Xét xử vụ chạy thận làm 9 người chết: 'Không có chuyện thích thì truy tố, không thích thì rút về'

Đó là phản ứng của luật sư Hoàng Ngọc Biên (bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương) khi VKSND đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Luật sư Biên cho rằng: 'Không có chuyện thấy không đủ căn cứ thì trả hồ sơ...'.

Đề nghị trả hồ sơ do xuất hiện tình tiết mới

Sáng 30/5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc với phần tranh tụng bào chữa, đối đáp giữa các luật sư, người nhà nạn nhân và đại diện VKSND TP Hòa Bình. Bà Bùi Thị Thu Hằng, đại diện VKSND TP Hòa Bình giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, bị cáo Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm về hậu quả 9 người chết trong vụ án.

Cụ thể, bị cáo Lương đã ký văn bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 dùng cho chạy thận. Ngày 29/5/2017, dù chỉ nghe điều dưỡng viên báo cáo, BS Hoàng Công Lương đã ra lệnh chạy thận mà không kiểm tra dẫn đến axit tồn dư trong nước đi vào người bệnh. Theo người giữ quyền công tố, bị cáo Lương buộc phải biết chất lượng nước bơm vào người bệnh theo quy trình lọc máu gồm 8 bước trong đó bước 1 là kiểm tra máy trong tình trạng vô trùng.

Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục khẳng định quá trình điều tra không có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, không vi phạm tố tụng, không có chuyện dụ cung, mớm cung nên lời khai của các bị cáo và những người liên quan không mất đi giá trị pháp lý. “Bị cáo Lương thừa nhận được giao phụ trách, ký duyệt y lệnh, bệnh án cho các bác sĩ khác - điều này thể hiện trong hồ sơ. Chúng tôi đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện. Việc cho Lương xem biên bản không phải dụ cung, mớm cung vì trước đó Lương đã khai về nhiệm vụ được giao”, đại diện VKSND phản biện.

Các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa chiều 30/5. Ảnh: PV

Theo đại diện VKSND, hành vi ký đề nghị sửa chữa hệ thống RO của bị cáo Lương không phải hành vi nguy hiểm nhưng phát sinh trách nhiệm của người ký. Theo đó, bị cáo Lương vừa là người ký đề xuất, vừa phụ trách chuyên môn, vừa biết rõ việc sửa chữa, bị cáo không thể nào chỉ nghe một điều dưỡng thông báo. “Chúng tôi không bắt buộc Lương phải kiểm tra máy móc hay nguồn nước nhiễm độc hay không mà chúng tôi cáo buộc Lương không kiểm tra thông tin đã sửa chữa xong chưa? Phòng Vật tư đã bàn giao máy móc chưa?”, đại diện VKSND nói.

Đại diện VKSND cho rằng, bị cáo Lương được giao nhiệm vụ chuyên môn nên trước khi ra y lệnh phải đảm bảo các quy trình chuyên môn. Bị cáo cũng thừa nhận chưa kiểm tra, không báo cáo cấp trên nên phải chịu trách nhiệm về việc vượt quá thẩm quyền duyệt y lệnh, đưa máy móc vào vận hành.

Mặc dù phản bác lại hầu hết các quan điểm bào chữa của các luật sư, nhưng đại diện VKSND bất ngờ đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung vì xuất hiện chứng cứ mới là vi bằng về cuộc đối thoại giữa BS Hoàng Công Tình - Phó Khoa Hồi sức tích cực và điều dưỡng viên Đinh Tiến Công. đại diện VKSND cho rằng, có dấu hiệu của việc hợp thức hóa tài liệu về phân công nhiệm vụ cho BS Lương sau khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết. Do đó, để làm rõ dấu hiệu này cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tranh luận lại lập luận của VKSND, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đề nghị tòa bác yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKSND. Viện dẫn Điều 320 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015), luật sư Biên khẳng định, nếu VKSND cảm thấy không đủ căn cứ thì phải rút quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên BS Lương vô tội. Cơ quan công tố không thể “cảm thấy" chưa đủ để buộc tội thì "đòi trả hồ sơ". Luật sư Biên nói: "Trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi và luận tội, nếu VKSND thấy không có đủ căn cứ thì phải rút quyết định truy tố và đề nghị tuyên bố vô tội".

