Xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng

Trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2021, TAND các cấp đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng (1.145 vụ/2.600 bị cáo), chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Đáng chú ý chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Sáng 12/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 52, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND).

Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội

Trình bày Báo cáo về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

TAND các cấp đã thụ lý 2.433.631 vụ việc các loại và giải quyết được 2.375.983 vụ việc (đạt tỷ lệ 97,6%). Đối với công tác xét xử các vụ án hình sự, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng (1.145 vụ/2.600 bị cáo), chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản.

Đối với công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,3%, vượt 19,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Cơ bản làm tốt công tác hòa giải, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và xã hội, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều đạt trên 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết (hòa giải thành khoảng 200 nghìn vụ mỗi năm).

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TH.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TH.

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp các báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng TAND tối cao đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung kết quả công tác của TAND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nhất trí với các đánh giá, nhận định của Ủy ban Tư pháp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, so với nhiệm kỳ trước, công tác tư pháp nhiệm kỳ này đã có nhiều chuyển biến tích cực, để lại dấu ấn rõ nét.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần làm rõ hơn việc sắp xếp nâng cấp một số Tòa án, Viện kiểm sát từ huyện lên thị xã, từ quận lên thành phố thì sắp xếp, tổ chức công việc như thế nào.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần báo cáo rõ nét hơn về việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về xâm hại trẻ em.

Một số ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án thương mại, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của nhân dân./.

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/tin-tuc/xet-xu-nghiem-minh-kip-thoi-cac-vu-an-tham-nhung-572731.html