Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Giật mình với kiểu… y lệnh bằng miệng

Nữ bác sĩ làm việc với Hoàng Công Lương ở đơn nguyên Thận nhân tạo trả lời trước tòa: 'Khi bác sĩ Lương vắng mặt thì có ủy quyền cho chúng tôi ra y lệnh. Ủy quyền bằng miệng và ra y lệnh bằng miệng'.

Ngày 21/1, sự cố y khoa ở Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư để làm sáng tỏ những nội dung liên quan đến vụ án.

Toàn cảnh phiên xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình

Trong số rất nhiều người được TAND thành phố Hòa Bình triệu tập đến tòa, điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đã có mặt.

Trả lời câu hỏi của luật sư Việt Anh: “Ngày 28/5, có kỹ sư lên sửa chữa hệ thống lọc nước RO, chị có báo cáo với bị cáo Khiếu hay không?”. Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng nói: “Tôi chỉ báo cáo chung chung, không biết sửa chữa chi tiết như thế nào”.

“Khi chị Đỗ Thị Điệp (điều dưỡng) thông báo đã sửa chữa xong, chị có báo cáo với trưởng khoa không?”, tiếp tục một câu hỏi khác của luật sư. Chị Hằng trả lời: “Tôi không báo cáo, vì từ trước đến giờ chỉ báo cáo bác sĩ, bác sĩ cho chỉ định là chúng tôi cho máy hoạt động. Không có ai yêu cầu phải báo cáo trưởng khoa”.

HĐXX đặt câu hỏi với điều dưỡng Thu Hằng: "Theo quy chế của bệnh viện, bác sĩ là người thực hiện thủ thuật đường vào mạch máu, sáng 29/5, ai là người chọc kim cho các bệnh nhân trong ca lọc thận?",

Điều dưỡng Hằng khẳng định cả bác sĩ và điều dưỡng đều thực hiện việc này, còn cụ thể ai thực hiện thì bà Hằng không nhớ.

Nếu như trong phần xét hỏi với bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức BVĐK tỉnh Hòa Bình (chú của bị cáo Hoàng Công Lương) trước đó, vị bác sĩ này khẳng định, quá trình điều trị tại Đơn nguyên lọc máu, bác sĩ Lương và các bác sĩ điều trị khác được quyền ra y lệnh như nhau. Cụ thể, cả bác sĩ Huyền và bác sĩ Lương được phép ra y lệnh chạy thận, bác sĩ Linh có trách nhiệm giám sát.

Các bị cáo tại phiên tòa

Và việc ngày 29/5/2017, bác sĩ Huyền không tự ký y lệnh mà lại trình y lệnh để Hoàng Công Lương ký, theo bác sĩ Tình thì Hoàng Công Lương có tuổi nghề cao hơn hai bác sĩ còn lại nên về chuyên môn, hai bác sĩ Linh và Huyền có thể hỏi bác sĩ Lương. “Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sĩ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn”, ông Tình nói.

Để làm rõ nội dung này, luật sư đặt câu hỏi với bác sĩ Phạm Thị Huyền, người cùng làm việc với Hoàng Công Lương ở đơn nguyên Thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).

Có câu trả lời đối lập với bác sĩ Tình, bác sĩ Huyền khẳng định: “Tại đơn nguyên Thận nhân tạo, chỉ duy nhất bác sĩ Hoàng Công Lương được quyền ra y lệnh”.

Cũng theo nữ bác sĩ này, để ra y lệnh, bác sĩ phải có 2 điều kiện là: Chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ lọc máu.

Trong khi đó, bác sĩ Huyền cho biết bản thân mới chỉ có chứng chỉ hành nghề. Và việc bác sĩ Lương ký vào bệnh án là để đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu và đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm. Còn về mặt chuyên môn, phụ trách chung là Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình.

“Khi bác sĩ Lương vắng mặt thì có ủy quyền cho chúng tôi ra y lệnh. Ủy quyền bằng miệng và ra y lệnh bằng miệng”, bác sĩ Huyền nói.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-chay-than-o-hoa-binh-giat-minh-voi-kieu-y-lenh-bang-mieng-a419342.html