Xét xử vụ án Công ty Xổ số Đồng Nai: Đại diện UBND tỉnh đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án

Ông Huỳnh Văn Tịnh (đại diện cho UBND tình Đồng Nai) đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ vụ án, để xác định tội danh các bị cáo.

Ngày 26/6, phiên tòa xét xử Nguyên TGĐ công ty Xổ số Đồng Nai tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

Trong đó đặc biệt, là đại diện của Chủ tịch UBND tỉnh (chủ sở hữu) Huỳnh Văn Tịnh (Giám đốc sở Lao động Thương bình và Xã hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Đề nghị xem xét lại toàn diện các ý kiến của bị cáo và các người có liên quan rồi từ đó quyết định xem các bị cáo cũng như những người có liên quan.

Tôi đề nghị căn cứ lại pháp luật về nội dung, đánh giá toàn diện về nội dung, liên quan đến pháp luật về nội dung, pháp luật quy định về hình thức, thủ tục, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân.

Đại diện của Chủ tịch UBND tỉnh (chủ sở hữu) Huỳnh Văn Tịnh (Giám đốc sở Lao động Thương bình và Xã hội tỉnh Đồng Nai).

Đại diện của Chủ tịch UBND tỉnh (chủ sở hữu) Huỳnh Văn Tịnh (Giám đốc sở Lao động Thương bình và Xã hội tỉnh Đồng Nai).

“Căn cứ rất thực tế tôi đã nêu trong phần xét hỏi là công ty này có đủ điều kiện thực tế được tăng lương. 3 chỉ tiêu cơ bản đều đạt được theo số liệu của công ty và số liệu này được kiểm toán, cung cấp cho cơ quan điều tra.

Các số liệu này đều đạt được về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Chỉ tiêu tăng thì đương nhiên tiền lương của người lao động sẽ tăng.

Đề nghị xem xét lại mức độ thiệt hại, đánh giá lại. Đây là gốc của vấn đề, đề nghị tòa xem xét lại.

Từ đó, căn cứ vào thực tiễn hoạt động của từng cơ quan đơn vị từ đó đánh giá lại 1 cách chính xác, từ đó đưa ra định lượng, có phạm tội không, phạm tội danh nào, hình thức xử phạt ra sao.

Vấn đề quan trọng là phải thực hiện toàn diện vấn đề, thực tiễn hoạt động, thực tế pháp luật từ đó xác định tội danh, hình phạt, có truy tố hay không truy tố, giao điều tra lại, giám định lại vụ án”, ông Tịnh cho biết.

Đại diện của công ty Xổ số Đồng Nai ông Nguyễn Lục Hòa cho biết, đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh của bị cáo Oanh và Minh chuyển sang tội cố ý làm trái, các bị cáo còn lại thì xin giảm nhẹ hình phạt.

“Đứng vai trò của bị hại, đề xuất không truy thu tiền lương của người lao động”, ông Hòa nói.

Ngày hôm qua (25/6), trong phần tranh tụng đại diện VKS ND tối cao cho rằng có đủ yếu tố cấu thành tội đối với các bị cáo.

Theo đó, VKS đã đề ra các mức án đối với các bị cáo như sau: Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố tội “Tham ô tài sản” và bị đề nghị mức án 18-20 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Thị Thùy Oanh bị truy tố tội “Tham ô tài sản” và bị đề nghị mức án 16-18 năm tù giam.

Truy tố bị cáo Đào Ngọc Hoàng 7-8 năm tù, Khương Thái Học 6-7 năm tù, Cao Thị Cúc 5-6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hai bị cáo Lâm Duy Tín bị truy tố 24-30 tháng tù được hưởng án treo, bị cáo Trần Thị Dung bị truy tố 24-36 tháng tù được hưởng án treo.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Minh Tiếp và Đỗ Lý Trà My cho rằng, bản Cáo trạng và Bản kết luận điều tra, ông Nguyễn Văn Minh có hành vi chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn – nguyên Trưởng phòng Hành chính tổ chức chủ trì và Nguyễn Thị Thùy Oanh – Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng tài vụ phối hợp thực hiện thủ đoạn: đưa số lao động định mức kế hoạch để tính đơn giá tiền lương vượt quá 115% số lao động thực tế sử dụng bình quân của năm trước liền kề; nâng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu khi công ty không đủ điều kiện; không áp dụng mức lương tối thiểu chung, để xây dựng tăng dự toán tiền lương của năm công tác trái quy định là không có căn cứ.