Luật sư Biên cũng đặt vấn đề, trong trường hợp VKSND rút quyết định truy tố thì HĐXX vẫn xét xử bình thường. Nếu xét thấy bị cáo không phạm tội thì tuyên bố bị cáo không phạm tội. "Không có căn cứ để HĐXX xem xét trả hồ sơ theo đề nghị của VKSND. Không phải thích thì truy tố, không thích thì rút về", luật sư Biên gay gắt.

“Đau đớn nhất là không thể cứu được các bệnh nhân sau sự cố”

Sau khi dành trọn ngày cho phần tranh luận, cuối buổi chiều 30/5, HĐXX đã quyết định khép lại phần tranh tụng để bước vào nghị án. Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ngày 29/5/2017. Hai bị cáo Quốc và Sơn đều bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét các tình tiết khách quan, các tình tiết giảm nhẹ và hoàn cảnh gia đình bị cáo để đưa ra hình phạt thấp nhất, giúp các bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội.

Trong phần nói lời sau cùng của mình, bị cáo Sơn đã chia sẻ về công việc đang làm - cán bộ Phòng Vật tư, Trang thiết bị y tế. Trong đó, bị cáo Sơn cho biết, không chỉ hệ thống nước RO không có kiểm tra chất lượng, mà còn nhiều trang thiết bị khác như máy thở, máy gây mê, dao mổ điện... Những thiết bị sau sửa chữa này theo bị cáo Sơn cũng chỉ nhận bàn giao từ công ty rồi bàn giao lại khoa và đưa vào sử dụng, không có cơ quan, đơn vị nào đứng ra kiểm tra thiết bị sau sửa chữa. “Sau vụ án, bị cáo nghĩ những thiết bị y tế sau sửa chữa cần có đơn vị, cần có điều kiện để những người đang hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị kiểm soát được chất lượng”, bị cáo Sơn nói.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) cũng xin HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ, ra hình phạt thấp nhất để sớm về lo cho vợ con.

Bị cáo Hoàng Công Lương đã chia sẻ những nỗi đau về thể xác và tinh thần với các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố chạy thận. Bị cáo Lương cho biết, điều bị cáo và nhân viên y tế tại BVĐK tỉnh Hòa Bình “đau đớn nhất là không thể cứu được tất cả các bệnh nhân sau sự cố 29/5”. Bị cáo Lương đau xót: "Sau 12 ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bị cáo khẳng định mình hoàn toàn vô tội. Kính mong HĐXX xem xét bản án vụ án công tâm, khách quan, tránh oan sai, tuyên bị cáo không phạm tội để bị cáo có cơ hội tiếp tục công việc khám chữa bệnh của mình; để cho các nhân viên y tế trên cả nước luôn tin tưởng vào pháp luật; để yên tâm công tác thăm khám và cứu chữa người bệnh".

Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh - Chủ tọa phiên tòa cho biết, đây là vụ án phức tạp, cần phải có thêm thời gian nghị án nên tòa quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào hồi 14h ngày 5/6.

Trước đó, trong phần luận tội, mức án mà VKSND TP Hòa Bình đề nghị đối với bị cáo Hoàng Công Lương là 30-36 tháng tù (cho hưởng án treo); bị cáo Trần Văn Sơn bị đề nghị 4-5 năm tù; bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị 5-6 năm tù.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Theo cáo buộc, với trách nhiệm được giao, BS Hoàng Công Lương phải biết nước lọc máu có đảm bảo chất lượng theo quy trình hay không. Nhưng ngày 29/5/2017, BS Lương không kiểm tra hệ thống nước mà đã ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến tai biến. Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hóa chất không có trong danh mục được dùng để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Đây là nguyên nhân chính làm chết 9 người. Trần Văn Sơn bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chính vì vậy, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người".

Thanh Sơn - Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/xet-xu-vu-chay-than-lam-9-nguoi-chet-khong-co-chuyen-thich-thi-truy-to-khong-thich-thi-rut-ve-2018053020405701.htm