Xét xử vụ DongABank: Chồng liên tục hầu tòa, vợ ông Trần Phương Bình 'thảnh thơi' kiếm tiền tỷ mỗi ngày

Hơn 3 năm sau ngày xảy ra biến cố của ngân hàng Đông Á, mặc dù chịu nhiều tai tiếng do chồng là ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý, PNJ bị 'sa lầy' hàng trăm tỷ đồng phải trích lập dự phòng song 'nữ hoàng vàng bạc' Cao Thị Ngọc Dung đã từng bước đưa PNJ bước ra khỏi 'bóng đen' DongABank …

"Bóng đen" DongABank

Sáng nay (27/11), Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAB) ra xét xử.

Bị can bị truy tố là ông Trần Phương Bình (59 tuổi), nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT DongABank; Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) là người có liên quan và bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; và 25 đồng phạm khác.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - vợ bị cáo Trần Phương Bình được triệu tập đến tòa với tư cách là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vừa với tư cách là vợ ông Bình vừa với tư cách đại diện cho PNJ.

Vợ chồng ông bà Trần Phương Bình - Cao Thị Ngọc Dung.

Vợ chồng ông bà Trần Phương Bình - Cao Thị Ngọc Dung.

Kể từ buổi chiều 14/8/2015, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố kết luận thanh tra toàn diện và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng Đông Á, tiếp đó hàng loạt lãnh đạo chủ chốt từ Tổng giám đốc Trần Phương Bình lần lượt bị miễn nhiệm, đình chỉ, khởi tố, ngân hàng đã rơi vào hoạt động cầm chừng trong hoàn cảnh quá nhiều xáo trộn.

Sau khi bị kiểm soát đặc biệt, 3 năm qua cơ cấu cổ đông của ngân hàng Đông Á không thay đổi, bao gồm: Nhóm cổ đông công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") nắm 12,7%; công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm 7,7%, văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 6,87%, công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm 2,14%. Cá nhân cựu Tổng giám đốc Trần Phương Bình và gia đình nắm 7,06%. Còn lại là cổ đông khác nắm 58,6%.

Cũng tại thời điểm đó, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà vẫn sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.

PNJ lãi tiền tỷ mỗi ngày

Sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt vì tội Cố ý làm trái và Vi phạm quy định về cho vay tại tổ chức tín dụng, mọi chú ý của dư luận càng đổ dồn vào hoạt động kinh doanh của PNJ - doanh nghiệp đã rót tới 800 tỷ đồng đầu tư vào nhà băng này.

Tuy nhiên, vượt qua sóng gió, khi ông Trần Phương Bình còn vướng vòng lao lý, PNJ - dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung - vẫn có kết quả kinh doanh khả quan.

Năm 2016, sau khi trích lập dự phòng khoản đầu tư 395 tỷ đồng (tương đương 7,7% cổ phần DongABank), PNJ báo đã ghi nhận lợi nhuận quý 3/2016 cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2016 cũng tăng mạnh, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Năm 2017, PNJ đạt lãi gộp hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm 27% thị phần bán lẻ cả nước. Doanh nghiệp cũng cán mốc 725,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch hơn 20%. Trung bình, riêng tiền lãi từ PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung "bỏ túi" tiền tỷ mỗi ngày.

Chỉ tính riêng trong năm, doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc này đã khai trương mới 54 cửa hàng, tốc độ mở cửa hàng được coi là “thần tốc” ngang ngửa với chuỗi hệ thống Thế giới Di động.

Bà Cao Thị Ngọc Dung rất thành công với chiến lược kinh doanh: Giảm dần hoạt động kinh doanh vàng miếng, tập trung vào chế tác, kinh doanh trang sức cao cấp bởi đây là mảng đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều.

Thời gian sau này, cổ phiếu PNJ có nhiều lần trồi sụt, trong đó có những lần trùng hợp với những thông tin về khởi tố thêm đồng phạm của ông Trần Phương Bình song bà Dung đều khẳng định PNJ không còn liên quan cũng như chịu ảnh hưởng nào từ DongABank và kêu gọi cổ đông PNJ tỉnh táo khi xử lý thông tin thị trường.

Hồi đầu 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung đã từ nhiệm chức Tổng Giám đốc PNJ để tập trung vào vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Trí Thông – một cấp dưới cũ của chồng - làm CEO PNJ thay mình.

Theo đó, ông Lê Trí Thông (sinh năm 1979) từng gia nhập DongABank từ năm 2008 và được được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc DongABank và Chủ tịch HĐQT công ty Kiều hối Đông Á…

Cho đến giờ, tại PNJ, ông Bình không sở hữu cổ phần nào. Trong khi đó, bà Dung sở hữu 9,3% cổ phần, hai con gái là Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao nắm tổng cộng 5,5% vốn điều lệ.

Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DongABank, Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư của nhà băng này, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank với số tiền 1.160 tỷ đồng; Chi lãi ngoài 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...

Hành vi nêu trên của bị cáo Bình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, năm 2013 DongABank thua lỗ kéo dài, thiếu hụt tiền mặt, vàng số lượng lớn trong kho quỹ. Để bù đắp lượng tiền thiếu, bị can Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư. Do quen nhau từ trước, Bình bàn bạc, thống nhất để Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần DongABank với giá 600 tỷ đồng khi DongABank tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Nguồn tiền mua cổ phần DongABank do Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại TP.Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DongABank. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên DongABank xuất quỹ khống cho Vũ “nhôm”. Để hợp thức hóa khoản tiền 200 tỷ đồng này, Vũ “nhôm” được sự thống nhất của bị cáo Bình, đã ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào lại DongABank để mua cổ phần. Mục đích để Vũ “nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongABank.

Tuy nhiên, DongABank không thể tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, nên ngày 8/4/2014, bị cáo Bình chỉ đạo DongABank chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi vào tài khoản của công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm chủ tịch HĐQT.

Nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi từ DongABank nhưng Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỷ đồng trở lại cho nhà băng này. Còn số tiền 200 tỷ đồng còn lại, Vũ “nhôm” trước đó đã ký khống chứng từ, nay lợi dụng điều này để chiếm đoạt số tiền 200 tỷ tiền gốc và gần 3,2 tỷ tiền lãi.

Phiên tòa dự kiến sẽ khai mạc vào lúc 7h30 sáng 27/11 và kéo dài một tháng.

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-dongabank-chong-lien-tuc-hau-toa-vo-ong-tran-phuong-binh-thanh-thoi-kiem-tien-ty-moi-ngay-a412388.html