LS đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo luật sư cho biết, cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân kết luận: Ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn lập báo cáo, trình ông Minh ký với các nội dung chi tiết như đã nêu ở trên là không đúng sự thật khách quan, mang tính chất quy chụp, không tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

Bởi lẽ, ông Minh là giám đốc công ty, chịu trách nhiệm chung đối với việc xây dựng đơn giá tiền lương; thực hiện chi và quyết toán quỹ lương của công ty.

Trong đó, ông Minh phân công việc xây dựng đơn giá tiền lương cho Phòng Hành chính tổ chức – do ông Nguyễn Hùng Sơn làm Trưởng phòng thực hiện; phân công việc chi trả và quyết toán quỹ lương cho Phòng Tài vụ do bà Nguyễn Thị Thùy Oanh là Kế toán trưởng, Trưởng phòng thực hiện.

Tất cả những điều đó đều thể hiện trong các bút lục là lời khai của ông Nguyễn Hùng Sơn và bà Nguyễn Thị Thùy Oanh.

Cụ thể, trong biên bản hỏi cung ngày 8/12/2017 – Bl 7986-7987, bà Oanh khai: Trách nhiệm của bộ phận chuyên môn: Phòng tổ chức hành chính được giao xây dựng định mức lao động và trình các cơ quan chức năng xét duyệt dự toán tiền lương.

Phòng kế toán thực hiện chi và quyết toán quỹ lương cuối năm. Chị Lê thị Kim Lệ là kế toán phụ trách tiền lương, tôi là người trực tiếp lập báo cáo quyết toán quỹ lương cuối năm của Công ty”.

“Như vậy, ông Minh không chỉ đạo ông Sơn đưa các số liệu cụ thể (số lao động định biên, hệ số tăng lương tối thiểu) vào tính dự thảo đơn giá tiền lương. Việc tính toán số liệu là do Phòng Tổ chức hành chính thực hiện dựa trên các kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty. Phòng kế toán thực hiện chi và quyết toán quỹ lương , bà Oanh là kế toán trưởng là người trực tiếp lập báo cáo quyết toán quỹ lương cuối năm của Công ty như ông Minh và bà Oanh đã nêu ở trên”. LS Đỗ Lý Trà My nhấn mạnh.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Hơn nữa, VKS ND tối và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an không chứng minh được ý thức chủ quan, việc bàn bạc của ông Minh, bà Nguyễn Thị Thùy Oanh và những người khác liên quan trong việc nâng khống số lao động định biên vào đơn giá tiền lương. Không có bất cứ tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn và bà Nguyễn Thùy Oanh nâng khống số lao động định biên, áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu để ông Minh được hưởng lợi trái phép.

Từ Bản kết luận điều tra đến Cao trạng, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ nêu chung chung là ông Minh “chỉ đạo” mà không làm rõ được ông Minh đã chỉ đạo ông Sơn, bà Oanh nâng khống số lao động định biên như thế nào, thể hiện ở tài liệu nào, nâng khống bao nhiêu lao động để chiếm đoạt tương ứng với số tiền là bao nhiêu???.

Từ năm 2008 đến năm 2012, Công ty Xổ số Đồng Nai đều tiến hành xây dựng định biên lao động, xác định kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ lương kế hoạch, đăng ký đơn giá tiền lương với Sở Lao động TB&XH tỉnh Đồng Nai theo đúng quy định. Thông báo về việc: Đăng ký đơn giá tiền lương hàng năm của Sở Lao động TB&XH tỉnh Đồng Nai chính là cơ sở pháp lý để Công ty Xổ số Đồng Nai thực hiện chi trả lương cho người lao động. Công ty đã thực hiện chi trả lương theo đúng đơn giá đã đăng ký.

