" tại phiên phúc thẩm - Ảnh: T.Anh

Liên quan đến 2 công ty CP Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79, HĐXX trích dẫn hồ sơ, Công ty CP Bắc Nam 79 có 3 cổ đông sáng lập gồm Hoàng Hữu Thân (tên gọi khác của bị cáo Phan Hữu Tuấn), Nguyễn Quang Ngọc và bị cáo Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch HĐQT. Năm 2017, bị cáo Vũ và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cùng một đại diện của Công ty Bắc Nam 79 là cổ đông.

Lúc này, HĐXX trích dẫn Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi người đại diện theo pháp luật đang bị tạm giam hoặc chấp hành án, HĐQT phải cử người khác để tham gia điều hành và đại diện cho doanh nghiệp. Hôm nay, bị cáo Vũ đã ủy quyền cho ông Trần Đình Ba nhưng hiện nay ông Ba đang vắng mặt và HĐXX đã tiến hành triệu tập. Trong trường hợp không có ông Ba, bị cáo Vũ xin phép bàn với luật sư để đề xuất người khác.

Cũng theo lời khai tại tòa của Vũ “nhôm”, bị cáo có nghe lãnh đạo thông báo đã chấm dứt hoạt động bình phong đối với hai công ty này.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/xet-xu-vu-nhom-si-quan-cong-an-khong-duoc-quan-ly-dn-114836.html