Xét xử Vũ 'nhôm': Cựu Trung tướng khai 'đổi tên cho hợp phong thủy'

Khi góp 20% vốn vào Công ty Bắc Nam 79, ông Phan Hữu Tuấn sử dụng tên Hoàng Hữu Thân vì tên Tuấn không hợp phong thủy của công ty.

Tuyển chọn Vũ "nhôm" vì là doanh nhân thành đạt

Chiều 10.6, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và 4 cựu cán bộ ngành công an theo kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo.

Trước bục khai báo, bị cáo Phan Hữu Tuấn - cựu Trung tướng, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an cho biết, ông giữ nguyên nội dung kháng cáo và khẳng định, lời khai của ông tại phiên tòa sơ thẩm đúng sự thật khách quan.

Theo ông Tuấn, năm 2009, ông giữ chức Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V. Thời điểm này, ông Tuấn cùng với ông Nguyễn Hữu Bách (cựu đại tá, cựu Phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục V) đã nghiên cứu, tuyển chọn Phan Văn Anh Vũ làm tình báo viên. Đồng thời sử dụng hai Cty do ông Vũ là Chủ tịch HĐQT là Công ty Bắc Nam 79, Công ty Nova Bắc Nam 79 làm Cty bình phong.

HĐXX hỏi, việc tuyển chọn ông Phan Văn Anh Vũ vào lực lượng và việc xây dựng Công ty Bắc Nam 79 là bình phong, việc nào làm trước, việc nào làm sau? Ông Tuấn khai, thời gian đó, mọi việc đều phải báo cáo lên cấp trên nên làm song song cả hai việc. Tuy nhiên, việc xây dựng Cty bình phong trước 1,2 tháng, sau đó mới tuyển chọn Phan Văn Anh Vũ.

Ông Tuấn khẳng định, thời điểm xây dựng công ty bình phong, cũng như việc tuyển chọn tình báo viên, ông chỉ là Cục trưởng, không có đủ thẩm quyền, mọi việc đều phải báo cáo thủ trưởng, trực tiếp là Tổng cục trưởng.

Ông Phan Hữu Tuấn khai báo trước tòa. Ảnh Cường Ngô

Ông Phan Hữu Tuấn khai báo trước tòa. Ảnh Cường Ngô

Khi được hỏi, tại sao lại chọn Vũ làm tình báo viên, điều hành hai Cty bình phong, ông Tuấn nói, vì Phan Văn Anh Vũ là doanh nhân thành đạt. Mục đích tuyển chọn Vũ “nhôm” muốn xây dựng Cty bình phong lớn mạnh, phục vụ cho công tác ngành.

Bị cáo Tuấn dứt lời, HĐXX liền nói, hồ sơ vụ án thể hiện thời điểm năm 2009, hai Cty của Phan Văn Anh Vũ không có nhiều tiềm lực kinh tế, thậm chí làm ăn khá bết bát, cơ sở nào để khẳng định ông Vũ là doanh nhân thành đạt? Lúc này, bị cáo Phan Hữu Tuấn… ngập ngừng, không nói.

Công ty bình phong không mang lại lợi ích kinh tế

HĐXX hỏi tiếp, bị cáo có tham gia vào hai Cty bình phong này không? Bị cáo Tuấn cho hay, bị cáo góp 20% vốn vào Cty này. Thời điểm góp vốn vào Cty bình phong, bị cáo sử dụng tên Hoàng Hữu Thân, vì tên Tuấn không hợp phong thủy Cty, nên xin lãnh đạo đổi tên.

Lúc này, HĐXX viện dẫn điểm d, khoản 2, điều 18, luật Doanh nghiệp, cho rằng, mọi tình báo phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Theo đó, luật này quy định rất rõ, những cá nhân không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm sĩ quan trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Căn cứ vào đâu để góp vốn khi bị cáo đang là sĩ quan công an?

Ông Tuấn giải thích bằng một quyết định, ngay lập tức, HĐXX nói “quyết định có trên luật được không?”. Lúc này, bị cáo Tuấn nhỏ giọng, thừa nhận điều này không đúng pháp luật.

Ngoài việc góp vốn vào Công ty Bắc Nam 79, ông Phan Hữu Tuấn còn góp 5% vốn vào Công ty Nova Bắc Nam 79.

HĐXX hỏi, bị cáo là người trực tiếp quản lý Phan Văn Anh Vũ, nhưng không phát hiện được thuộc cấp của mình làm sai, đề xuất cho Vũ mua, chuyển quyền sử dụng đất sai mục đích, sai thẩm quyền như không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lời và nhiều ưu đãi khác, mục đích nhằm thu lợi cá nhân cho bản thân Phan Văn Anh Vũ; trước khi đề xuất, bị cáo có nghiên cứu các điều luật không?

Ông Tuấn thừa nhận bản thân không nghiên cứu các điều luật trong khi đề xuất. “Đó là thiếu sót của bị cáo”, ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định, từ khi xây dựng Cty bình phong, Cty này chưa có kết quả nên không đem lại lợi ích kinh tế.

Trong kháng cáo, bị cáo không xin thay đổi tội danh mà xin xem xét các tình tiết giảm nhẹ, bởi thực tế bị cáo không hưởng lợi mục đích cá nhân.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/xet-xu-vu-nhom-cuu-trung-tuong-khai-doi-ten-cho-hop-phong-thuy-738308.ldo