“Như vậy, ông Minh không có bất cứ hành vi gian dối nào, không lập khống, sửa chữa các con số trong đơn giá tiền lương. Hệ số điều chỉnh tăng thêm, số lao động định biên trong đơn giá đều được Phòng Tổ chức hành chính tính toán, tham khảo ý kiến của Sở Lao động TB&XH và chính ông Khương Thái Học cũng đã tính toán các số liệu, thống nhất báo cáo ông Đào Ngọc Hoàng ký thông qua (BL 8068)…

Như thế là không đủ căn cứ để kết luận ông Nguyễn Văn Minh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. không đủ căn cứ để truy tố ông Nguyễn Văn Minh về tội “Tham ô tài sản” Luật sư My nói.

Cũng theo luật sư Đỗ Lý Trà My có một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong vụ án này mà đã được thể hiện rất rõ trong phiên xét xử ngày 23, 24/06 vửa qua, đó là: Bản Cáo trạng nêu: Năm 2012, ông Nguyễn Hùng Sơn lập báo cáo đơn giá tiền lương và trình ông Minh ký.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Sơn đã chính thức nghỉ việc do bệnh nặng từ tháng 7 năm 2011. Vậy, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào tài liệu chứng cứ nào để kết luận như trên.

Trong buổi thẩm vấn ngày 24/06/2020, HĐXX chưa làm rõ được: Ai là người trực tiếp xây dựng đơn giá tiền lương năm 2012. Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và lời khai của bị cáo Oanh có sự mâu thuẫn. Tài liệu có trong vụ án đến thời điểm này không chứng minh được ông Sơn hay người khác trực tiếp xây dựng đơn giá tiền lương năm 2012. Vì vậy, chúng tôi bác toàn bộ cáo buộc của Viện kiểm sát đối với ông Nguyễn Văn Minh và đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ vấn đề này.

Hơn nữa Luật sư Đỗ Lý Trà My khẳng định, ông Nguyễn Văn Minh không chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thùy Oanh thực hiện phân phối bằng cách đem nhập 02 quỹ lương lại để chia theo hệ số trong thang bảng lương vào năm 2008, 2009 như Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đã nêu.

“Việc nhập hai quỹ lương để chia theo hệ số được thể hiện trong quy chế trả lương năm 2009 của Công ty và đã được sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đồng Nai, thông báo tới người lao động. Mặt khác trong phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa bà Oanh khẳng định trước HDDXDX rằng: ý tưởng nhập hai quỹ lương là do bà Oanh tự nghĩ ra và tự mình thực hiện nhằm giải quyết vấn đề bất cập trong công ty khi lương của Tổng giám đốc lại thấp hơn lương các trưởng phòng trong Công ty. Như vậy, Viện kiểm sát cáo buộc ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thùy Oanh nhập hai quỹ lương để hưởng lợi trái phép là không có căn cứ”. Luật sư My nhấn mạnh.

Chiều ngày 24/6, trong phần thẩm vấn: Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, 07 (bảy) bị cáo, những người lao động, chủ tịch công đoàn của công ty giai đoạn 2008 – 2012 đều không đồng ý với kết quả giám định của Giám định viên Nguyễn Thị Khương, họ cùng chung quan điểm rằng kết quả giám định không đúng với Thông tư 06/2005 của Bộ Lao động và đề nghị giám định lại vì đây là căn cứ để định tội danh cho các bị cáo và xác định thiệt hại thực tế của công ty.

Chính vì thế, LS đề nghị HĐXX chấp thuận đề nghị của đại diện UBND tỉnh Đông Nai, đề nghị của các bị cáo và những người lao động, ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để tiến hành thực hiện Giám định lại đơn giá tiền lương.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Văn Minh cho biết, “Trong quá trình làm việc bị cáo không chỉ đạo cho Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Thùy Oanh nhập hai quỹ tiền lương. Bị cáo trong quá trình điều hành chung có sơ suất chứ không có “Tham ô tài sản”.

“Việc làm của tôi là để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên, chứ không hề có tư lợi cho bản thân”. Bị cáo Minh nói.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/xet-xu-vu-an-cong-ty-xo-so-dong-nai-dai-dien-ubnd-tinh-de-nghi-xem-xet-lai-toan-bo-vu-an-d128024.html