Xét xử vụ Đồng Tâm: Viện kiểm sát nêu rõ căn cứ buộc tội các bị cáo

Trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm sáng nay (10/9), đại diện VKS đã đối đáp với các luật sư về cái chết của ông Lê Đình Kình.

Với đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thực nghiệm lại hiện trường và nghi ngờ việc đổ xăng của các bị cáo có gây ra chết người hay không của các luật sư, đại diện VKS đối đáp:

Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, kiểm sát viên đã đến hiện trường để cùng điều tra viên ghi nhận, thu thập dấu vết và thấy việc khám nghiệm hiện trường đúng pháp luật.

Việc thực nghiệm điều tra chỉ đặt ra khi thấy cần thiết. Trong vụ án này, ngoài kết quả khám nghiệm hiện trường còn lời khai của nhiều người chứng kiến sự hy sinh của 3 chiến sỹ, đã đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, không cần phải thực nghiệm điều tra.

Phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm

Phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm

Về nguyên nhân tử vong của 3 chiến sỹ, bị cáo Lê Đình Chức đã thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó 3 chiến sỹ bị rơi xuống hố đã đổ xăng thiêu chết một cách dã man. Hành vi của bị cáo đúng với chứng cứ đã được công khai tại tòa.

Việc luật sư cho rằng, các chiến sỹ trượt chân mà ngã, theo đại diện VKS, là cố tình không thừa nhận sự thật, thiếu sự tôn trọng sự mất mát của 3 chiến sỹ công an.

Về nguồn clip chiếu tại tòa, đại diện VKS khẳng định có 2 nguồn: Một nguồn công khai do các cơ quan báo chí, phóng viên phỏng vấn và đã công chiếu trên truyền hình, nhân dân cả nước đều biết.

Nguồn thứ hai là quá trình điều tra, các bị cáo được hỏi cung rất nhiều, việc ghi hình khi lấy lời khai các bị cáo song song với ghi lời khai trong các bút lục của hồ sơ là đúng quy định của pháp luật.

Đó cũng chính là lời khai của các bị cáo đã thể hiện trong các bút lục. Và khi lấy lời khai của các bị cáo tại CQĐT đều có sự tham gia của luật sư, sự chứng kiến của kiểm sát viên.

Lời khai của bị cáo tại CQĐT khi có luật sư và kiểm sát viên đồng nhất với các lời khai trước đó của các bị cáo.

"Tại tòa, nhiều bị cáo khẳng định lời khai có sự chứng kiến của luật sư là chính xác, không bị ép cung, nhục hình, nên nói các bị cáo bị ép cung, nhục hình là không có căn cứ", lời vị đại diện VKS.

Cái chết của ông Lê Đình Kình

Đối đáp với các luật sư về cái chết của ông Lê Đình Kình và thương tích của bị cáo Bùi Viết Hiểu, đại diện VKS trích đọc kết luận giám định tử thi của Viện pháp y Quốc gia giám định pháp y đối với tử thi ông Kình: “Nguyên nhân tử vong do mất máu tối cấp, tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ, hậu quả của 2 vết thương do đạn thẳng”.

Theo đại diện VKS, kết luận giám định về nguyên nhân chết của ông Lê Đình Kình là đúng với các dấu vết vật chất đã được ghi nhận, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của những người tham gia Tổ công tác bắt giữ các đối tượng phạm tội quả tang tại nhà ông Kình.

Ông Kình bị bắn trong bối cảnh 3 chiến sỹ công an bị rơi xuống hố, bị đổ xăng, bị đốt, dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền bằng loa kêu gọi nhưng các đối tượng vẫn chống đối quyết liệt, cố thủ, khóa cửa chống trả.

Việc giải cứu là cấp thiếp và việc nổ súng là bắt buộc và đúng quy định của pháp luật.

Đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, đất đai là của Nhà nước, người dân có quyền thắc mắc nhưng không có nghĩa, một người dân tự cho mình quyền chiếm giữ trái phép, tự chia đất cho nhau, đòi yêu sách.

Ông Phạm Công Lâm, cha của liệt sỹ Phạm Công Huy thay mặt cho ba gia đình chiến sỹ bị giết hại ở Đồng Tâm kêu gọi lương tâm các bị cáo hãy thức tỉnh

Trong phiên tòa sáng nay, đại diện cho phía gia đình bị hại, ông Phạm Công Lâm, cha của liệt sỹ Phạm Công Huy thay mặt cho ba gia đình chiến sỹ bị giết hại ở Đồng Tâm kêu gọi lương tâm các bị cáo hãy thức tỉnh.

Ông xúc động nói: “Tôi là người trực tiếp nhận thi hài con, tôi đã không thể nhận ra con tôi... Với lương tâm của mình, các bị cáo hãy đặt địa vị là gia đình người bị hại như chúng tôi”.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/xet-xu-vu-dong-tam-vien-kiem-sat-neu-ro-can-cu-buoc-toi-cac-bi-cao-672833.html